Vắng “mưa” điểm 10
Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã mấy ngày nhưng dư âm của nó vẫn còn âm ỉ. Cũng phải, giáo dục luôn liên quan đến mọi người, mọi nhà. Đã thế, kỳ thi THPT Quốc gia lại mở ra muôn vàn con đường cho hàng triệu nam thanh, nữ tú bước vào đời nên sự quan tâm đó, dư âm đó cũng là điều dễ hiểu.
Con đường các em bước đi có lung linh hoa nắng; con đường các em đi có gian khổ gập ghềnh… tất cả các em và các bậc làm cha, làm mẹ trông chờ cả vào kỳ thi này vậy. Ai cũng mong sao bản thân mình, con mình có thể làm bài thi tốt nhất, được những cơn “mưa” điểm 10 như những năm trước thì càng tốt, không chỉ có thể tự hào mình, con mình giỏi, đạt điểm cao mà cơ hội chọn trường, chọn ngành nghề cũng dễ thở hơn đôi chút.
Nhưng, năm nay, đề thi khó. Môn nào cũng khó, đã thế có môn lại còn dài. Thương cho các em, đặc biệt là các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, so với mặt bằng chung toàn quốc, so với học sinh vùng thuận lợi, các em ít có cơ hội tiếp cận các điều kiện học tập tốt, nên khó mà hoàn thành hết bài thi. Có em sau bài thi, khi được hỏi, đã rưng rưng vì lo lắng.
Mà cũng đâu chỉ học sinh vùng khó, học sinh có lực học trung bình, các em học sinh có học lực khá trở lên ngay ở vùng phố thị sau khi hoàn thành kỳ thi đều có chung cảm nhận: Đề khó, dài, độ phân hóa năng lực rõ ràng. Các em lo, phụ huynh cũng lo vì làm bài chưa thật sự như mong muốn. Sẽ khó có những cơn mưa điểm 10, sẽ khó mà đạt điểm cao, liệu có ảnh hưởng đến sự lựa chọn trường, chọn nghề?
Trước những băn khoăn, lo lắng của các em, của các bậc làm cha, làm mẹ, những người ngoài cuộc sau thăm hỏi chỉ biết động viên: khó thì khó chung, thí sinh nào cũng vậy thì chắc hẳn điểm chuẩn xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ phải thấp theo.
Ừ, thì đề khó, phổ điểm chung thấp, điểm chuẩn hạ xuống cũng không sao, miễn là các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh chất lượng đầu vào đảm bảo.
Chẳng phải, đề khó, đề phân hóa năng lực thí sinh như năm nay sẽ không để xảy ra câu chuyện bất hợp lý đến mức nực cười như những năm trước, thí sinh dù đạt điểm tuyệt đối - 30 điểm vẫn không đỗ đại học nguyện vọng 1. Giỏi đến thế, làm bài đạt đến mức tuyệt đối thế mà các em vẫn không thể chen chân vào trường đại học mình yêu thích. Rồi, thủ khoa vẫn trượt đại học nguyện vọng 1. Những tiếng thở dài ngao ngán của thí sinh, của phụ huynh. Thậm chí, trước nghịch cảnh chưa kịp mừng vui vì đỗ điểm cao đã lại nghe tin trượt đại học, không ít thí sinh cảm thấy như gục ngã, không ít phụ huynh cảm thấy bức xúc.
Vì sao lại có chuyện bất hợp lý đến mức nghịch lý như vậy?
Đề thi dễ, khó phân hóa trình độ thí sinh, những cơn “mưa” điểm 10 rơi xuống đều khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Điểm chuẩn vào một số trường đại học top đầu tăng vọt, thậm chí có trường tăng so với năm trước đến 6 điểm. Nghịch lý đến trớ trêu, mỗi môn thi có khung điểm chấm cao nhất là 10 nhưng điểm chuẩn đỗ đại học lấy ở mức 30,5 điểm (3 môn) do đề thi không phân hóa được năng lực, điểm thi hội tụ sát nhau, nên “ăn” nhau ở tiêu chí phụ. (Cũng có những ý kiến cho rằng, điểm ưu tiên cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhưng thú thực, những ai đã từng đi, từng ở vùng sâu, vùng xa mới thấu hiểu những khó khăn ở đó để chia sẻ, sẽ thấy việc cộng điểm cho vùng khó không phải là bất công, là nguyên nhân chính yếu).
Từ câu chuyện mưa điểm 10, từ câu chuyện 29, 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1 từ năm trước, khiến cho không chỉ những người làm trong ngành giáo dục mà những ai quan tâm đến giáo dục một lần nữa nhìn nhận và bàn luận một cách nghiêm túc đến việc ra đề thi.
Kỳ thi THPT Quốc gia là kỳ thi hai trong một, thí sinh lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và lấy kết quả vừa để tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Do đó, đề thi phải làm sao phân hóa được năng lực của người học, sàng lọc được thí sinh để đảm bảo mục tiêu để xét tốt nghiệp hay vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm toàn quốc và tại phiên trả lời chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề cập chuyện đề thi sẽ phân hóa tốt hơn trong những năm sau như một giải pháp cho câu chuyện “mưa điểm 10”, cho câu chuyện 30 điểm vẫn trượt đại học nguyện vọng 1...
Đề thi năm nay được cả thí sinh lẫn giáo viên đánh giá khó, dài, có độ phân hóa cao. Bỏ qua những lo lắng của các thí sinh, của các bậc làm cha làm mẹ có con đi thi, nhiều người cho rằng đó cũng là lẽ tất yếu để đảm bảo tính sàng lọc của kỳ thi hai trong một. Và, dẫu hơi khiên cưỡng, nhưng biết đâu đó cũng là một cách “đánh thức tiềm lực” trong lớp trẻ như tên bài thơ trong đề thi môn Ngữ văn: “Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên”!
Liễu Hạnh