Vươn lên nhờ nguồn vốn chính sách
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, nhiều hộ nghèo, đặc biệt là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất và chăm chỉ lao động, chi tiêu hợp lý, vươn thoát nghèo và có cuộc sống tốt hơn.
Chúng tôi đến thăm chị Bùi Thị Hà, dân tộc Mường (thôn Thung Nai, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) để tìm hiểu về “hành trình thoát nghèo” của gia đình chị. Chị kể, gia đình từ Bắc vào sinh sống ở đây hơn 20 năm. Trước đây, do chưa hiểu biết nhiều việc làm kinh tế nên gia đình chỉ trồng trọt vài loại cây kém hiệu quả như lúa rẫy, mì, đậu, đỗ, nuôi vài con heo, con gà, thu nhập hàng năm chả bao nhiêu nên cái nghèo cứ đeo theo mãi từ năm này đến năm khác.
Sau này, được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, vận động, chị tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn, lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Năm 2018, chị quyết định vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hồi để đầu tư trồng cao su, cà phê. Thu hoạch vài năm, có tích luỹ, chị trả xong vốn vay. Đến năm 2023, chị tiếp tục vay của ngân hàng này 50 triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc cho vườn cây để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
|
Hiện nay, gia đình chị đã có 3,1ha cao su, 1ha cà phê, 2ha các loại cây trồng hàng năm khác như lúa nước, mì, đậu, bắp.Nhờ biết tính toán làm ăn, chi tiêu hợp lý, gia đình chị có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Tích luỹ được vốn, chị xây dựng căn nhà ở khang trang, nuôi các con ăn học đàng hoàng, vươn lên thoát nghèo năm 2022. Hiện giờ, cuộc sống gia đình ổn định, không còn lo thiếu ăn, thiếu mặc như trước đây.
Cũng như chị Hà, chị Đỗ Thị Thuỳ (sinh năm 1987) rời quê Hưng Yên theo gia đình vào thôn 6 (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) lập nghiệp từ năm 2003. Khi lập gia đình, 2 vợ chồng ở riêng nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, gia đình 2 bên đều nghèo nên không hỗ trợ được gì. Vì vậy, 2 vợ chồng phải tự lực phấn đấu, chăm chỉ làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, dành dụm tích luỹ dần, sau đó mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất, xem đó là lối thoát duy nhất để có cuộc sống ổn định trong tương lai.
Thiếu vốn phát triển sản xuất, năm 2020, chị vay 30 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Rẫy để đầu tư chăm sóc cây trồng, nuôi bò. Đến nay, gia đình chị có hơn 4ha đất canh tác; trong đó có 2ha mì, gần 1ha cà phê, 1ha bời lời, trồng 87 cây sầu riêng và nuôi 5 con bò. Năm 2023, gia đình chị có thu nhập 350 triệu đồng, năm 2024 thu nhập 400 triệu đồng. Nhờ thu nhập tăng lên hàng năm, chị xây dựng ngôi nhà ở vững chắc, mua sắm đầy đủ các phương tiện đi lại, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, nuôi các con ăn học đàng hoàng.
Ông A Tùng (Tổ dân phố 4, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) cũng có cuộc sống tốt hơn nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách làm “đòn bẩy” để gia đình phát triển kinh tế.
Năm 2021, ông vay 100 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Plông để đầu tư chăn nuôi bò, chăm sóc 3ha cà phê, 1ha bời lời. Ông mua 1 con bò đực giống, 3 cặp bò sinh sản trị giá 40 triệu đồng; số tiền còn lại ông mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cho cây trồng. Qua 4 năm nuôi (2021-2024), đến nay đàn bò đã tăng lên 18 con.
|
Những nông dân như chị Hà, chị Thuỳ, ông Tùng nằm trong hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo, dần trở nên khả giả nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi a.
Nhờ “đòn bẩy” đó, cùng với sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, vận động, tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm đã giúp họ biết cách làm ăn; cần cù, chịu khó lao động sản xuất; biết chi tiêu hợp lý, biết cách tiết kiệm lợi nhuận từ năm trước để đầu tư phát triển sản xuất cho năm sau. Từ đó, giúp họ có thu nhập ổn định; có tiền để xây dựng, sửa chữa nhà ở; mua sắm dụng cụ sản xuất, phương tiện đi lại, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng.
Chia sẻ với chúng tôi, cả chị Hà, chị Thuỳ và ông Tùng đều cho rằng, những người dân nghèo rất biết ơn Đảng, Nhà nước, cấp uỷ và chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ để họ nỗ lực phấn đấu, chăm lo làm kinh tế, nâng cao thu nhập để có cuộc sống ổn định, tốt hơn trước đây.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, năm 2024, Chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách; doanh số cho vay đạt 1.133.361 triệu đồng với 23.177 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Cụ thể, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 237.862 triệu đồng; sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 233.171 triệu đồng; hộ cận nghèo 186.475 triệu đồng; hộ mới thoát nghèo 115.319 triệu đồng; hộ nghèo 110.731 triệu đồng.
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho các hộ có sinh kế để phát triển sản sản và đã hàng trăm hộ nghèo thoát khỏi cảnh nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Thậm chí, cũng có không ít số hộ còn vươn lên khá giả, đời sống được nâng cao.
Thảo Nguyên