Rau vườn
Sáng sớm, tôi đã thấy bà Hai ngồi ở góc đường, trước mặt bà bày những túi nilon đựng từng mớ rau hái trong vườn nhà mang ra bán. Nhìn bà ngồi co ro với chiếc áo ấm đã cũ trong tiết trời giá lạnh ai cũng muốn ghé lại, trước là để mua ủng hộ bà, sau là có mớ rau sạch để chế biến món ăn cho gia đình mình.
Phải nói là, sáng ra chợ, ai hên lắm mới gặp được bà Hai. Bởi bà chỉ bán rau do chính tay bà trồng, chăm bẵm trong vườn nhà chứ chẳng phải kinh doanh buôn bán gì. Vì vậy, cứ cách mấy ngày, có khi cả tuần, bà Hai mới có rau mang ra bán một lần.
Phải năm hôm rồi tôi không gặp bà Hai. Sáng sớm hôm nay chạy ra chợ, đang phân vân chưa biết mua gì thì nghe tiếng gọi: “Cháu đi làm sớm thế? Ghé mua ủng hộ bà bó rau đi”.
Tôi giật mình quay lại nhìn. Đúng là bà Hai thật rồi! Tôi vui trong bụng, rồi cua xe quay lại. Mấy ngày mới thấy bà Hai, tôi vui quá nên vừa dừng xe lại là bắt chuyện: Phải năm hôm rồi cháu mới thấy bà Hai ra chợ?
- Mấy nay nhà bà có việc. Rồi bà phải chờ mấy luống rau trong vườn lớn hơn một tí mới mang ra bán cháu à- bà Hai chậm rãi nói.
Tôi nhớ có lần bà Hai kể với tôi, nhà bà cũng ở đâu đó gần góc đường này, nhưng cụ thể đường nào, số nhà bao nhiêu thì tôi không hỏi rõ. Bà nói, bà ở cùng con cháu trong căn nhà nhỏ, nhưng được cái có một mảnh vườn, dù không rộng nhưng cũng đủ để trồng dăm luống rau. Tuổi già ở không cũng buồn tay buồn chân, bà dành thời gian chăm chút nên mảnh vườn nhỏ xanh mướt quanh năm, mùa nào có rau ấy, vừa để cho cả nhà dùng, phần dôi dư thì mang ra bán để có thêm thu nhập.
|
Mỗi khi có nhiều rau là bà Hai thu hái, rửa sạch, rau muống, rau mùng tơi, rau cúc, hành, ngò, hẹ thì bó lại, còn rau cải mầm, cải cay còn nhỏ bà để rối trong bì nilon, rồi đặt hết vào chiếc thúng đan bằng tre đem ra góc đường bán. Có hôm chân đau thì bà nhờ con hay cháu hoặc hàng xóm chở ra, bán hết rau, bà đi bộ về.
Tôi xuống xe, nhìn mấy nải chuối và những bịch cải ngọt, cải cay non mơn mởn. Chỉ nhìn qua mớ rau là biết chúng mới được bà Hai hái lúc mờ sáng, lá còn ướt sương.
- Rau hôm nay non lắm cháu à- bà Hai giới thiệu.
- Dạ- tôi đáp lời.
Mà chẳng cần bà Hai giới thiệu đâu, lần nào gặp được bà Hai tôi cũng muốn mua hết tất thảy rau của bà để mang về. Nào là xà lách, nào là bắp sú, nào lá hẹ, nào rau quế, bạc hà; có khi trái bầu, trái mướp, trái đu đủ. Không nhiều đâu, mỗi loại rau chừng vài bó; bầu, bí, mướp, đu đủ thì chỉ một vài quả, nhưng đều ngon, đều tươi mơn mởn.
Mua nhiều rau vậy nhưng bà Hai lấy giá phải chăng lắm, có khi bà không theo giá cả thị trường gì, mà bán theo thói quen của mình. Bởi bà thường nói, rau này bà chỉ mua hạt giống rồi bỏ công ra trồng, chăm sóc chứ chẳng tốn tiền phân bón, thuốc trừ sâu gì nên chỉ lấy công làm lời.
|
Có hôm hái được nhiều rau, bà Hai còn vừa bán xà lách vừa biếu cho khách mấy cọng rau thơm để về trộn rau sống. Cái tính của bà Hai như vậy nên ai đi chợ đã từng ghé mua rau ủng hộ bà đều thích. Tất nhiên, người ta thấy bà lớn tuổi rồi còn bán rau vườn, giá lại phải chăng nên cũng chẳng ai trả giá, thêm bớt gì cả, thậm chí có người, lúc trả tiền dôi dư vài ba ngàn đồng cũng biếu bà luôn chứ không lấy lại.
Thường ở Kon Tum những tháng ngày lạnh, thời tiết thuận, trồng được nhiều rau trong vườn nhà nên bà mang ra chợ đều hơn những ngày nắng. Nói vậy thôi, chứ vào mùa nắng, lâu lâu tôi cũng thấy bà gói mấy trái đu đủ, chanh dây trong góc vườn ra ngồi ở góc đường này bán.
Thú thật bây giờ rau thì nhiều, nhưng rau sạch, rau an toàn thì không biết đâu mà lần. Vậy nên, ai ra chợ cũng mong gặp được mối rau sạch ai đó trồng trong vườn nhà ăn không hết mang ra bán thì là gặp may mắn nhất.
Ở khu chợ nhỏ gần nhà tôi, ngoài bà Hai ra, lâu lâu, tôi còn bắt gặp mấy bà cụ nữa ngày lạnh cũng mang rau vườn nhà trồng nhiều ăn không hết mang ra góc đường ngồi bán. Mà hàng rau của các bà bao giờ cũng “đắt như tôm tươi”. Phải đi chợ sớm thì may ra mới gặp và mua được.
Phố ngày lạnh mỗi sớm mai bắt gặp hình ảnh bà Hai cùng các bà, các chị hái mớ rau vườn ra góc đường ngồi bán thấy hay hay. Hình ảnh ấy chân chất, mộc mạc làm sao giữa cuộc sống này.
Sông Côn