Nhìn chiêng nhớ người
Nghe chiêng, nhìn chiêng mà tôi nhớ mái tóc bạc và khuôn mặt như đá tạc của già, nhớ tiếng chiêng ngân vào một đêm rét mướt năm nào.
Chiều 11/12, tôi hòa vào dòng người dự Lễ hội đường phố, một trong những hoạt động chính của Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2024.
“Tinh tinh tang... tinh tinh tang”. Âm thanh hòa quyện, nối tiếp nhau, réo rắt, vang vọng gọi những đôi mắt tìm kiếm, kéo những đôi chân bước ra khỏi nhà. Nếu chỉ nghe mà không nhìn, mấy ai dám nghĩ dòng suối âm thanh ấy đang được đánh lên giữa phố phường lao xao xe cộ?
“Tinh tinh tang... tinh tinh tang”. Tiếng chiêng âm vang hồn đất mẹ, vía trời cha. Tiếng chiêng mang hồn núi, hồn sông, hồn suối, hồn rừng, như dẫn hồn người xem bay cùng về ngôi làng có những mái nhà ám khói phía đại ngàn hùng vĩ.
Như rất nhiều người khác, tôi mê mải ngắm những cánh tay gân guốc nắm chặt dây chiêng; những bước nhún nhảy vừa mạnh mẽ vừa nhịp nhàng. Lúc đi tới dẻo dai, mạnh mẽ như con beo, con cọp, lúc quay vòng thì nhẹ nhàng và nhanh nhẹn như con nai trong rừng.
|
Và thật bất ngờ, trong náo nức chiêng ngân, trong rực rỡ sắc màu của những bộ váy, áo, khố dệt bằng thổ cẩm, tôi chợ nhận ra A Đinh, một thiếu niên Xơ Đăng mà tôi đã gặp vào một đêm rét ướt cuối năm 3 năm trước. Mới 3 năm mà cậu lớn bổng lên, ra dáng chàng trai Xơ Đăng mạnh mẽ, dẻo dai.
Ngày ấy, tôi ngồi ở nhà rông, xung quanh là mười mấy thiếu niên theo học tại lớp cồng chiêng do già A Kuit tự mở. Ngày đi học, tối đến các em lại tập trung ở nhà rông học từ dễ đến khó, từ những nốt đơn giản nhất đến bài chiêng cổ rất khó.
Giữa vòng tròn, già A Kuit, với mái tóc bạc rung rung, khuôn mặt như tạc bằng đá, ôm chiếc chiêng, cũng cũ kỹ, già nua như mình trong lòng, bàn tay thô ráp miết nhẹ lên vành chiêng. Không hiểu sao tôi lại có cảm giác chiếc chiêng đang run, như chào mừng.
Bỗng có một thứ thanh âm riêng biệt không thể lẫn vào đâu được vút lên. Tiếng chiêng của già A Kuit đấy. Từ đó, tôi đắm mình trong giai điệu lúc nỉ non, khi du dương, lúc trầm buồn, khi réo rắt. Mười mấy thiếu niên cũng im lặng dõi theo từng cử chỉ của ông, cố gắng ghi tạc trong đầu.
Tôi sực tỉnh khi chuỗi âm thanh hòa quyện, nối tiếp nhau, đan xen trầm bổng của bài chiêng Ăn Tết ở làng đã dứt được hồi lâu. Khi ấy, già A Kuit đã bắt đầu cho các em tập đánh bài chiêng này.
Những gương mặt non nớt có vẻ hơi căng thẳng, bàn tay nhỏ miết trên vành chiêng lành lạnh. Nhưng khi A Đinh đấm nhẹ vào guông (chiêng núm to nhất) to nhất rồi xoa nhanh, bàn tay còn lại miết đều vành chiêng, một âm thanh trong trẻo trỗi lên, như tiếng sơn ca cất lên bên suối, thì mọi lo lắng tan biến, cả dàn chiêng hòa làm một.
Già A Kuit cười mãn nguyện. Già nói, dù không nhớ chính xác là đã dạy cho bao nhiêu con cháu biết đánh chiêng, nhưng đây là lứa học trò làm ông hài lòng bởi khả năng thẩm âm tốt, rất yêu thích chiêng.
Lâu nay ông đã dày công dạy bảo, uốn nắn từng em. Từ cách tay phải cầm dùi như thế nào; cườm tay kích vào mặt chiêng ra sao; tay trái lúc nào chặn vào mặt chiêng, lúc nào rời khỏi mặt chiêng thì tạo ra âm chiêng hay.
|
Ông thường nói, dạy trẻ đánh chiêng như chăm sóc mụt măng le, không cẩn thận sẽ gãy, để dạy các em nhỏ đánh cồng chiêng đúng âm, đúng nhịp vất vả vô cùng, vì muốn dạy được trước hết phải làm cho chúng say chiêng, thực sự yêu thích chiêng.
Đội chiêng là một bản nhạc, và mỗi cá nhân là một nốt nhạc, tham gia vào dàn chiêng với vị trí và tiết tấu khác nhau. Mỗi nốt nhạc hay sẽ làm cả bản nhạc hay, nhưng một nốt trật nhịp, cả bài nhạc sẽ hỏng. Do vậy, ông yêu cầu mỗi người phải nắm rất chắc thời khắc gõ chiêng của mình.
Nhìn nụ cười mãn nguyện của già, hẳn rằng đội chiêng trẻ đã làm được điều ông mong muốn.
Già A Kuit cũng không nhớ chính xác là đã dạy cho bao nhiêu con cháu biết đánh chiêng. Chỉ biết già luôn đau đáu với tâm nguyện truyền dạy cho các thế hệ sau biết đánh chiêng để còn gìn giữ. Để làng có đội chiêng người lớn và đội chiêng thiếu niên, già A Kuit đã tốn nhiều tâm huyết.
Già A Kuit là ông nội của A Đinh- cậu bé đánh guông cầm nhịp cho cả đội hôm ấy.
A Đinh là một hạt giống tốt- già A Kuit từng nói về cháu nội mình như vậy. Đang làm gì, ở đâu, chỉ cần nghe tiếng chiêng là ngứa ngáy lỗ tai, ngứa ngáy tay chân. Nếu học chữ là một chuyện khá vất vả với A Đinh, thì học chiêng lại khá dễ dàng.
Những nốt chiêng dường như "rất thân" với cậu, chỉ cần nghe vài lần là in trong đầu. Nên chỉ học vài tháng đã có thể đánh thành thạo được các bài chiêng khó, như Mừng lúa mới, Mừng nhà rông hay Ăn trâu, Trỉa lúa.
A Đinh muốn đánh chiêng giỏi, muốn dạy người khác đánh chiêng như ông nội. Trong mắt của cậu, ông nội giỏi lắm, bài chiêng nào cũng biết, có thể dạy mọi người đánh chiêng.
“Tinh tinh tang... tinh tinh tang”. Chuỗi âm thanh hòa quyện, nối tiếp nhau, đan xen trầm bổng vừa dứt trong tiếng vỗ tay vang dội, bứt tôi khỏi dòng hồi tưởng, về với thực tại.
Tôi tiến tới chỗ A Đinh đang nghỉ ngơi cùng đội chiêng. Trong lòng rộn lên những câu hỏi. Không biết A Đinh có nhận ra mình không. Không biết dạo này già A Kuit có được khỏe không. Có còn đắm đuối, mê mải với chiêng, với các lớp dạy chiêng không.
Khá bất ngờ khi chỉ thoáng thấy tôi là A Đinh đã nhận ra ngay, tay bắt mặt mừng. Trò chuyện khá lâu, tôi mới hỏi: Ông nội có khỏe không? Ông có đi dự dịp này không em?
A Đinh lặng một lúc rồi nói nhỏ: Ông nội mất rồi. Mất khi vừa hướng dẫn đội chiêng của làng tập luyện về. Tôi siết chặt tay A Đinh. Gió chiều thổi mạnh, làm mấy cái chiêng vang lên những thanh âm ngắn mà trong.
Vậy là già A Kuit đã về với tổ tiên. Nghe chiêng, nhìn chiêng mà tôi nhớ mái tóc bạc và khuôn mặt như đá tạc của già, nhớ tiếng chiêng ngân vào một đêm rét mướt năm nào.
A Đinh chào tôi để kịp cùng đội di chuyển. Trông cái cách A Đinh xoay chiêng trong tay, tôi như thấy bóng dáng tài hoa của già A Kuit.
Hẳn rằng, nơi nào đó, ông sẽ rất tự hào về đội chiêng của làng, tự hào về đứa cháu nội của mình!
THÀNH HƯNG