Với nong nia, rê sảy, dần sàng
Nhìn già ngồi bên bếp lửa hồng, hết cặm cụi chuốt chuốt, đan đan, lại đến ngắm ngắm nghía nghía chiếc gùi đang đan dở, mà trong tôi những câu thơ: “Ngày cứ dồn thương nhớ xuống đầy vơi/Như lũ thóc cứ cời trong cót thóc/Với nong nia, rê sảy, dần sàng/ Lá lúa thì xanh/Bông lúa lại vàng/Và hạt gạo cứ ngần ngật trắng” như đang trở tới trở lui với muôn vàn cảm xúc.
Lúc này, ngoài kia, giá lạnh từ trên đỉnh núi cao theo gió tràn về làng. Mới đâu năm giờ chiều mà trời đã tối và ánh sáng từ bếp lửa trong căn nhà sàn như làm ấm lại tiết trời lạnh giá những ngày đông ở làng. Già ngồi ngay bên bếp lửa đặt đầu góc nhà sàn và cần mẫn chuốt chuốt, đan đan.
Những sợi nan ấy, nhìn mỏng mỏng thế thôi chứ dẻo dai, dùng được cho bao nhiêu là việc đã được già chuốt nên cứ thế mà đi qua những tháng ngày thấm lạnh mùa đông, ấm tươi màu nắng, nhọc nhằn gian khó, rồi ấm áp tình làng.
Hỏi chuyện già biết chuốt nan, biết đan gùi, đan nong nia, rổ rá từ bao giờ. Già cười hiền mà đáp rằng, cũng chẳng còn nhớ rõ khi nào. Chỉ nhớ ngày già hãy còn là bé con, chiều chiều, tối tối, ngồi cùng cha bên bếp lửa hồng. Vừa lắng nghe cha kể những câu chuyện của làng, của nhà, vừa được cha chỉ bao cho vót nan, đan lát. Khi nào nên vót nan dày, khi nào nên vót nan mỏng. Đan gùi thì phải dày khít như thế nào, đan rổ rá thì phải để thưa mắt ra sao. Tùy vào công dụng mà lưu tâm, ghi nhớ.
Nhìn chiếc gùi mẹ mang lên rẫy, chiếc rổ, chiếc rá ngày ngày đựng củ mì, trái bắp đều do đôi bàn tay khéo léo của cha mà thành, già ngưỡng mộ, cần mẫn lắng nghe, học hành.
Năm tháng qua đi, dẫu đôi bàn tay già gầy gò, nhăn nheo hơn nhưng khi vót nan, uốn nan lại càng thêm dẻo dai, khéo léo. Sau cả ngày lên đồng, ra rẫy, già bước vội về nhà. Ăn bữa cơm chiều, lo đôi ba công việc nhà, già lại bắt tay vào chuốt chuốt, đan đan.
|
Bên bếp lửa khi nào cũng ấm áp, đậm đà hương làng vị núi, hôm thì thảo thơm, ngọt ngào mấy trái bắp nướng, hôm thì ngai ngái mùi khói quyện với đậm đà hương vị thịt rừng gác bếp, vợ già cần mẫn dệt thổ cẩm, còn già thì mải miết đan lát. Thỉnh thoảng, già dừng lại, hướng dẫn cho cháu con như cha già đã từng làm ngày xưa, rồi không quên nhẩm tính lại, ruộng đã cuốc xới được bao nhiêu, cà phê chừng nào thu hoạch xong. Mọi việc chẳng biết có xong xuôi kịp trong mươi ngày tới không để còn lo chuyện đi kiếm thêm ít mây, nứa đan mấy chiếc gùi cho người trên phố đặt hàng.
Ngắm nhìn khung cảnh bình yên, hạnh phúc ấy mà sâu thẳm trong tôi chất chứa bao ước ao. Cảm giác không gian như ngừng trôi, cảm giác như mặc cho bao sóng gió xô bồ, mặc cho gió mưa vần vũ, già, vợ già vẫn trọn vẹn với niềm đam mê đã gắn bó suốt cuộc đời.
Bộc bạch nỗi niềm với già, già cười rồi kể rằng, các bậc cao niên xưa luôn dặn dò con cháu, con trai phải giỏi đan lát, con gái phải giỏi dệt vải. Thành ra vợ chồng già ngày trẻ ai cũng chăm chỉ học theo, thạo nghề, như được trời se duyên nên vợ nên chồng.
Mà ở làng không phải ai cũng khéo tay như già, có thể đan được những gùi, những rổ, những rá đạt đến độ đẹp, bền, tinh xảo. Thành ra người làng tín nhiệm tay nghề của già, đặt từ rổ, rá chỉ cần đan trong đôi hôm, cho đến chiếc gùi phải kỹ từng đường đan mất mươi ngày nửa tháng. Người này đặt, người kia đặt, nhiều khi phải lâu lâu mới có, vậy mà người làng chẳng lấy làm phiền, còn giới thiệu thêm người quen từ trên phố.
Công việc bận rộn thêm chút mà già lấy làm vui. Già rồi, chẳng làm được nhiều việc nặng nhọc, chịu khó đan lát vừa có thêm đồng ra đồng vào mua sắm nọ kia, vừa giữ được nét đẹp văn hóa của làng có từ ngàn xưa vẫn như mạch nguồn thao thiết chảy.
Cứ nhìn cái cách già say sưa vót từng sợi nan sao cho vừa mỏng, vừa dẻo dai. Cứ nhìn cái cách già xoay xoay, ngắm ngắm nghía nghía cái gùi đang đan dở mà cảm nhận tấm lòng của già gửi vào từng đồ dùng đơn sơ, bình dị này. Cứ nhìn ánh mắt như sáng lên khi nói về những ngày theo cha học chuốt nan, học đan lát, tôi cảm nhận tình yêu và ý thức nguồn cội đang hiện hữu trong trái tim già mà thầm thán phục.
Già, cùng bao nhiêu con người bình dị khác nữa ở làng, gương mặt bao giờ cũng ngời sáng, miệt mài cùng những sợi nan, hăm hở cùng những sợi nan và kiêu hãnh với đôi tay ngày ngày vẫn miệt mài đan lát. Một tình yêu với đan lát, với những vật dụng được làm nên từ những cỏ cây dại mọc ở bìa làng, một tình yêu với nét đẹp văn hóa, một tình yêu với làng đang được đắp bồi như dòng sông bên làng mãi thao thiết chảy.
NGUYÊN PHÚC