Bên khung cửi
Bên chiếc khung cửi đơn giản, thô sơ, bà Y Kyaoh và Y Neoh dệt nên những tấm thổ cẩm độc đáo với hoa văn sắc sảo, đặc trưng của dân tộc Ba Na.
Trở về nhà sau một ngày bận rộn với việc đồng áng, thay bộ quần áo lao động khét mùi nắng, bà Y Kyaoh (thôn Kon Dreh, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) vội vàng chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình. Khi con gà say giấc, khi mọi người ở thôn bắt đầu nghỉ ngơi, bà mới tranh thủ ngồi vào khung cửi dệt tấm vải đang dang dở.
Dệt vải là lúc tinh thần bà Y Kyaoh vui vẻ, thoải mái nhất. Gạt hết những tất bật, bà được thỏa sức với đam mê, với sáng tạo để làm nên những tấm vải thổ cẩm đẹp nhất.
Chiếc khung cửi được làm bằng gỗ đơn giản đặt bên cửa sổ đã ngót nghét trăm năm tuổi. Bà Y Kyaoh nói rằng, khung cửi này gắn bó với mẹ bà từ thời còn làm chỉ, làm màu chỉ bằng các loại lá cây. Trải qua bao nhiêu năm, chiếc khung cửi ấy vẫn cứ bền đẹp. Chiếc khung cửi ấy đã giúp mẹ bà dệt nên biết bao tấm choàng, vải, địu để cả gia đình cùng sử dụng.
|
Được trao truyền khung cửi quý giá và càng quý giá hơn khi bà Y Kyaoh học được từ chính mẹ mình cách dệt thổ cẩm, dệt các hoa văn, họa tiết đặc trưng của dân tộc Ba Na. Hoa văn truyền thống trên thổ cẩm của dân tộc Ba Na thường được biểu hiện ở dạng ô trám, hình sao, hình các đường thẳng song song, hình người cách điệu. Tùy mỗi người dệt sẽ có cách phối các màu chỉ: đen, đỏ, vàng, trắng để tạo nên các họa tiết đẹp nhất.
Bà Y Kyaoh kể rằng, ngày bà còn nhỏ, dệt thổ cẩm là việc làm thường xuyên của mẹ. Mẹ của bà biết cách làm chỉ, nhuộm màu chỉ từ các loại cây, lá cây. Bà thì không làm được như thế, nhưng nhìn qua cách mẹ làm hàng ngày, bà hiểu được kỹ thuật dệt các hoa văn, kỹ thuật dệt vải. “Tấm vải đẹp nhờ có các hoa văn đặc trưng. Dệt các hoa văn khó hơn rất nhiều so với dệt vải trơn mà không phải ai cũng có thể dệt đẹp được”- bà Kyaoh nói.
Được mẹ truyền dạy nghề, bà Y Kyaoh như học được hết tinh túy trong việc dệt thổ cẩm. Thế nhưng, có một thời gian, vì bận rộn với các con nhỏ, vì công việc đồng áng lu bu, vì chưa thực sự siêng năng, cặm cụi dệt nên bà Y Kyaoh đã mua sẵn các bộ thổ cẩm có trên thị trường.
“Vải mua nhìn thô ráp lắm! Vải được dệt bằng máy, mỏng, đường dệt không đẹp, hoa văn không có gì đặc sắc. Mặc đồ thổ cẩm mà không mang được hồn của thổ cẩm nên mình không thích. Từ lúc đó, mình mới dặn lòng phải siêng hơn, kiên trì dệt để có được những tấm vải đẹp” – bà Y Kyaoh nhớ lại.
Chúng tôi đã trầm trồ khi nhìn thấy đường nét hoa văn trên tấm thổ cẩm bà Kyaoh đang dệt. Dẫu chưa thực sự hiểu rõ về ý nghĩa của các hoa văn, song, bằng mắt thường đủ để thấy sự sắc sảo trên từng chi tiết.
|
Bà Y Kyaoh không nhận mình là người dệt giỏi ở làng, bà chỉ nói rằng, mình là người siêng dệt hơn so với những người khác. Bà kể, ở làng, phụ nữ biết dệt còn nhiều, nhưng việc dệt vải đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, tập trung, chịu khó nên chẳng mấy ai thích dệt. Rồi như nhớ ra, bà nói, ở thôn còn 3 người hay dệt, ngoài bà ra chỉ còn bà Y Neoh và bà Y Hier. “Bà Y Hier dệt giỏi lắm, dệt hoa văn rất đẹp, là sư phụ của mình đấy”- bà Kyoah nói.
May mắn vì không hẹn trước nhưng vẫn gặp được bà Y Neoh. Còn bà Y Hier mới bị tai nạn, người đang còn mệt nên chưa đủ sức để có thể ngồi bên khung cửi để kể về những câu chuyện của vải thổ cẩm.
Trăng dần lên. Bên khung cửi, bà Y Kyaoh và bà Y Neoh cùng chỉ cho nhau về cách dệt các hoa văn. Cũng như bà Y Kyaoh, bà Y Neoh biết dệt từ thuở con gái. Cho đến bây giờ, bà cũng không nhớ rõ mình đã gắn với việc dệt vải bao nhiêu năm. Chỉ biết rằng, đến bây giờ, việc dệt cũng đều đặn, thường xuyên như ăn cơm hàng ngày. Có lúc, bà mải mê dệt đến lúc trăng lên cao hay gà gáy sáng mới đứng dậy khỏi khung cửi.
Bà Y Neoh chia sẻ rằng, ngồi dệt cũng đau lưng, mỏi mắt nhưng nhiều lúc làm say nên quên đi những mệt mỏi. “Dệt vải mình học được tính kiên trì, nhẫn nại, bởi từ những sợi chỉ thô, dệt lại với nhau để thành một tấm vải chưa bao giờ đơn giản. Ngồi làm cả ngày có khi mất cả tuần mới xong; nếu tranh thủ thời gian rảnh, có khi mất cả tháng mới xong một tấm vải. Bởi thế, ở đây, người biết dệt thì nhiều, nhưng người chịu dệt thì không có bao nhiêu”- bà Y Neoh nói.
Cũng như bao nghề khác, với nghề dệt, càng làm càng quen tay. Bà Y Kyaoh và bà Y Neoh đã thuộc làu các kỹ thuật dệt, thế nhưng đôi khi, với những hoa văn khó, các bà cũng “bí” hoặc làm sai. Lúc ấy, các bà lại gọi nhau, cùng ngồi với nhau, tìm cách gỡ khó. Vậy là, bên khung cửi, các bà lại truyền cho nhau tình yêu với thổ cẩm, cùng động viên nhau giữ lại nét văn hóa truyền thống trong từng tấm vải, tấm choàng.
|
Cả 3 bà, không ai nhận mình dệt giỏi. Ấy thế mà, các bà lại là những người hiếm khi vắng mặt trong các cuộc thi về dệt thổ cẩm. Nhẩm nhẩm, bà Kyaoh nói rằng đã tham gia ít nhất 4 cuộc thi, liên hoan về dệt thổ cẩm do thành phố Kon Tum tổ chức. Mới nhất, tại Liên hoan sắc màu thổ cẩm thành phố Kon Tum lần thứ III năm 2024, bà Y Kyaoh đã đạt giải A cá nhân; bà Y Hier đã đạt giải B cá nhân.
Với các bà, dệt là việc làm thường ngày, vừa giúp các bà thỏa đam mê, vừa giúp cả gia đình có đồ thổ cẩm mặc trong những ngày lễ, tết của dân tộc. Thế nhưng, những việc thường ngày ấy lại rất có ý nghĩa, góp sức trong việc giữ gìn giá trị nghề truyền thống của dân tộc.
Bà Y Kyaoh treo tấm Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng vì có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống dệt thổ cẩm của các DTTS tại chỗ năm 2024 trên địa bàn tỉnh ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Trân trọng sự ghi nhận của cấp ủy, chính quyền địa phương và các bà cũng tự hào vì những việc làm nhỏ thường nhật của mình lại có ý nghĩa trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa.
Nếu nay mai ở xã tổ chức lớp truyền dạy thổ cẩm, các bà có sẵn sàng truyền dạy không- tôi hỏi. Chẳng cần đến phút giây suy nghĩ, các bà liền khẳng định: “Chỉ cần có người học, chúng tôi sẵn sàng truyền nghề bằng tất cả tâm huyết”.
Gác lại những câu hỏi về nghề dệt, tôi lại thấy các bà chú tâm hoàn thành tấm vải đang còn dang dở. Làm ra biết bao nhiêu sản phẩm, nhưng mỗi tấm thổ cẩm chất chứa văn hóa truyền thống, và với các bà, niềm vui khi dệt xong một tấm thổ cẩm khó nói hết bằng lời.
Hoài Tiến