Chuyện về thợ hồ
Bất kể trời nắng như thiêu, như đốt, những người “chuyên đi xây nhà cho người khác” đen xạm vẫn chăm chỉ làm việc như con ong thợ đang cần mẫn xây tổ.
Ông Nguyễn Thành Long ở xã Đăk Cấm (thành phố Kon Tum) năm nay đã bước sang tuổi 63, nhưng vẫn làm nghề thợ xây. Hàng ngày ông vẫn cầm bay, thước, xà ben đi xây dựng nhà thuê cho người khác. Ông gắn bó với nghề xây dựng hơn 40 năm. Quê gốc ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) sau khi đất nước giải phóng theo gia đình vào Kon Tum lập nghiệp. “Cơ duyên” đưa ông Long đến với nghề thợ hồ từ năm 1983, khi đó vợ sinh được đứa con trai đầu được vài tháng. Vì cuộc sống gia đình lúc này quá khó khăn, ông xin vào làm phụ hồ ở một công trình xây dựng để kiếm sống. Không ngờ cái “nghiệp” thợ hồ đeo bám riết theo ông suốt từ ngày đó đến nay đã hơn 40 năm. Đời thợ hồ tha phương, đi khắp nơi. Do đặc thù của nghề xây dựng nên phải di chuyển liên tục theo công trình, nhanh thì một vài tháng, chậm thì vài năm mới hoàn thành. Anh em làm nghề thợ hồ cả năm sống chung với hồ, cát, đá, vôi, xi măng, bê tông, cả năm chỉ về nhà được dăm bảy lần khi ở nhà có dịp cưới hỏi, giỗ, lễ, tết, người thân đau ốm nặng.
|
Nhiều khi thấy cái nghề này quá vất vả và thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy, tai nạn lao động luôn rình rập nên không ít lần ông Long đã quyết định “giải nghệ”. Nhưng cuộc sống đâu như mong muốn, cứ mỗi khi quyết định “giải nghệ” được một vài ngày thì hết người này đến chủ thầu nọ tìm đến tận nhà năn nỉ đi xây giúp nhà này, nhà kia. Phần vì tính hay cả nể, phần vì cuộc sống gia đình còn khó khăn, phần vì nhớ nghề nên ông Long lại tiếp tục quay lại cái nghiệp đi xây nhà cho người khác.
Ông Long cho biết, dù cái nghề này khổ, nặng nhọc, công việc phụ thuộc vào thời tiết, chỉ sống đắp đổi qua ngày, ít có khả năng tích lũy, nhưng được cái là nghề này không tốn nhiều thời gian, tiền bạc để học nghề. Vì thế, để được “thăng tiến” từ phụ lên thợ không khó. Người lao động chỉ cần đạt yêu cầu về sức khỏe, siêng năng, cần cù, chịu khó học hỏi, để ý cách thức xây, tô, trét là nhiều chủ thầu sẽ xem xét cho “lên chức” thợ. Bây giờ, làm phụ hồ cũng đỡ vất vả hơn. Trước đây, khi nhận xây những ngôi nhà cao tầng, chúng tôi phải bưng bê hồ, gạch, trèo lên, bò xuống mệt đứt cả hơi, chiều về đến nhà tay chân mỏi rã rời. Hiện nay, trộn hồ, bê tông đã có máy hỗ trợ, lên cao đã có máy tời nên cũng đỡ mệt hơn trước.
Trong chuyến công tác gần đây về huyện biên giới Ia H’Drai, giữa trời nắng oi bức, tấp vào một công trình Trường Tiểu học - THCS xã Ia Tơi đang xây dựng dở dang tôi gặp gần chục công nhân đang cặm cụi bốc gạch, xúc cát, trộn xi măng. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết những người đi phụ hồ ở đây đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Phụ hồ Trần Văn Thủy (năm nay 21 tuổi) cho biết: Em ở tận huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi theo người quen lên đây xin vào làm phụ hồ đã gần được 1 năm nay. Vì khó khăn, nên sau khi học hết xong lớp 9, gia đình không có khả năng cho học tiếp lên cao nên em quyết định ở nhà đi làm thêm phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, do ngày càng lớn, đi làm ở quê gặp nhiều bạn bè học cùng lớp cảm thấy mặc cảm nên em xin lên đây làm đến gần Tết mới về thăm gia đình. Mỗi ngày đi phụ hồ tiền công kiếm được gần 300 ngàn đồng nhưng không ít lần em giẫm phải đinh, bị gạch, đá rơi vào người. Còn việc bị cát, xi măng, vôi, hồ bay vào mắt là chuyện thường. Nếu tháng nào thời tiết thuận lợi, làm được nhiều ngày công thì sau khi trừ mọi chi phí và ăn uống, mỗi tháng gửi về gia đình khoảng 4 - 5 triệu đồng.
|
Nghề phụ hồ đòi hỏi phải mạnh mẽ, bền bỉ chỉ phù hợp cho phái mạnh, tuy nhiên, hiện nay vì hoàn cảnh nên cũng có không ít phụ nữ cũng “gia nhập” cái nghề được xem là nặng nhọc này. Chị Nguyễn Thị Đảm, 44 tuổi, ở xã Kroong (thành phố Kon Tum), vừa đổ xi măng vào máy trộn bê tông vừa tâm sự: Gia đình có tới 5 miệng ăn, không có ruộng rẫy để trồng trọt, nhà cửa thì thuê mướn. Cuộc sống rất bấp bênh, một mình chồng làm nghề đi mổ heo thuê tại các lò mổ không đủ tiền nuôi cả gia đình. Vì thế tôi cũng phải ráng sức xin làm phụ hồ, mỗi ngày kiếm được gần 300 ngàn đồng để cuộc sống đỡ túng thiếu hơn.
Do đứng ngoài nắng nhiều và làm công việc nặng nhọc nên đôi khi về đến nhà bị say nắng, phải còn tốn tiền mua thuốc uống và lăn ra ngủ không thể nào chăm sóc được các con- chị Đảm kể.
Phần lớn thợ hồ đều không được đào tạo bài bản, chủ yếu trưởng thành qua thực tế đi phụ hồ. Không được trang bị kiến thức cũng như những kỹ năng cơ bản về an toàn lao động nên chuyện tai nạn lao động xảy ra trong quá trình làm việc là điều khó tránh khỏi. Trong cái nắng hầm hập, đứng nhìn những thợ hồ đứng chênh vênh trên các tấm ván gác ngang qua giàn giáo cao hàng chục mét, dưới đường dòng người tấp nập qua lại ngược xuôi, họ cố gắng điểm tô cho đời những công trình to đẹp, những ngôi nhà hạnh phúc. Đó là niềm tự hào và niềm vui của những người thợ xây.
Đắc Vinh