Chập chờn mùa cỏ
Cỏ đuôi chồn cứ tha thiết sống, âm thầm sống. Cho đến một ngày nào đó cuối tháng Mười, đầu tháng Mười Một, mở cửa ra, người ta thảng thốt khi thấy những vạt hoa cỏ đuôi chồn đung đưa trong gió.
Con đường tôi đi làm mỗi ngày băng qua một con dốc ngắn, hai bên là khu đất hoang rộng mênh mông.
Có một dạo xe ra vào rậm rịch đổ cát, đá sỏi. Người ta đồn, ở trên khu đất hoang ấy sẽ xây một khu homestay to lắm. Nhưng sau đó không thấy gì nữa, cỏ lại mọc um tùm. Vào mùa, các loại hoa dại đua nhau nở giữa những đống, những ụ.
Mấy sáng nay, mỗi khi đi qua khu đất hoang ấy, tôi cứ dùng dằng, chùng chình mãi, không muốn rời đi. Có phải là vì những bụi xuyến chi đang bung hoa cánh trắng nhụy vàng mỏng manh tựa khói tựa sương. Hay vạt hoa trinh nữ phơn phớt tím long lanh giọt sương mai đã níu bước chân?
Nhưng khi đứng trên lưng chừng dốc, lắng nghe hơi thở của đất trời, thấy trước mắt dập dờn như gợn sóng, một gợn sóng pha sắc tím hoang hoải trong gió thì tôi đã biết vì sao mình lại cứ dùng dằng nửa muốn bước đi nửa muốn ở lại.
Ấy là vì cả triền dốc, cả khu đất hoang đã đổi khác, đã khoác lên mình tấm áo mới được dệt nên bởi hằng hà sa số bông cỏ đuôi chồn. Và khi bước vào “gợn sóng” ấy, chợt thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn lên.
Tự nhiên thấy máu phiêu bạt, yêu thích tự do nổi lên, không muốn bị giam hãm trong bốn bức tường, với máy tính và chữ nghĩa nữa, mà chỉ thích lang thang hứng gió đội nắng để nghe tiếng rào rạt chuyển mình của đồi núi sông suối khi mùa gió về.
|
|
Đặt bước chân lên vạt cỏ đuôi chồn, lại thấy hiện ra rõ rệt như một thước phim về những ngôi nhà nhỏ nằm bên sườn đồi. Ở nơi ấy, dường như mùa khô đến sớm hơn. Nắng theo gió đến, bắt đầu vàng rưng rức cả ngày.
Những ngôi nhà lúp xúp, cửa mở toang, gió thổi thông thống. Không tiếng nói cười, không có xe cộ ngược xuôi, chỉ có nắng và gió. Gió lăn qua những mái tôn, khua những cánh cửa ghép tạm bằng ván kêu cọt kẹt.
Ở nơi ấy, thiên nhiên gần gũi lắm, chỉ cần bước qua cánh cổng làm bằng những cành le là đã đặt chân vào thênh thang đồi núi, mênh mông cỏ dại. Chỉ thỉnh thoảng mới bật lên mấy cây cầy, cây bằng lăng còn sót lại, đứng cô đơn mà kiêu hãnh.
Và dĩ nhiên, như một nét riêng, núi đồi quanh nhà không thể thiếu cỏ đuôi chồn. Chúng sống mãnh liệt vô cùng. Người lớn than rằng, phát không hết, đốt cũng không diệt được. Cái sự sống mãnh liệt ấy có hại cho vườn rau, rẫy mì lắm.
Nhất là mỗi mùa hoa, hạt cỏ được gió thổi bay đi khắp nơi, nằm im lìm đâu đó. Đến mùa mưa là nứt vỏ, đâm chồi, hình thành những vạt cỏ mới.
Cũng vì chỗ nào cũng sinh sôi, không kén chọn thổ nhưỡng nên có thể bắt gặp chúng ở bất cứ đâu. Ngay cả những khu đất trống trong lòng phố thị cũng chập chờn cỏ đuôi chồn khi mùa về.
Từng cụm, từng cụm cỏ đuôi chồn vươn cao, đong đưa theo chiều gió, làm ta bớt đi phần nào sự căng thẳng, mệt nhọc.
Chúng cũng không phô trương, mà cứ ngày nối ngày âm thầm nảy mầm, đâm nhánh mới, làm thành những viền xanh uốn lượn giữa các triền đồi, vay quanh những khu vườn.
Cứ thế, cỏ đuôi chồn tha thiết sống, âm thầm sống. Cho đến một ngày nào đó cuối tháng Mười, đầu tháng Mười Một, mở cửa ra, người ta thảng thốt khi thấy những vạt hoa cỏ đuôi chồn đung đưa trong gió.
Chỉ có những đứa trẻ mặt mũi lem nhem đất cát là thích mùa hoa cỏ đuôi chồn. Vào mùa này, chúng không phải ru rú trong nhà trốn mưa, mà được thoải mái đùa nghịch giữa mênh mông đồng cỏ.
Chúng thường chọn những bông cỏ đuôi chồn đẹp nhất đem về chơi. Có khi tết thành những vòng hoa đeo tay, đeo cổ, có khi kỳ công tết vương miện đội trên đầu.
Nhưng trò chơi phổ biến nhất là “đua sâu”. Hai đứa chọn hai bông cỏ đuôi chồn to nhất, núc ních như những con sâu, sau đó ngắt ngắn cuống, đặt xuống nền đất, dùng đầu ngón tay ấn vào phần cuống để bông hoa bật lên chuyển động về phía trước. Bên nào “sâu” về đích trước là thắng.
Đơn giản vậy thôi mà chơi mê mải quên cả ăn cơm!
Một năm cỏ đuôi chồn chỉ nở một lần. Ấy là khi mùa khô đến, gió mùa ào ạt thổi, cây trút lá vàng, tiết trời hanh hao.
Có ai mà chưa từng nghe, chưa từng thấy những cung đường đèo lồng lộng gió và miên man cỏ đuôi chồn.
Ai mà không ngẩn ngơ khi ngắm những vạt cỏ đuôi chồn giăng kín hai bên vệ đường, che kín lối đi, kín luôn cả đồi cây, vách đá ở chung quanh. Nếu ai đó bước vào “lãnh địa” của cỏ sẽ thấy phấn hoa bám đầy quần áo.
Những vạt cỏ đuôi chồn vươn cao, hoa có màu hồng, hơi phơn phớt tím, phủ lớp lông mềm mượt chảy thành dòng dập dờn trong gió giữa ngút ngàn cỏ dại. Trên cái nền tim tím ấy, nắng và gió mặc sức rong chơi.
Cỏ đuôi chồn đẹp nhất là lúc sáng sớm, mà dường như có nhiều loài hoa dại đều như vậy. Khi đất trời còn phủ hơi sương thì cả vạt hoa bung ra, mang màu tím phơn phớt khẽ rung rinh trong gió.
Trên những bông cỏ còn đọng sương long lanh, như những chuỗi ngọc trai, ánh bình minh rất đỗi dịu dàng chiếu lên cũng lấp lánh ánh tím.
Cứ như vậy, cỏ đuôi chồn vắt kiệt mình cho mùa hoa tím cho đến khi phấn và hạt bay hết, chỉ lại bông khô, gục xuống. Làm bao người lỡ hẹn phải ngẩn ngơ nhớ tiếc.
Và đám trẻ con nơi sườn đồi kia lại chập chờn mơ về mùa cỏ năm sau. Chờ ngày mở cửa ra là bước vào mênh mang cỏ đuôi chồn phơn phớt tím.
THÀNH HƯNG