Nỗi buồn môn Sử
Thống kê mà Bộ GD&ĐT đưa ra, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 này, có tới 77,8% thí sinh có điểm dưới trung bình môn Lịch sử, tương đương với trên 265.000 em và điểm trung bình thi của môn này trên cả nước là 4,02 điểm.
Có những địa phương như Đà Nẵng có tới gần 90% thí sinh điểm thi Lịch sử dưới trung bình, Thành phố Hồ Chí Minh là 81%. Còn ở Kon Tum, theo thống kê trong tổng số 2.761 em thi môn Lịch sử thì có tới 2.164 em dưới 5 điểm (78,4%), có 41 em ở mức trên 8 điểm và có 1 em 9,5 điểm.
Trước kết quả này, không chỉ những thầy cô giáo dạy môn Lịch sử, mà những ai quan tâm đến giáo dục, đến nghiên cứu lịch sử đều cảm thấy buồn và lo lắng.
Không buồn sao được khi chẳng phải chờ đến kết quả thi THPT quốc gia năm nay mà những băn khoăn, trăn trở chuyện lớp trẻ ít yêu thích, mặn mà với môn Lịch sử đã có từ nhiều năm trước. Từ kỳ thi đại học năm 2011, cả nước có hàng nghìn bài thi môn Lịch sử 0 điểm. Đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, khi Bộ GD&ĐT chủ trương đưa môn học này (cùng một số môn học khác) thành môn tự chọn, nhiều trường không có nổi một học sinh chọn đăng ký thi môn Lịch sử. Kon Tum cũng không ngoại lệ, số học sinh tự chọn môn thi Lịch sử năm đó chỉ chiếm 22,5%, thấp hơn nhiều so với các môn học khác…
Trước kết quả học và thi môn Lịch sử như vậy, có ý kiến đánh đồng cho rằng như vậy là các em quay lưng với lịch sử? Xin thưa, học sinh không quay lưng với lịch sử chỉ có điều các em không mấy mặn mà với môn học Lịch sử mà thôi.
Sở dĩ nói học sinh không quay lưng với lịch sử vì trên thực tế, vẫn có những học sinh yêu thích và có ý thức tìm hiểu về lịch sử thông qua giờ học trên lớp, qua những câu chuyện kể về các danh nhân, anh hùng dân tộc, qua các hội thi, cuộc thi liên quan đến lịch sử. Những cuốn sách về lịch sử được rất nhiều người tìm mua và tìm đọc, đơn cử như cuốn “Sử Việt 12 khúc tráng ca” do Dũng Phan viết - một tác giả rất trẻ dù không chuyên nghiên cứu về lịch sử nhưng đã viết bằng tất cả niềm yêu thích lịch sử - khi vừa ra mắt đã tạo thành cơn sốt trong thế hệ trẻ. Hay trong kỳ thi năm nay, cũng có những thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử và ngay trên địa bàn tỉnh đã có 1 học sinh đạt mức điểm 9,5.
Nhưng vì sao lại có chuyện điểm thi môn Lịch sử thấp chưa từng thấy như vậy, tăng gần 16% so với năm 2017 (kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, tỷ lệ thí sinh điểm dưới trung bình môn Lịch sử là 61,9%)?
Khi có kết quả thi này, tôi đã tìm hiểu 15 mã đề thi môn Lịch sử. Cũng là thi trắc nghiệm, nhưng đề thi năm nay không chú trọng tái hiện kiến thức (nặng về số liệu, diễn biến...) mà chuyển sang đánh giá mức độ vận dụng kiến thức (khả năng phân tích, hiểu biết…) khiến những học sinh có thói quen học vẹt, không có sự kết nối, vận dụng kiến thức sẽ khó làm được bài thi.
Nhưng đề thi không phải là tất cả. Tính thực tế (hay nói đúng hơn là tính thực dụng) của học sinh ngay từ khi bước vào bậc THPT đã chọn, đầu tư cho những khối ngành để chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào đại học mới là nguyên nhân chủ yếu.
Trong cuộc đua này, nhiều em không chọn môn Lịch sử hay nói cách khác ít đầu tư cho môn Lịch sử. Bởi so với các khối (tổ hợp) thi khác, khối ngành khoa học xã hội: Văn, Lịch sử, Địa lí… thiếu hấp dẫn, ít ngành nghề lựa chọn, cơ hội việc làm không cao, thu nhập sau khi ra trường thấp. Trong khối ngành này, môn Văn được nhiều em chú trọng vì có thể đăng ký được ở nhiều tổ hợp thi khác, còn các môn Lịch sử, Địa lí ít được quan tâm (dẫu mấy năm gần đây có thêm tổ hợp thi mới như Văn – Lịch sử - Anh văn, Văn - Địa lí - Anh văn nhưng số trường tuyển sinh không nhiều).
Trong khi đa số các em hướng vào khối ngành khoa học tự nhiên, việc học và thi môn Lịch sử - từ lâu vẫn coi môn học phụ - là lãng phí sức lực và thời gian trên đường đua vào đại học. Với những em chọn tổ hợp thi khoa học xã hội của kỳ thi THPT quốc gia mấy năm gần đây, thì so với môn Địa lí và Giáo dục công dân thì môn Sử vẫn khó lấy điểm hơn nên các em vẫn có tâm lý “ăn may” ở môn thi này.
Vậy là, học vì điểm, học nhằm để thi nên nhiều em trong những bài kiểm tra ở lớp, chỉ theo kiểu đối phó, học kiểu “mì ăn liền”, tức là học xong, thi xong là thôi không cần phải nhớ, phải hiểu. Còn trong kỳ thi tốt nghiệp, nếu những em không theo những khối ngành có môn Lịch sử thì chỉ học theo kiểu qua loa đại khái, thậm chí các em còn truyền “kinh nghiệm” cho nhau không cần học, mà đánh lụi khi thi trắc nghiệm vào cùng một đáp án cũng qua được điểm liệt (tức là 1 điểm), thời gian còn lại đầu tư cho các môn trong khối thi của mình.
Tính thực dụng trong cách chọn ngành nghề dẫn đến hệ lụy học lệch và đại đa số học sinh không mấy mặn mà, lơ mơ về kiến thức lịch sử
Cùng với tính thực dụng trong chọn cách học, không ít ý kiến đưa ra đó là việc chậm đổi mới cách dạy và học môn Lịch sử. Lớp trẻ sẽ khó mà có tình yêu với môn học Lịch sử nếu cứ phải thuộc lòng những trang sách dày đặc con số, diễn biến, ngày tháng năm cụ thể… quá ư là xưa cũ.
Điểm môn Lịch sử thấp không phải vì các em không yêu lịch sử, nói cách khác đi là các em ít đầu tư cho môn học này. Cũng khó mà trách các em học sinh, vì các em có quyền chọn lựa điều gì là có lợi nhất cho con đường đi của mình. Nhưng không vì thế mà thầy cô qua loa, đại khái với những em không lựa chọn khối ngành có môn học này và các em cũng không vì thế mà thiếu đi những kiến thức cơ bản về lịch sử. Bởi môn học Lịch sử không chỉ trang bị một cách toàn diện những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới, mà còn bồi đắp tâm hồn, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, giữ gìn bản sắc dân tộc…
Mở đầu cuốn “Sử Việt 12 khúc tráng ca”, tác giả Dũng Phan đã viết: “Một dân tộc chỉ có thể bước đến tương lai trên đôi chân vững vàng của lịch sử. Bởi lịch sử là bài học của tiền nhân để lại cho hậu thế, là kho tàng kiến thức phát triển tương lai, tránh những sai lầm của quá khứ”. Trong bối cảnh hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của Internet với các luồng quan điểm phản động, xuyên tạc lịch sử nhằm bôi xấu chế độ đang diễn ra mạnh mẽ, nếu chúng ta không nhận thức nghiêm túc và có những thay đổi trong cách dạy, học môn Lịch sử ở nhà trường, sẽ là nguy cơ cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguyên Phúc