Nguy hiểm rình rập vì phải lội bùn, vượt sông sang nơi sản xuất
Hàng trăm người dân ở hai làng Kon Gung và Đăk Mút, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà đang đối diện với nguy hiểm vì hàng ngày họ phải lội bùn, vượt sông sang nơi sản xuất. Tình trạng này đã tồn tại gần 10 năm, kể từ khi nhà máy thủy điện Plei Krông được xây dựng...
Mới tờ mờ sáng, hàng chục người dân hai làng Kon Gung và Đăk Mút đã tập trung ở bến sông Krông Pô Kô để bắt đầu một hành trình nguy hiểm sang nơi sản xuất.
|
Đoạn đường đầu tiên mà họ phải vượt qua là một bãi bùn rộng cả trăm mét. Chỉ một chút chủ quan hoặc thiếu kinh nghiệm, rất dễ sa chân vào những bãi bùn lầy thụt mà muốn thoát ra ngoài cần phải có sự giúp sức của người khác.
|
Vượt qua được thử thách đầu tiên, người dân còn phải đối diện với dòng nước chảy siết cũng rộng cả trăm mét. Đây chính là dòng sông Krông Pô Kô ẩn sâu dưới lòng hồ thủy điện và chỉ lộ ra từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm khi nhà máy xả nước.
Anh A Láu, một người dân làng Kon Gung cho biết, nguy hiểm của việc lội bùn, vượt sông sẽ tăng gấp nhiều lần khi bước vào mùa mưa, bởi những trận lũ đầu nguồn có thể ập về bất cứ lúc nào. Trong làng đã có 4 trường hợp chết đuối do nước lũ. Tuy nhiên, bà con vẫn phải đi vì phần lớn nương rẫy ở phía bên kia hồ.
“Gia đình mình có 800 cây cà phê, cao su hơn 400 cây và 8 sào mì ở phía bên kia hồ. Không đi, không chăm sóc được thì sang năm lấy gì mà ăn. Đi thì biết là nguy hiểm, bùn sâu, nước sông chảy mạnh, lúc nào cũng lo lật thuyền mất đồ, mất người nhưng không đi không được” - Anh A Thúc, làng Kon Gung tâm sự.
Hai làng Kon Gung và Đăk Mút có khoảng 400 hộ dân với trên 2.400 nhân khẩu. Hơn 300ha nương rẫy của người dân đều ở bên kia sông Krông Pô Kô, thuộc địa bàn xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy. Trước đây khi chưa có công trình thủy điện, việc vượt sông ra khu sản xuất của người dân khá thuận lợi vì lòng sông hẹp. Bây giờ vào mùa khô lúc thủy điện tích nước lòng hồ mở rộng hàng cây số. Còn mùa mưa khi thủy điện xả nước là vùng bùn lầy khó vượt qua.
Cách trở trong việc đi lại khiến việc chăm sóc cây trồng của người dân bị gián đoạn dẫn đến năng suất, chất lượng đều sụt giảm. Anh A Wải, thôn trưởng làng Kon Gung cho biết: Gần cuối tháng 7, đúng ra bà con đã phải chăm sóc đợt hai, đợt ba cho cây cà phê nhưng giờ này năm nay đa số các hộ vẫn chưa bón được đợt phân nào vì nước lòng hồ cạn, phân bón rất nặng nên không vận chuyển qua được.
Trước khó khăn gặp phải, người dân hai làng Đăk Mút và Kon Gung cũng đã tìm cách đi đường vòng sang nơi sản xuất nhưng giải pháp này không khả thi vì quãng đường gần nhất cũng tới trên 50km. Không thể tự khắc phục khó khăn, nhiều năm qua người dân địa phương chỉ còn hi vọng vào giải pháp duy nhất đó là kiến nghị của mình về việc xin nhà máy thủy điện Plei Krông cho tích thêm một, hai mét nước trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm để người dân có thể dùng thuyền qua sông sẽ được lắng nghe giải quyết.
Ông A Hiếu, người dân làng Kon Gung cho biết: Không phải dân làng mong muốn Nhà nước bắc cho cái cầu vì bà con đều biết cần rất nhiều tiền mới bắc được cầu. Chỉ mong Nhà máy thủy điện hàng năm đến mùa mưa xả nước thì xả nhưng giữ lại một hoặc hai mét nước để bà con có thể dùng thuyền qua lại cho nó dễ dàng. Mong muốn của bà con là như thế thôi!
Trong thời gian tiếp tục chờ đợi câu trả lời, vì mưu sinh nên dẫu biết nguy hiểm song hàng ngày vào hai buổi sáng, chiều hàng trăm người dân hai làng Kon Gung và Đăk Mút, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà vẫn phải rồng rắn lội bùn, vượt sông để tới nương rẫy. Cùng với hiểm nguy rình rập trước mỗi bước chân, việc đi lại cách trở cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hiệu quả lao động sản xuất của bà con.
Khoa Điềm