Những nông dân Gia Rai vượt khó làm giàu
Do biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, không ít nông dân người Gia Rai ở huyện Sa Thầy đã trở thành điển hình về phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no.
Nhìn cơ ngơi khang trang cùng các vật dụng, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại, ít ai biết rằng để có được thành quả như ngày hôm nay, gia đình ông A Đang (50 tuổi, ở thôn Khúc Na, xã Sa Bình) đã phải nỗ lực rất nhiều trong cuộc sống.
Năm 1997, sau khi lập gia đình, vợ chồng ông A Đang được bố mẹ cho gần 1,3ha đất trồng mì. Thời điểm đó giá mì không ổn định nên vợ chồng ông phải đi làm thuê thêm để trang trải cuộc sống nhưng thu nhập vẫn bấp bênh.
Vài năm sau đó, gia đình ông A Đang mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chuyển đổi diện tích mì kém hiệu quả sang trồng 5 sào cao su, 5 sào cà phê và 3 sào lúa, bắp. Đồng thời, chăn nuôi thêm bò, dê và tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây bắp để tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Ngoài ra, nhằm có kiến thức chăm sóc, phòng trừ bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi, ông thường xuyên tham gia những buổi tập huấn khoa học - kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm thêm từ các hộ gia đình ở địa phương.
|
“Tiền tích lũy mỗi năm tôi đều mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi sở hữu hơn 2ha cao su, 1ha cà phê trồng xen sầu riêng, 1ha lúa nước và 10 con bò, 40 con dê. Trừ tất cả chi phí, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập hơn 200 triệu đồng. Kinh tế ổn định, tôi sửa sang lại ngôi nhà khang trang và mua thêm các loại máy móc cần thiết phục vụ sản xuất cho gia đình và bà con trong thôn”- ông A Đang chia sẻ.
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông A Đang còn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi và cung ứng dê giống trả chậm cho nhiều hộ gia đình trong thôn; cho các hộ nghèo ở thôn vay 50 triệu đồng không tính lãi để có vốn làm ăn, phát triển kinh tế.
Ông A Grim (69 tuổi, ở làng Lung, xã Ya Xiêr) là một trong những gương nông dân người Gia Rai điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Nhiều năm trước, do tập quán sản xuất còn lạc hậu, lại chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên 1,5ha cà phê của gia đình ông có năng suất thấp, chỉ đạt 1,5 - 2 tấn nhân/năm. Nguồn thu hạn chế khiến cuộc sống của gia đình khó khăn đủ bề.
Năm 2013, ông A Grim được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng xen các loại cây ăn quả trong rẫy cà phê do địa phương tổ chức. Sau đó, ông mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mua giống cây ăn quả chất lượng để trồng xen. Trên diện tích cà phê cũ, ông trồng xen 50 cây bơ Booth và 50 cây sầu riêng Dona.
|
Theo ông A Grim, cây bơ, sầu riêng rất dễ trồng, thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương, ít tốn công chăm sóc. So với trồng thuần cà phê thì xen canh đã đem lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần nhờ tận dụng được các khoảng đất trống, tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích. Ngoài ra, ông còn lắp đặt hệ thống tưới phun sương, giúp vườn luôn đủ nước tưới, các cây trồng phát triển tốt. Từ năm 2020, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng/năm nhờ vườn cây.
Không chỉ trồng cà phê xen các loại cây ăn quả, ông A Grim còn đầu tư chuồng trại nuôi bò. Đến nay, ông đã có hơn 20 con bò; mỗi năm xuất bán từ 8 - 10 con, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. “Qua mấy năm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng kế hoạch sản xuất, định hướng công việc làm ăn cho tương lai, đến nay, gia đình tôi đã có nhà cửa khang trang, sạch đẹp, mua sắm đầy đủ mọi đồ dùng sinh hoạt thiết yếu trong gia đình, con cái ăn học đàng hoàng”- ông A Grim cho hay.
Ông A Plưng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết: “Thời gian qua, nhờ chăm chỉ lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống của nhiều nông dân người Gia Rai ở huyện từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên”.
MAI VÀNG