Duyên nợ Kon Tum
Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể cắt nghĩa được là tại sao mình lại “duyên nợ” với Kon Tum đến thế. Hay nói một cách suồng sã là mình lại “khoái” Kon Tum như vậy. Có gì khác đâu giữa Kon Tum với nơi tôi đang sống. Cũng cái nắng ấy, nắng đến khát khao, cồn cào ruột gan. Cũng cơn mưa ấy, mưa đến tận cùng khắc khoải. Rồi cũng gió, cũng dốc, cũng bụi cuốn xe qua mịt mù…
Thế nhưng dường như cái nét riêng của Kon Tum vẫn luôn phảng phất đâu đấy trong những điều tưởng chừng như đã quen, đã cũ. Và cũng vì thế mà mỗi lúc cần đi đâu đó, thì cái tên Kon Tum lại xuất hiện đầu tiên trong những cái tên được lựa chọn. Đã rất nhiều lần một mình một xe máy ngược Kon Tum, sáng đi chiều về như thế. Mà lần nào cũng đều tươi mới. Bạn bè tôi ở nơi xa tới, thì Kon Tum luôn là nơi tôi đưa bạn đến đầu tiên. Cứ ngỡ quen rồi mà thật lạ, lạ rồi hóa quen tự thuở nào…
Cái thành phố thật yên bình trong những ồn ào phố sá nơi đô thị mà người ta vẫn thường nghĩ vậy. Thành phố yên bình với dòng Đăk Bla chảy qua như một dải lụa hồng trên vai người thiếu nữ trẻ. Nhắc đến Kon Tum là phải nhắc ngay đến dòng sông Đăk Bla huyền thoại, dòng sông chảy ngược qua lòng thành phố đầy thơ mộng. Dòng sông đã đi vào trong bao bài thơ, bài hát; đã lấy đi bao thước phim, bức hình để có những khoảnh khắc thật đẹp nơi cửa ngõ thành phố với cây cầu bắc ngang sông. Lặng lẽ với ly cà phê bên bờ kè, ngắm mỗi bình minh thức giấc hay mỗi hoàng hôn buông chiều, sẽ lại thấy một bình yên đến lạ nơi đây. Kon Tum có những làng trong phố, có cánh đồng, có những bờ tre gốc rạ, có mái nhà rông cao vút, nóc nhà thờ với tiếng chuông ngân mỗi chiều êm ả; nơi để người ta thả hồn vào những nhớ thương, những khắc khoải để thấy thật yên bình.
|
Kon Tum nhỏ, nhưng đã một lần đến, một lần thăm thì sẽ nhớ mãi, để rồi lại muốn đến, muốn thăm. Dù là những địa danh nổi tiếng làm nên một Kon Tum trên bản đồ du lịch hay trong lòng người lữ khách một lần chợt ghé dừng chân, từ Di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Nhà thờ gỗ, cầu treo, nhà rông Kon Klor cho đến những không gian cà phê bình dị nép mình trong những khu vườn thơm mát, đậm chất Tây Nguyên… thì tất cả đã tạo ra một vóc dáng Kon Tum nhỏ xinh mà lộng lẫy, bình dị mà sang trọng, mềm mại mà vững chãi.
Thật thiếu sót nếu nói về Kon Tum mà không nhắc tới cây kơ nia ở làng Kon Rơ Wang trong lòng thành phố. Không nhiều người đến Kon Tum biết đến nơi này. Và tôi chắc chắn cũng nằm trong số đông người ấy nếu như không có một chiều lang thang cùng một nhà thơ đã gắn bó với Kon Tum từ rất lâu bất chợt đưa đến. Cái giống cây kỳ lạ, cứ thẳng tắp lên thế mà sừng sững đứng một mình tỏa bóng xuống mái nhà rông. Lớp vỏ sần sùi ghi dấu bao thăng trầm, hưng phế của thời gian, như một chứng nhân lặng lẽ cho cuộc đời. Cây như người kể chuyện bằng tâm tưởng, bằng ký ức, bằng hoài cảm về một Kon Tum xưa, về một Làng Hồ của người Ba Na thuở nào. Bây giờ kơ nia còn ít lắm. Cây ở trong phố như Kon Tum lại càng ít. Thật may mắn khi vẫn còn đây, kơ nia và nhà rông, nét đặc trưng nhất của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại.
Kon Tum với tôi còn là những cuộc ngồi đến quên về. Nhớ có lần vừa mới Kon Tum về hôm trước, hôm sau có người rủ, chả cần suy nghĩ, lại tiếp tục Kon Tum. Tới nơi, mấy đứa bạn hỏi ông chưa về sao? Ơ về rồi, lại lên tiếp, có sao không? Ừ thì không sao, chỉ là thấy ông đi Kon Tum hoài không chán à. Lạ thế đấy. Lạ mà chẳng hiểu vì sao.
Chỉ biết là tôi mến nơi đây, một Kon Tum thật bình dị và luôn đầy háo hức trong tôi.
Nguyễn Minh Tuấn