Chút băn khoăn khi tham quan Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei
Khát khao được tới thăm Di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với câu chuyện vượt ngục ly kỳ của nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu đã thành hiện thực, vậy mà có chút gì đó cứ khiến tôi băn khoăn…
Đầu xuân Ất Mùi, trong không khí hào hùng của những ngày tháng 3 lịch sử, kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh KonTum, tôi có chuyến về nguồn cùng các thầy cô giáo Trường CĐSP Kon Tum tham quan Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei. Khát khao được tới thăm Di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với câu chuyện vượt ngục ly kỳ của nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu đã thành hiện thực, vậy mà có chút gì đó cứ khiến tôi băn khoăn…
Bởi ý nghĩa của chuyến tham quan và cũng bởi lần đầu đến thăm Ngục Đăk Glei nên tất cả các thành viên trong đoàn đều mang theo tâm trạng háo hức. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hằng Nga - Phó Bí thư Đoàn trường phấn khởi cho biết: Mặc dù rất say xe nhưng khi nhà trường có kế hoạch, cô là người đăng ký đi đầu tiên. Theo cô, chuyến đi này, ngoài việc tri ân còn là dịp để các thầy cô có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về lịch sử địa phương, qua đó có cái nhìn thực tế hơn về nơi có biệt danh “bóng tối ảm đạm” mà thực dân Pháp đã giam cầm hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong những năm 1932 – 1954, để tự hào hơn về tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các thế hệ cha anh và có một trải nghiệm để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ.
Chỉ sau hơn 3 tiếng đồng hồ, vượt qua gần 150 km, khu di tích lịch sử ngục Đăk Glei đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Bước xuống xe, khác với hình dung của chúng tôi về nơi “bóng tối ảm đạm”, cảnh vật nơi đây đã khiến chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Từ trên cao nhìn xuống thung lũng Đắk Choong, những mái nhà, những con đường dọc ngang uốn lượn dưới tán xà nu, mang đến cho chúng tôi một cảm giác thật ấm áp, yên bình. Thế nhưng, niềm vui bỗng chùng xuống khi chúng tôi tiến về phía ngục. Cổng bị khóa, nhà bảo vệ cũng khóa, lại không có số máy điện thoại của bảo vệ để liên lạc. Sau một hồi loay hoay, phát hiện cổng phụ chỉ cài chốt phía trong, chúng tôi quyết định tự mở cửa phụ để đi vào. Biết là di tích đang trong giai đoạn thực hiện việc trùng tu, tôn tạo, chưa thể đáp ứng mọi nhu cầu của du khách đến tham quan, tìm hiểu, thế nhưng có một vài chi tiết khiến chúng tôi hết sức băn khoăn. Thứ nhất, khi đến các di tích lịch sử, theo phong tục truyền thống, du khách đều có nhu cầu thắp hương tri ân, vậy nhưng tại nơi đây, tấm bia Di tích lịch sử ngục Đăk Glei lại đang được “dựng tạm” vào tường của một căn phòng nhỏ mà theo tìm hiểu của chúng tôi thì đây là căn nhà bếp của đồn binh Pháp…nên đoàn chúng tôi không biết dâng hương ở chỗ nào, mặc dù trước khi đi đoàn đã chuẩn bị hương, hoa chu đáo. Thứ hai, tại các khu vực trong di tích gồm: đồn binh Pháp, khu biệt giam và căng an trí đều chưa có bảng thuyết minh chi tiết, gây khó khăn cho du khách khi muốn tìm hiểu sâu về lịch sử. Thứ ba, mặc dù khu di tích có nhân viên bảo vệ, tuy nhiên vì lý do khách quan, không phải khách tham quan nào đến cũng có thể gặp ngay được bảo vệ, do vậy việc du khách tự tìm đường vào trong khu di tích khi không có bảo vệ là khó tránh khỏi. Đây cũng là vấn đề đặt ra đối với công tác đảm bảo an toàn cho khu di tích, đặc biệt hiện nay, căng an trí đã được phục dựng lại bằng những tấm phên nứa, mái tranh, do vậy chỉ một chút bất cẩn của du khách hoặc trò nghịch ngợm của trẻ em quanh vùng cũng rất dễ xảy ra sự cố…
|
Thật may, khi chúng tôi chuẩn bị ra về thì anh A Broi, nhân viên bảo vệ khu di tích cũng vừa tới. Sau khi nghe chúng tôi trình bày và xin lỗi về việc tự ý vào tham quan, anh tỏ vẻ thông cảm và cho biết, nhà anh ở làng Đăk Glây, xã Đăk Choong, cách khu di tích khoảng 4 km, vì thế khó đảm bảo việc trực 24/24 giờ được. Anh cũng vui vẻ cho biết thêm, từ ngày con đường bê tông xi măng nối đường Hồ Chí Minh với di tích hoàn thành, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi vừa qua, có khá nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm di tích. Nhận thấy anh là người cởi mở, nhiệt tình, chúng tôi nán lại trò chuyện với anh khá lâu, tuy nhiên khi chúng tôi tìm hiểu thêm một số vấn đề liên quan đến di tích thì hầu như anh đều không nắm được.
Ngục Đăk Glei - nhà ngục nổi tiếng được thực dân Pháp xây dựng để giam cầm, tra tấn những người cộng sản kiên trung, là biểu tượng của tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất của các thế hệ cha anh. Với việc đi lại dễ dàng như hiện nay, chắc chắn ngày càng có nhiều du khách đến với địa danh lịch sử này. Để tạo thuận lợi cho du khách tới tham quan, tìm hiểu, tỏ lòng tri ân, rất mong ngành chức năng, đơn vị chủ quản khắc phục, lưu ý một vài vấn đề nêu trên. Bên cạnh đó, do khu di tích ở xa trung tâm, ban quản lý khu di tích, đặc biệt là các hướng dẫn viên không thể có mặt thường xuyên được, nên thiết nghĩ nhân viên bảo vệ cũng cần được trang bị thêm một số kiến thức cơ bản về lịch sử của ngục để có thể hướng dẫn, cung cấp thông tin cho du khách khi cần.
Hoàng Thúy