Sỏi đá cũng xanh
A Viên ngồi bệt xuống đất, ngắm nghía những bầu cây thông giống, dùng tay ước lượng chiều cao. Sau đó anh cầm một bầu lên, nhúm một ít đất vân vê trong tay rồi gật gù, mắt ánh lên sự hài lòng.
|
Thấy vậy, hai thanh niên ngồi bên cạnh cũng cười nhẹ nhõm theo cái gật đầu của A Viên. Sự lo lắng hiện rõ trên mặt lúc nãy biến mất. Một cậu gặng hỏi: Thế nào anh A Viên? Cây giống tốt chứ.
A Viên cười: Cây tốt, A Sự. Đất bầu đủ ẩm, không lẫn đá, rễ cây, tạp chất và được trộn đều với lân. Cây đủ tuổi, cao 15-20cm; cứng khỏe, lá bắt đầu chuyển từ màu xanh lục sang màu xanh chuối non, không bị nấm bệnh, không bị cụt ngọn, không bị vỡ bầu.
Gần 4 giờ chiều. Cơn mưa dông vừa ngớt, sương núi giăng ra từ ngọn núi sau làng làm không khí trở nên dịu mát. Câu chuyện giữa 3 anh em trở nên sôi nổi, chủ đề không gì khác, ngoài chuyện trồng rừng.
Vui nhất là A Sự. Vì cậu không nghĩ pa (bố) mình lại đổi ý, đăng ký trồng rừng. Trước đây, ông kiên quyết lắc đầu.
Đó là một câu chuyện dài!
Ngoài gần 1ha ruộng nước, nhà A Sự còn có khoảng 10ha rẫy, nằm trên quả đồi sau nhà. Nhưng bao năm qua chỉ trồng ít cây bời lời, chủ yếu là bỏ hoang, vài khoảnh trồng mì để ủ rượu ghè, dưới thấp gieo ít lúa nếp.
Gần đây, phong trào trồng rừng đang lên cao. Nhà nào đăng ký sẽ được xã đi khảo sát, nếu đáp ứng được điều kiện sẽ hỗ trợ cây giống, lại có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách đào hố, trồng cây.
A Sự thích lắm. Chưa chi nó đã mơ đến ngày, cả khu đồi bạt ngàn thông xanh, đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường. Nó quyết định sẽ trồng rừng. Vấn đề là phải được pa đồng ý.
Để thuyết phục pa, nó đã nhờ anh A Viên tư vấn kỹ về cây thông- loại cây mà xã chọn làm cây trồng rừng chính trên địa bàn.
Mấy ngày liền, mỗi bữa cơm, nó đều kể về lợi ích của trồng rừng, nhất là trồng thông, cho pa và nâu (mẹ) nghe. Rằng cây thông rất phù hợp với diện tích đất rẫy nhà mình, bởi cây này ưa đồi núi trọc, đất trơ sỏi đá, thoát nước tốt, nhiều ánh sáng.
Rằng, cây thông đem lại lợi ích kinh tế cao vì ít tốn công chăm sóc, tái sinh khỏe, tăng trưởng nhanh, ít bị sâu bệnh, cung cấp nhựa và gỗ với năng suất khá cao, chỉ khoảng 5-7 năm sẽ cho khai thác.
Ngoài ra còn giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, chống biến đổi khí hậu
Pa nó khen “đó là loài cây tốt”, nhưng bàn đến chuyện trồng rừng trên khu đồi của nhà thì ông gạt ngay. Lý do của ông là trồng mì năm nào cũng có thu hoạch, dư sức làm rượu ghè, hoặc cho heo ăn, trồng rừng thì biết đến bao giờ mới có tiền?
Cứ thế ngày qua ngày, A Sự sốt ruột lắm. Nếu không đăng ký kịp để nhận cây giống, mai mốt dân làng sẽ nhận hết, lấy đâu giống mà trồng?
Thành ra, mỗi ngày nhìn thấy khu đồi trơ “bộ mặt” sỏi đá lì lợm mà tức. Thấy anh A Viên đi hướng dẫn dân làng phát thực bì mà thèm.
Nhắc đến anh A Viên là A Sự phục lăn. Ở cùng làng, chỉ hơn nó mấy tuổi, A Viên học giỏi, được về trường nội trú huyện học. Hết lớp 12, dân làng mong A Viên vào đại học, nhưng anh lại đăng ký học Cao đẳng ngành lâm sinh.
A Viên giải thích rằng, chọn nghề lâm sinh vì làng mình sống gần rừng mà trước nay chẳng ai có kiến thức gì về rừng cả, phải học để về giúp dân làng. Còn học Cao đẳng là để nhanh ra trường, sau này có điều kiện sẽ học lên cao hơn.
Sau khi tốt nghiệp, A Viên xin được việc ở ban quản lý rừng trên huyện. Khi phong trào trồng rừng được phát động, A Viên xin nghỉ ít ngày về giúp dân làng.
Bà con mừng lắm. Vì có A Viên, mọi người hết lo lắng chuyện chuẩn bị đất, đào hố sao cho đúng kỹ thuật; cây giống thế nào là đạt yêu cầu; chăm sóc sau trồng ra sao.
Những lúc A Viên hướng dẫn một số hộ đăng ký trước chuẩn bị đất, A Sự đều lẽo đẽo đi theo. Nó nghĩ, cứ đi xem cho biết, rồi thuyết phục pa dần dần.
Cũng nhờ thế mà nó biết được nhiều điều mới mẻ về rừng. Và chuyện trồng thông không phải cứ đem cây giống lên đồi, đào hố rồi đặt cây, lấp đất lại là xong.
Trước hết phải trồng đúng thời vụ . Ở đây, thông phải được trồng vào đầu mùa mưa, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, một số vùng mưa nhiều có thể kéo dài đến tháng 9. Phải phát dọn thực bì trước mùa mưa.
Hố trồng thông có kích thước 30x30x30cm. Khi trồng, rạch bỏ vỏ bầu và đặt cây con thẳng đứng vào giữa hố, tránh làm vỡ bầu. Lấp đất đầy hố, ép chặt xung quanh bầu và vun thành mai rùa, cao hơn mặt đất.
Trong những chuyến “theo đuôi” ấy, A Sự có kể cho anh A Viên nghe chuyện nó muốn trồng thông trên khu đồi sau nhà nhưng pa không chịu. A Viên vỗ vai nó: Để anh lo chuyện này.
Không biết anh A Viên nói chuyện với pa nó thế nào mà mấy ngày liền ông suy nghĩ có vẻ lung lắm. Rồi một buổi chiều, ông dắt xe đạp ra khỏi cổng, đi ngang qua chỗ nó, ông buông một câu: Mày đi bàn với A Viên chuyện trồng rừng đi, pa lên xã đăng ký trồng rừng.
Sau này, A Sự gặng hỏi mãi, anh A Viên cười: Anh nói, trồng mì cũng tốt, nhưng chỉ để ủ rượu, không hết nghèo được. Trồng rừng thông thì khác, chỉ 5-6 năm là có tiền cho thằng Sự lấy vợ. Chú không muốn nó cũng nghèo đấy chứ. Thế là pa em nói để nghĩ thêm.
Ba anh em chợt im lặng, cùng nhìn lên ngọn đồi. Không lâu nữa, những mầm thông xanh rào rạt tiến lên, phủ xanh từng vùng đất bạc màu, trơ sỏi đá.
Dưới chân đồi, dòng suối miệt mài chảy vào thời gian, chảy qua năm tháng, con nước xoáy tròn vào đá, chững lại như ngẫm nghĩ, rồi buông rời đá mà xuôi dòng, miên man kể về cái ngày sỏi đá cũng xanh.
Hồng Lam