"Chìa khóa" phát triển vùng đồng bào DTTS
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đăk Hà luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực và thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn. Đây được xem là “chìa khóa”, là “cần câu” để góp phần giúp đồng bào DTTS từng bước vươn lên, xây dựng cuộc sống ngày càng ổn định và phát triển.
Trong chuyến tác nghiệp mới đây, tôi đến xã Đăk Long. Qua làm việc với ông Hoàng Công Ái - Chủ tịch UBND xã, chúng tôi được biết xã có 5 thôn đặc biệt khó khăn với có 815 hộ là người DTTS. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã lồng ghép các chương trình MTQG và nhiều nguồn lực khác để giúp bà con đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trên địa bàn.
Trao đổi về hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND xã Hoàng Công Ái nhấn mạnh: “Xã xác định 3 nhóm đối tượng gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để tập trung hỗ trợ. Thông qua nguồn từ các chương trình, chính sách dân tộc, địa phương hỗ trợ bà con giống cây trồng, vật nuôi. Đây là “cần câu cơm”, là cơ sở để bà con vươn lên thoát nghèo”.
Để có góc nhìn sát với thực tiễn, tôi gặp chị Y Tỷ ở thôn Đăk Xế - Kơ Ne (xã Đăk Long). Qua tâm sự, được biết trước đây, vì điều kiện giao thông đi lại cách trở, cộng với thiếu vốn đầu tư và chưa có kiến thức về phát triển kinh tế, gia đình chị Y Tỷ thuộc diện hộ nghèo.
|
Sau này, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chị Y Tỷ chuyển đổi hơn 8 sào đất vườn sang trồng cây lâu năm. Năm 2023, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ thêm một con bò sinh sản từ nguồn vốn chương trình MTQG. Sau thời gian chăm sóc, bò của gia đình đã sinh được 1 con bê. Từ nguồn sinh kế này, thêm việc địa phương tạo điều kiện cho chị tham gia các lớp tập huấn, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, gia đình chị sản xuất ngày càng hiệu quả.
Chị Y Tỷ vui vẻ: “Vừa qua, xã đã cử cán bộ đến hướng dẫn gia đình tôi cải tạo vườn tạp, tận dụng diện tích đất trống để phát triển kinh tế. Đây là một trong những nội dung trong việc thực hiện thay đổi nếp nghĩ, cách làm vùng đồng bào DTTS tại địa phương. Thấy rất hợp tình hợp lý, tôi tham gia cải tạo vườn tạp trồng xen mắc ca và một số cây ăn quả trong vườn để phát triển kinh tế. Đồng thời tôi cũng sử dụng phân bò sẵn có để bón cho cây nhằm tiết kiệm chi phí. Hi vọng thời gian tới, gia đình tôi sẽ có thêm một nguồn thu nữa từ vườn nhà để xây dựng cuộc sống ổn định hơn”.
Không chỉ riêng gia đình chị Y Tỷ, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã Đăk Long cũng được hưởng lợi trong việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS tại địa phương. Tính đến tháng 4/2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 47 triệu đồng/năm, tăng 29 triệu đồng so với năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 40% năm 2019 xuống còn 11,61%. Đây là những “con số biết nói”, là cơ sở để khẳng định những đổi thay tích cực tại địa phương.
Đến với xã Đăk Ui - vùng căn cứ địa cách mạng của tỉnh với trên 80% dân số là đồng bào DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao là một trở ngại lớn khi xã bắt tay vào lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ các chương trình MTQG, xã tập trung đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, đập thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Cùng với đó, xã thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện tốt nhất để bà con DTTS phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp để giảm nghèo bền vững.
|
Ông Đinh Thư - Chủ tịch UBND xã Đăk Ui trò chuyện: “Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, việc triển khai các chính sách dân tộc tại xã đã mang lại những hiệu quả tích cực. Năm 2022, xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 4,0%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,6% tổng số hộ. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét”.
Về với xã Đăk Ui, tôi có cuộc trò chuyện ngắn với già làng A Bók (thôn Kon Năng Treang). Là người đã gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, già A Bók bày tỏ: “Qua việc địa phương thực hiện các chính sách dân tộc một cách cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, tôi nhận thấy diện mạo thay đổi từng ngày. Không chỉ kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư và có nhiều thay đổi mà đời sống kinh tế của bà con từng bước được nâng lên. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của bà con đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng đối với xã Đăk Long và Đăk Ui, mà việc các chương trình, chính sách thực hiện vùng đồng bào DTTS ở các địa phương khác trên địa bàn huyện cũng đều hiệu quả. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
|
Huyện đã lồng ghép nhiều nguồn lực cũng như huy động được nội lực của nhân dân để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn. Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội được triển khai kịp thời, phát huy dân chủ, đầu tư và hỗ trợ đúng đối tượng. Theo đó, đồng bào DTTS đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu. Nhiều hộ đồng bào DTTS đã biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, triển khai hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định.
Bà Phạm Thị Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, trên cơ sở từ các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, địa phương đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Địa phương chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch tổng thể dân cư với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững.
Tất Thành