Ngày hội
Tôi và Tuấn dừng xe ở đầu con dốc nhìn về phía ngôi làng nằm giữa sườn núi. Gió thổi từ phía rừng cao su tới đem theo thứ âm thanh trong trẻo quẩn quanh, như tiếng sơn ca, như tiếng suối reo, làm tâm hồn rung lên nhè nhẹ.
Có vào làng không anh? Tuấn hỏi. Hình như làng có việc gì đó. Giờ anh đi chụp ảnh. Em vào làng xin gặp trưởng thôn hoặc già làng hỏi chuyện chút rồi ta “rút”- tôi trả lời, mắt mê mải nhìn sườn đồi dập dờn cỏ đuôi chồn tim tím hoang hoải trong gió.
Tuấn chạy đi ngay. Lát sau, cậu ta quay trở lại, mặt đỏ nhừ. Đi cùng là một thanh niên mặc áo thổ cẩm.
Sao vậy? Tôi hỏi. Rượu! dân làng cứ ép, không uống không được. Làng đang tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết. Dân làng cử A Wưh đi cùng để mời anh em mình vào chơi- cậu ta kéo tay anh thanh niên, hớn hở nói.
A Wưh lúng búng: Già làng bảo tôi ra mời khách. Ngày hội làng mà có khách lạ đến chơi là tốt lắm, vui lắm. Rồi nở nụ cười thân thiện.
À, thì ra làng đang vào ngày hội!
Nhận lời đi anh- Tuấn vội vàng giục, như sợ tôi từ chối. Nào có biết đâu, tâm trí tôi, đôi chân tôi đã bị cuốn theo tiếng chiêng rồi.
Hai anh em cùng A Wưh đi về làng. Nắng thở phập phồng trên những vạt rừng. Cả ngôi làng chan chứa nắng, như đang phô bày tất cả vẻ lung linh nồng ấm và rực rỡ của nó.
|
Những hàng rào bên đường trở nên sặc sỡ với váy áo thổ cẩm hong nắng, gió thổi bay phấp phới như có đàn bướm nhiều màu sắc đang bay lên. Mùa khô đã chính thức đến. Dường như chỉ qua một đêm mà mọi thứ như đổi khác. Đất trời, cỏ cây hiện lên với lăng kính mới, tạnh ráo mà mơ màng.
Sáng ra có gió lạnh se se. Trưa đến, nắng lại bừng lên oi ả. Chiều có cái mát mẻ của Thu sang. Và khi đêm xuống thì lạnh. Đám thành niên trai tráng ngủ ở nhà rông đã phải đốt củi sưởi.
Đi trên đường, thỉnh thoảng lại gặp mấy thiếu nữ gò má đỏ hồng, không biết vì nắng hay vì men rượu cần, tà váy thổ cẩm đong đưa, thẹn thùng cười chào khách.
Tự nhiên nhớ đến câu thơ học hồi phổ thông “cười như mùa thu tỏa nắng”. Bỗng thấy nắng cũng như kém tươi hơn những nụ cười ấy.
Sân nhà rông của làng tấp nập người, tràn ngập không khí lễ hội. Tiếng cười nói lao xao. Rượu cần, cơm lam, thịt nướng được bày ra, như một truyền thống đẹp và trang trọng nhất của dân làng. Bất cứ ai đến làng luôn được đối đãi chân tình, niềm nở, trọng thị như vậy.
Sẽ rất bất ngờ đối với những ai lần đầu tiên đặt chân đến ngôi làng nằm lưng chừng núi với những mái nhà sàn nhấp nhô này vào đúng dịp lễ hội. Bởi họ sẽ được hòa vào không khí vô cùng đặc biệt.
Bắt đầu từ ngã ba, nơi chia một nhánh chạy hun hút lên biên giới, một nhánh rẽ vào làng đã phấp phới bóng cờ bay. Từ đó, hai bên đường chạy xuyên qua làng, đến những con đường đất nhỏ, rồi cổng từng nhà, tất cả đều được trang điểm bởi màu cờ Tổ quốc.
Năm ngoái, lần đầu tiên đón Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở làng, tôi đã biết rằng, ở ngôi làng bốn mùa mây phủ này, Ngày hội Đại đoàn kết được dân làng trông đợi lắm. Không chỉ là để vui chơi, mà quan trọng hơn là dân làng đánh giá lại kết quả một năm phấn đấu, nỗ lực vươn lên.
Thế cho nên, trước Ngày hội khá lâu, già làng và ban quản lý thôn đã bàn công tác chuẩn bị. Còn bà con tự giác dọn dẹp nhà cửa, ủ rượu. Đêm đêm, đội chiêng – xoang đốt lửa ở sân nhà rông tập luyện.
Đến sát ngày thì nhắc nhau treo cờ Tổ quốc, cờ của nhà nào đã cũ hoặc sút chỉ, tuột mép sẽ được nhắc nhở để thay mới. Sau đó dọn dẹp đường làng ngõ xóm; chung nhau mổ heo, bắt cá suối. Vào Ngày hội, dân làng tập trung ở nhà rông, từ già đến trẻ không vắng mặt một ai.
Già làng đi tới, rót đưa cho tôi một bát rượu sóng sánh màu hổ phách rút ra từ ghè rượu tốt nhất. Lâu nay già vẫn khỏe chứ ạ- tôi nắm chặt tay già. Vẫn khỏe mà. Năm nay mùa màng bội thu, bếp luôn đỏ lửa, củi chất đầy nhà, lúa đầy kho, heo gà đầy chuồng. Mừng lắm- già cười.
Tôi định nói thêm một câu gì thật thắm thiết với già làng, nhưng rồi chỉ gãi đầu cười.
|
Khi về làng, tôi luôn có cảm giác thân thiết, dịu dàng, ấm áp. Làng là một thế giới khác, một thế giới của núi, của cây rừng xanh thắm, suối reo, chim hót và không gian trong veo.
Nơi đây đã cho tôi sự thanh thản như dòng suối trong vắt, hiền hòa, dịu dàng trước làng; sự bình yên như con đường nhỏ hai bên phủ đầy cỏ chạy vòng vèo trên sườn núi; sự ấm áp với bếp lửa chiều mưa và dân làng ít nói hay cười, nói câu nào chắc câu ấy.
Nơi đây, tôi được ngồi quây quần trong căn nhà sàn vách ken bằng gỗ thông, bên bếp lửa đã nhen lên mà thưởng thức ghè rượu ấm nồng. Củi gỗ thông rừng rực cháy thơm nức, thỉnh thoảng nổ lép bép, bắn tung ra những tràng hoa lửa xua tan sự lạnh giá của núi rừng.
Đỡ bát rượu từ tay già làng, tôi uống một ngụm nhỏ, cảm nhận vị cay dịu, thơm nồng lan trong miệng, rồi tỏa khắp người.
Dân làng nhiệt tình mời rượu. Tất cả trở nên dễ gần, dễ quen thân, dễ chuyện trò như thể người chung nhà, chung ngõ. “Uống với nhau một tí mừng Ngày hội”- mọi người đều nói như vậy. Gắn kết và đầm ấm.
Chộn rộn với khách một lúc, cồng chiêng lại vang lên, thánh thót, trầm bổng, rồi ào ạt như suối nguồn về. Mọi người dạt ra ngoài, để trống một khoảng rộng, nhường chỗ cho những bước chân, những bàn tay mời gọi mở vòng xoang náo nức.
Ngày hội Đại đoàn kết ở làng không thể thiếu vắng tiếng chiêng ngân vang, không thiếu vòng xoang thắm thiết. Ngày hội mà không có cồng chiêng, không có xoang thì dù có ăn nhiều heo, ăn nhiều bò thì cũng không mấy vui- người già bảo nhau như vậy.
Những cánh tay gân guốc nắm chặt dây chiêng; những bước nhún nhảy vừa mạnh mẽ vừa nhịp nhàng. Người và chiêng hòa điệu với nhau. Chiêng thổi hồn người, người dựa hồn chiêng, cứ thể bay khắp non ngàn.
Tôi đắm đuối với chiêng, với xoang, với ngày hội. Rồi thấy đời tươi hơn, bao nhiêu khó khăn trôi qua hết, thấy mình thêm sung sức để đi tiếp.
THÀNH HƯNG