• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Truy điệu, an táng 26 liệt sĩ hy sinh tại Lào và Campuchia    Quốc hội thảo luận Tổ về các dự án luật    Trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân nước bạn Lào và Campuchia    Hội thảo khoa học Các nghiên cứu mới về sâm Ngọc Linh - Thành tựu và ứng dụng    [INFOGRAPHIC] Các bước lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên VNeID   

Tòa soạn & Bạn đọc

  • Nhịp cầu bạn đọc

Nhớ sao mùi khói đốt đồng

23/11/2024 13:09

Chiều đi làm về, vừa rẽ vào cổng làng, tôi đã thấy phảng phất đâu đây mùi khói đốt đồng trong làn gió se lạnh. Mùi khói cay cay, thoảng mùi thơm của rơm rạ lẫn nồng nồng của bùn đất làm dậy lên trong lòng niềm thương nhớ da diết về cánh đồng chiều nơi quê nhà.

Với tôi, trong bộn bề mưu sinh, ký ức mới cũ cứ đến và đi như gió thoảng, nên có những thứ cố nhớ tới cũng không nhớ nổi. Nhưng kỳ lạ làm sao, mùi khói đốt đồng lại luôn ăn sâu trong tiềm thức đến mức chẳng bao giờ quên được. Chỉ cần một chút mùi khói thoáng qua là dạt dào sống lại. 

Và có lẽ không chỉ riêng tôi, mà bất cứ ai sinh ra từ chốn thôn quê, gắn bó với hạt lúa, củ khoai, với ruộng đồng, rơm rạ đều in đậm trong ký ức mùi khói đốt đồng.

Đó là một thứ mùi rất riêng, rất đặc trưng mà tôi thường gọi đó là mùi của quê hương!

Tôi luôn lấy làm tự hào vì mình đã sinh ra từ ruộng đồng, bên rạ rơm yên bình. Chính làng quê đã cho tôi một tuổi thơ hồn nhiên với biết bao ký ức đẹp đẽ. Để rồi, khi lớn lên và xa quê cứ luôn có cảm giác mong chờ được trở về, để có cơ hội được chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt đẹp của ngày mùa rộn rã và để được hít lấy hít để vào lồng ngực mùi thơm nồng, ngai ngái của khói đốt đồng.

Bức tranh tuyệt đẹp ấy luôn hiển hiện lên trong tâm trí tôi mỗi khi trời trở lạnh, mỗi khi nhớ nhà hoặc mỗi khi muốn tìm kiếm cái cảm giác bình yên giữa phố thị xô bồ, nhộn nhịp.

 
Mãi nhớ mãi thương mùi khói đốt đồng. Ảnh minh hoạ

 

Cũng đúng thôi, bởi thời thơ ấu của những đứa trẻ ở làng như tôi đã quấn quýt cùng rạ rơm. Mới chập chững đã theo cha mẹ ra đồng vào những mùa gieo mạ, làm cỏ lúa hay vào vụ gặt. Lớn lên một chút, mỗi chiều được nghỉ học lại lội ruộng chăn bò, phụ cha mẹ kéo rơm, kéo lúa.

Vui nhất là ngày mùa. Sau khi phụ giúp cha mẹ, trẻ con chúng tôi lại rủ rê tụ tập ngồi trên những bờ ruộng để bứt cỏ đá gà. Những chân ruộng vừa gặt xong trở thành bãi đất trống, rất phù hợp để cả bọn chơi trò mềm mềm cứng, đánh trận giả, đuổi bắt.

Trong vẻ đẹp sinh động, rộn rã của bức tranh quê ngày mùa, bọn trẻ chúng tôi còn được chạy nhảy, chơi đùa trong màn khói đốt đồng. Gió đưa khói bay khắp cánh đồng chiều, và lũ trẻ hồn nhiên tung tăng trong khung cảnh huyền ảo, mơ màng như “miền cổ tích”.

Trên cánh đồng quê thẳng cánh cò bay ấy được chia rất nhiều ô ruộng. Mỗi ô ruộng gặt xong, lúa được chuyển về thì bà con lại gom những rơm rạ rơi vãi, những hạt lúa lép chưa khô hẳn thành ụ rồi un khói đốt đồng, vừa sạch đất, vừa tạo phân tro để làm cho ruộng lúa vụ sau được tươi tốt hơn.

Nhắc đến lúa lép lại thấy thương các bà, các mẹ, các chị thật nhiều. Lúa gặt xong rồi, mang ra tuốt, rồi loại bỏ những sợi rơm rạ còn sót lại. Xong công đoạn này rồi thì các bà, các mẹ, các chị lại cồng lưng bưng bê những thúng lúa tiếp tục rê để loại bỏ những hạt lép. Công đoạn này có khi người lớn cũng cần đến sự chung tay của bọn con nít chúng tôi. Tôi nhớ, mỗi lần đến công đoạn này là mẹ thường gọi mấy chị em tôi lấy nón lá của bà, của mẹ xúm lại quạt, tạo sức gió mạnh hơn để “đánh bật” nhanh những hạt lúa lép.

Thoáng chốc, giữa cái đống lúa vừa mới gặt kia được mẹ rê sạch sẽ, lấy ra những hạt lúa chắc vàng óng để cho vào bao đưa về nhà. Còn lại đống lúa lép, chiều về, cha cào lại rồi cùng những sợi rơm vương vãi xung quanh đám ruộng chất vào đó, châm mồi lửa đốt. Những hạt lúa lép chưa khô hẳn nên thường không cháy thành lửa ngọn mà cứ âm ỉ “nhả” ra những làn khói, tạo nên mùi khói đốt đồng đặc trưng.

Lâu lâu, trong đống lửa ấy còn phát ra những tiếng nổ lép bép rất vui tai từ những hạt lúa chắc lẫn trong đó.

Lúa mang về nhà, trước khi cất vào kho sẽ được phơi ít nhất vài ba nắng cho khô giòn, rồi còn rê lại một lần nữa để bóc tách hết những hạt lép còn sót lại cho sạch sẽ. Trên đường làng, đàn ông phơi rơm rạ, các bà, các mẹ, các chị phơi lúa, rê lúa. Chiều tà, những đống lửa bên đường lại tiếp tục được nhen nhóm từ những đống lúa lép, thoảng đưa mùi thơm bay xa, len lỏi khắp xóm làng.

Mùi khói đốt đồng là một phần không thể thiếu trong ký ức của tôi là vậy. Hẳn sẽ có người nói, khói đốt đồng thì có gì hay, cay mắt, cay mũi chứ ích gì, nhưng với tôi lại thơm đến lạ lùng. 

Bây giờ, ruộng ở quê vẫn còn. Các công đoạn làm ruộng, gặt lúa đã có máy móc hỗ trợ, nhưng ngày mùa thì không thể thiếu rạ rơm rơi vãi và những đống lúa lép. Vậy nên, mùi khói đốt đồng vẫn phảng phất thơm trên những cánh đồng chiều, trên những con đường quê.

SÔNG CÔN

   

Các tin khác

  • Đứa trẻ bị bỏ rơi
  • Viết trong Ngày của Mẹ
  • “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ”
  • Khắc ghi chuyện kể của bà
  • Mùa rẫy tới
  • Một ly cà phê đen
  • Màu thời gian
  • Mưa trái mùa
  • Cơn mưa ngang qua
  • Sương sâm ngày nóng
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Hội nghị triển khai các nhiệm vụ liên quan Đề án sáp nhập tỉnh trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo
  • Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06
  • Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng
  • Thầy giáo đa tài
  • An toàn là bạn
  • Quốc hội tiếp tục thảo luận Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
  • Để đào tạo lớp người mới phát triển toàn diện
  • Đổi thay từ sức trẻ

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Chùm ảnh: Người sưu tầm đồ cổ ở Kon Tum
  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt

Đất & Người Kon Tum

  • Kỹ nghệ chỉnh âm cồng chiêng của người Xơ Đăng
  • Thời gian qua, dù xã hội có nhiều thay đổi, nhưng cộng đồng người Xơ Đăng trên địa bàn tỉnh vẫn luôn nỗ lực bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng. Không cầu kỳ, không phô trương, kỹ nghệ này vẫn được người Xơ Đăng nỗ lực gìn giữ, bảo tồn qua các thế hệ.
  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by