Đêm xoang
Tranh đấu mãi với chính mình, cuối cùng tôi cũng tung được tấm chăn ra. Trong loáng choáng men rượu còn vương vít, tôi nghe tiếng cồng chiêng bung biêng vọng tới, lúc xa lúc gần.
Nhìn xung quanh không thấy ai, tôi hé cửa bước ra, xuýt xoa vì lạnh. Đêm ở làng trong veo, gió núi se sắt thổi, mang theo hơi sương cũng trong veo phả vào mặt làm tôi tỉnh hẳn. Trăng thượng tuần treo cao, dát vàng trên núi, trên cây, trên những mái nhà im lìm sau hàng rào tre thưa xiêu xiêu.
Nhưng ở nhà rông của làng thì khác. Tôi nhìn về hướng ấy. Ánh lửa bập bùng, dòng người sóng sánh, nhịp chiêng rộn rã, náo nức.
Một bóng người xuất hiện trong màn sương. A Viên đấy à- tôi đánh tiếng. A Viên chạy tới, nắm tay tôi: Già A Plưng sợ anh say, nói em tới xem sao. Nếu anh dậy thì mời anh tới vui hội làng.
Hôm qua, tôi theo A Viên về làng, nơi mà cậu từng tự hào nói rằng “có những người hiểu chiêng và xoang như hiểu bản thân mình”.
Tôi chếnh choáng đi theo A Viên. Chỉ mấy chục bước chân, tôi đã nhập vào một không gian nhuốm màu huyền thoại giữa đất trời lộng gió.
|
Lúc này, không gian ấy đã vỡ òa trong nhịp chiêng ngân, trong nhịp xoang khát cháy. Lửa và hồn chiêng quấn quyện những đôi tay trong hương rượu ghè thơm nồng mênh mang, chếnh choáng.
Tiếng chiêng quẩn quanh trên những cánh rừng. Lúc nỉ non, khi du dương, lúc trầm buồn, khi rộn rã, như mời gọi, như giục giã người ta nhanh bước tới để tay nắm tay, chân bên chân nối vòng xoang.
Tôi nhớ lần đầu về làng. Cũng vào những ngày cuối năm, lúa đã vào kho, gió cuốn ào ào trên các triền đồi, những cánh rừng cứ xanh biếc lên. Và làng cũng vào mùa lễ hội.
Trong đêm, tôi ngỡ ngàng ngắm vòng người tay nắm tay, chân nhún nhảy theo tiếng cồng chiêng, rồi bước vòng quanh đống lửa lúc phát ra tiếng nổ lép bép của đôi nhánh củi còn chưa được khô hẳn, lúc lại phần phật theo ngọn gió reo vui.
Lúc ấy, trong đầu lại bật lên câu hát rộn ràng: “Những bàn chân, bàn chân trần trên đất, lướt đi rộn rã bồi hồi. Tiếng hú bay xa chín suối mười đồi, cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức. Đêm trong veo, trong veo, nhà rông bập bùng ánh lửa”.
Và một cô gái đã kéo tôi nhập vào vòng người. Lần đầu tiên, tôi được đắm mình trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã, theo ngọn lửa bập bùng soi sáng những gương mặt chân chất, thuần hậu.
Lần đầu tiên tôi được nắm những đôi bàn tay dẫu chai sạn nhưng dẻo dai, mềm mại. Được bước theo những đôi chân chắc nịch, uyển chuyển, nhịp nhàng, theo tấm lưng ong dặt dìu điệu xoang của những thiếu nữ có đôi mắt trong veo và đôi má ửng bồ quân, không biết vì lửa ấm hay vì men nồng.
Từ những bước đi lạ lẫm trong lần đầu về làng đấy, tôi chẳng nhớ đã có bao nhiêu lần rộn rã cùng điệu xoang ở những thung lũng mây bay là là ngang triền núi.
Thật ra, tôi cũng chỉ theo kiểu bắt chước. Cứ nhìn người phía trước làm gì thì làm theo, ngượng nghịu và lúng túng, chứ không thể nào múa cho đẹp, cho đúng nghi thức trong phần lễ như những thiếu nữ ở làng.
Nhưng vẫn say mê, vẫn đắm đuối mới lạ!
|
Trong mênh mang đất trời, trong chếnh choáng men rượu cần tự ủ, trong nồng nàn yêu thương, các chàng trai, cô gái say sưa hơn với nhịp chiêng điệu xoang, tay quyện vào tay, chân bước bên chân.
Những cánh tay gân guốc nắm chặt dây chiêng; những bước nhún nhảy vừa mạnh mẽ vừa nhịp nhàng. Người và chiêng hòa điệu với nhau. Chiêng thổi hồn người, người dựa hồn chiêng, cứ thế bay khắp non ngàn.
Dựa theo tiếng chiêng, nương theo tiếng cồng, các mẹ, các chị, các thiếu nữ đặt những bước chân đắm say, những cái lắc hông khỏe khoắn, khoáng đạt. Tà váy thổ cẩm nhiều màu sắc ánh lên dưới ngọn lửa hồng.
A Viên nói, từ thuở xa xưa, Yàng đã sắp đặt cả rồi. Trong khi cồng chiêng và nhạc cụ khác, phổ biến với t’rưng, ting ning, trống cái, trống con, chủ yếu là dành cho đàn ông, con trai, thì múa xoang là “đặc quyền” của phụ nữ, con gái.
Giống như con trai lên bảy, lên tám đã được dạy cầm cây dùi đánh chiêng, con gái lên bảy, lên tám cũng được làm quen với nhịp xoang.
Giống như con trai, trong máu vẫn có sợi dây vô hình gắn kết với hồn chiêng, chỉ cần chạm vào, là nó sẽ thức tỉnh và ngân nga, mỗi người con gái chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng là đã nhún nhảy đôi chân, xoay lắc đôi tay, thân hình đung đưa.
Vào lễ vào hội, cồng chiêng và xoang như anh như em, như đôi lứa yêu nhau không khi nào xa rời. Chỉ cần chiêng vang lên là sẽ có xoang. Những cô gái trở thành những vũ công thực sự, lãng mạn và bay bổng. Vòng xoang gắn chặt tình người, tình đất, làm đắm say, mê hoặc lòng người.
Không gian vỡ òa trong nhịp chiêng ngân, trong nhịp xoang khát cháy. Chiêng và xoang quấn quyện những đôi tay, những bàn chân. Tôi mê mải nhìn những tấm lưng ong, những đôi tay lúc mạnh mẽ, dẻo dai, lúc mềm mại, uyển chuyển.
Mới đây thôi, các cô sơn nữ còn mải mê việc rẫy việc đồng, đôi bàn chân bước những bước vội vã lên rẫy, tay thoăn thoắt hái cà, cuốc xới đất, vun gốc cây trái mà nay trong ánh lửa bập bùng, trong tiếng cồng, tiếng chiêng đã trở thành những nghệ nhân múa xoang đắm say và bay bổng.
“Tinh tinh tang... tinh tinh tang...”! Âm thanh hòa quyện, nối tiếp nhau, bay xa trong tiếng vỗ tay vang dội. Tiếng chiêng “gọi núi rừng, suối thác” về, vòng xoang chạm vào trái tim mỗi người.
Lớp già đi trước, lớp trẻ theo sau. Đêm đêm, người già nhiệt tình chỉ dạy, người trẻ hăng say học tập. Cùng với tiếng chiêng ngân, vòng xoang cứ thế được giữ gìn, được truyền lại dưới những nếp nhà sàn đã chẳng biết đã bao nhiêu năm tuổi.
Từ khuôn mẫu của những điệu xoang cổ, sau này, các mẹ, các chị còn sáng tạo thêm nhiều động tác mới, các điệu xoang mới, gắn với sinh hoạt, cuộc sống hằng ngày, góp phần làm phong phú, sinh động, hấp dẫn và tươi mới hơn các điệu xoang trong lễ hội.
Mặc đêm cứ bất tận, lửa vẫn bập bùng, men rượu cần vẫn nồng nàn, nhịp chiêng cũng chênh chao và vòng xoang thêm dài, thêm rộng.
THÀNH HƯNG