Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm
Đang ngang qua cánh đồng, nghe văng vẳng câu hát “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi. Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm” từ phía nhà ai vọng lại mà trong tôi một nỗi nhớ thương thật hiển hiện, thật rõ nét. Cảm giác như đang được dạo bước trên con đường làng mỗi năm hai mùa ngan ngát mùi rơm rạ, cảm giác hình bóng quê hương gợi thương, gợi nhớ, đôi khi chỉ bắt đầu từ mùi thơm thơm của những cọng rơm vàng.
Dừng xe lại ven đường, thấp thoáng những bóng người lúi húi trên những cánh đồng. Lúc này, cánh đồng trơ gốc rạ. Còn dọc phía con đường làng, rơm mấy nay được nắng như đang trải thảm vàng dọc theo lối đi.
Mà lạ chưa, khắp cả không gian, ngan ngát mùi thơm từ rơm rạ theo gió lan ra nhẹ tỏa. Mùi thơm ấy rất lạ. Không nồng nàn như hoa sữa, cũng chẳng phải dìu dịu như hương bưởi, hương chanh. Mùi rơm thơm vị bịn rịn của phù sa con sông quê mỗi năm theo mùa mưa lũ đưa về, mùi ngai ngái của đồng đất và cả mùi tinh khiết, khô nồng của mênh mông gió, của mênh mông nắng. Mùi thơm ấy là thành quả bao tháng ngày một nắng hai sương của người nông dân, từ những ngày làm đất, gieo mạ, lo sâu, lo bệnh cho đến khi đơm hoa, kết quả. Mùi thơm của lớp rơm vàng óng ả còn là mùi trù phú, ấm no đã níu giữ, quấn quýt bước chân bao người - trong đó có tôi - ngang qua.
Mùi thơm ấy theo làn gió mơn man của những ngày đầu chuyển mùa thoang thoảng đưa hương càng khiến tôi thương nhớ đồng quê, thương nhớ mùi rơm rạ gắn với những tháng ngày thơ bé. Ngày ấy, tôi cứ thế mà lớn lên giữa đất quê, ruộng làng. Cứ đến ngày mùa, mùi thơm của rơm, mùi thơm nồi cơm gạo mới nhà ai đang nấu, mùi khói bếp lam chiều đượm mùi rơm mới hòa quyện vào nhau. Nhà chẳng có ruộng, cũng chẳng cấy, chẳng gặt, nhưng tôi đã đi qua những tháng ngày cùng niềm vui tất bật, rộn ràng ngày mùa của xóm làng, của đám trẻ cùng trang lứa. Tiếng nói cười xôn xao ra đồng từ sớm, tiếng tuốt lúa của máy tuốt đạp bằng chân vang vang giữa trưa, tiếng gọi nhau, tiếng chân chạy vội thu dọn thóc, rơm khi trời bất chợt đổ mưa.
|
Năm nào cũng vậy, chờ khi thóc lúa phơi phóng khô khén, đem cất vào kho, nhà nhà mới lo chuyện thu vén chất rơm thành cây to. Mẹ tôi đến mùa cũng nhanh nhảu đi xin rơm trong xóm. Ngày xây cây rơm cũng rộn ràng chẳng kém gì ngày thu hái. Mấy mẹ con đứng phía dưới cuộn rơm thành ôm tròn tung lên, cha đứng phía trên đi vòng quanh cây rơm để lèn chặt. Có nhà nhiều ruộng, nuôi nhiều trâu bò, còn chất cả hai, ba cây rơm, phía trên cọc che chắn kĩ càng để khỏi mưa gió ẩm mục. Nhà có cây rơm tiện dùng đủ các việc quanh năm. Rơm trộn với đất làm thành vách nhà mà nhiều người vẫn hay gọi “nhà tranh vách đất”. Rơm dùng để làm chất đốt nấu ăn hàng ngày. Rơm là thức ăn cho trâu, bò. Rơm lót ổ cho gà, cho trâu bò, cho heo nằm trong những ngày mưa dầm giá rét. Ngoại tôi đến mùa còn công phu chọn những cọng rơm vàng cứng cáp, đều đẹp bện làm chổi quét bàn, quét ghế. Còn chúng tôi đến mùa rơm rạ hết phủ rơm trùm kín khắp người chơi trò trốn tìm, nhào lộn, lại lấy rơm nướng khoai, nướng cá, lấy rơm tết búp bê, làm hình nộm.
Mới nhớ về những ngày xa thôi mà cảm giác đôi bàn chân như đang êm êm bước đi trên khắp các con đường rơm vàng trải ngập lối đi, thơm lừng ngõ xóm. Cảm giác tình yêu quê hương đôi khi thật đơn giản như những kỷ niệm trong veo còn đọng lại. Cảm giác hình bóng quê hương gợi thương, gợi nhớ, đôi khi chỉ ví như một mùi thơm của những cọng rơm vàng.
Mùi rơm ấy qua bao mùa gặt len lỏi vào ký ức khiến những người lớn lên từ đất quê, từ ruộng làng như tôi khắc khoải. Trong chập chờn những thương nhớ, màu vàng của rơm rạ, mùi thơm của rơm rạ trở thành nơi nương náu tâm hồn, trở thành nơi lưu giữ sắc màu tươi đẹp của hồn quê, của kỷ niệm ấu thơ.
Cúi xuống cầm cọng rơm vàng, hít hà sâu mùi hương thơm thơm rất riêng không thể nào trộn lẫn mà tôi cứ miên man suy tưởng. Đời đời kiếp kiếp, cây lúa cứ mặc nhiên hết mình xanh, rồi hết mình rực rỡ, hết mình ra hoa, kết quả, dâng hoa thơm trái ngọt cho đời mà chẳng cần biết yêu ghét, dỗi hờn. Nắng nghiệt ngã cháy vàng hay mưa xói lở đất trời, qua tháng, qua năm vẫn cứ mặc nhiên khao khát, mặc nhiên dâng hiến cho đời dẻo thơm hạt gạo, mặc nhiên ngan ngát hương thơm ngay khi đã hết một vòng đời.
Và tôi, cứ đến mùa gặt, thể nào cũng chạy xe ngang qua những cánh đồng. Chầm chầm dừng lại, hít hà một hơi thật sâu mùi rơm rạ vấn vít hương lúa mới đang nhẹ tỏa khắp không gian mà lòng bao đầy vơi thương nhớ.
Nguyên Phúc