Năm Giáp Thìn nói chuyện con rồng
Trong 12 con giáp, Thìn - con rồng là linh vật duy nhất không có thật, nhưng hình ảnh rồng gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt. Rồng xuất hiện trong truyền thuyết, truyện cổ tích, trong các công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa…
Mỗi người Việt đều tự hào mang trong mình dòng dõi con Rồng, cháu Tiên, điều đó gắn liền với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Lạc Long Quân vốn là rồng lấy Âu Cơ vốn là tiên. Âu Cơ đẻ ra bọc gồm trăm trứng, trăm trứng nở ra trăm con. Năm mươi con theo cha xuống biển, năm mươi con theo mẹ lên non. Người con trai trưởng được phong làm vua lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu. Điều đó lí giải cho nguồn gốc linh thiêng của dân tộc Việt.
Nói đến rồng là nói đến uy quyền và sức mạnh gắn liền với đế vương, chẳng thế mà áo vua mặc gọi là long bào, mặt vua là long nhan, giường vua nằm gọi là long sàng. Rồng còn là đại diện cho tinh thần, sức mạnh của triều đại. Vì thế hình tượng rồng trong mỗi thời kỳ đều có những nét khác biệt.
Thời nhà Lý, biểu tượng rồng trở nên chuẩn mực, hoàn thiện cao về tính mỹ thuật. Con rồng thời Lý uyển chuyển mềm mại, bờm rồng nhỏ thanh mảnh, phấp phới tựa như có gió thổi; râu rồng mềm mại uốn lượn tựa như làn sóng, miệng ngậm ngọc hoặc đùa giỡn với ngọc thể hiện sự cao quý. Thân hình rồng uốn lượn, uyển chuyển, nhỏ dần về phía sau trông mượt mà dài vô tận, vòi rồng rõ ở mũi, phun nước tượng trưng cho khả năng làm mưa, chuyên quản mưa gió thể hiện nền văn hoá nông nghiệp của nước ta thời đó. Con rồng thời Lý hiền lành, mềm mại, tinh tế thể hiện các vua Lý thiên về “văn” lấy đức để thu phục lòng người.
|
Thời Trần, hình tượng rồng tương tự thời Lý, nhưng có một chút thay đổi, đầu có thêm tai, cặp sừng, hình dáng đẫy đà hơn, mặt rồng uy nghiêm khí phách thể hiện hào khí Đông A của nhà Trần trong 3 lần đánh đuổi quân Nguyên Mông.
Thời Nguyễn, rồng được thể hiện qua hình ảnh ẩn hiện trong mây. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau, mắt lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Rồng tượng trưng của uy quyền vua chúa có phần hung dữ, khác với nhận thức trong tâm khảm người dân bình thường.
Như vậy có thể nói dù là con vật không có thật, nhưng hình tượng rồng được tạo nên qua mỗi thời kỳ đều rõ nét với sức mạnh tâm linh, uy quyền, khắc họa tâm tư, nguyện vọng của con người trong từng thời đại.
Ngày nay, ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh rồng ở khắp mọi nơi trong họa tiết trang trí trên mái đình, hoa văn trang trí trên gấm, lụa, gốm sứ, và múa rồng trong các trò chơi dân gian. Không phải ngẫu nhiên con rồng lại được coi là thần thú đứng đầu trong tứ linh. Nhớ khi vua Hùng dựng nước đã chú trọng đến nơi đóng đô, kinh đô Phong Châu ngày ấy là một long mạch lớn, hội tụ đầy đủ các yếu tố của một thế đất đẹp: thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ, nơi hợp lưu ba dòng sông như ba con rồng khổng lồ hội tụ: sông Đà, sông Thao, sông Lô.
Năm 1010 vua Lý Thái Tổ ra chiếu dời đô từ thành Hoa Lư về thành Đại La. Trong chiếu dời đô chỉ ra rằng Đại La được thế “rồng cuộn hổ ngồi”, “mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa”. Nói đến đây để kể về sự linh thiêng của hình ảnh rồng trong phong thủy.
Theo truyền thuyết, năm đó trên đường dời đô từ Hoa Lư về Đại La, vua Lý Thái Tổ nhìn thấy hình ảnh rồng vàng bay lên và quyết định đổi tên thành Đại La thành Thăng Long. Rồng gắn liền với sự may mắn, phồn thịnh, chẳng thế mà mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến nay là thủ đô Hà Nội của nước ta vẫn ngày một phồn vinh và phát triển.
Hình ảnh rồng mạnh mẽ, uyển chuyển vờn mây bay lên, hào quang tỏa sáng rực rỡ xung quanh thể hiện cho ước vọng ngàn đời nay của dân tộc ta. Ước vọng về sự tự do và phát triển. Hình ảnh đó thôi thúc chúng ta không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Năm Giáp Thìn 2024, tượng trưng cho rồng vàng bay lên, với một hình ảnh đẹp đẽ, vầng quang tỏa sáng sẽ mang lại cho con người những điều tốt đẹp, sức khỏe và cả sự thăng hoa trong đời sống vật chất và tinh thần.
Trần Thị Thanh Tú