Sách và văn hóa đọc
Từ năm 2014, ngày 21/4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam, theo Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ. 7 năm sau, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1862/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách và Văn hóa đọc.
|
Sách và đọc sách là một truyền thống tốt đẹp, đã được hình thành, gìn giữ và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Người xưa đề cao vai trò của sách, khi cho rằng “Thư trung hữu ngọc” (trong sách có ngọc). Mở đầu Kiến văn tiểu lục, trong phần "Khuyên răn", nhà bác học Lê Quý Đôn đã dẫn lời người xưa rằng: "Đọc sách mà tìm được một nghĩa, cũng như được một thuyền hạt ngọc", cho thấy giá trị của sách chẳng kém gì vàng bạc, châu báu.
Nhận thấy tầm quan trọng của sách, xem việc phát triển văn hóa đọc sách chính là động lực, là công cụ quan trọng góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam.
Vì sao ngày 21/4 được chọn là Ngày sách Việt Nam? Trong Dự thảo đề án Ngày sách Việt Nam của Bộ Thông tin và Truyền thông (năm 2013) đưa ra một số lý do, trong đó có 2 lý do chính: Một, đây là mốc thời gian xuất bản và phát hành tác phẩm Đường Kách Mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tác phẩm bằng Tiếng Việt đầu tiên được in bởi thợ in Việt Nam).
Hai, tháng 4 là thời gian diễn ra Ngày Sách và Bản quyền thế giới (ngày 23/4), Ngày sách Việt Nam tổ chức gần với Ngày Sách và Bản quyền Thế giới sẽ thể hiện được sự hội nhập của Việt Nam với thế giới.
Kể từ năm 2014, hàng năm, vào dịp Ngày sách Việt Nam, trên cả nước đều diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách của mỗi cá nhân và trong cộng đồng; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của đọc sách đối với việc giáo dục và hình thành nhân cách con người
Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (theo Quyết định 1862/QĐ-TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Việc bổ sung nội hàm “văn hóa đọc” vào Ngày sách Việt Nam không chỉ khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người mà còn đưa văn hóa đọc lên tầm cao mới. Đó là hình thành thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc ở mỗi người. Tức đọc sách có chọn lựa, không đọc theo trào lưu hoặc đọc “vô tội vạ” mà biết tiếp nhận những nét hay, nét đẹp từ sách, loại bỏ những “gió độc”, đồng thời làm tiếp nhận, quảng bá những giá trị văn hóa, và tiếp tục sáng tạo thêm những giá trị mới.
Trong bài viết “Học tập suốt đời” (tháng 3/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh rằng: “học tập suốt đời trở thành một quy luật sống” và mỗi cá nhân phải “học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Như vậy sách và đọc sách là một trong các nội dung chủ yếu của học tập suốt đời.
Ở tỉnh Kon Tum, những năm qua, Ngày sách Việt Nam (trước đây), Ngày sách và Văn hóa đọc hiện nay, luôn được các cấp chính quyền, ban ngành quan tâm. Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam được tổ chức, như Ngày hội đọc sách; trưng bày, giới thiệu sách hay, sách đẹp; quyên góp sách; trao tặng sách.
Đặc biệt, hầu hết trường học đã có nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, phụ huynh, từ đó có đóng góp quan trọng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ở khía cạnh xã hội, sách và văn hóa đọc cũng đã có những bước tiến. Trước đây mua sách khá khó khăn, nhất là một cuốn sách có nội dung hay, chất lượng in tốt, nhưng nay thì đơn giản hơn nhiều, bởi đã có những nhà sách lớn. Người đọc sách cũng có thể thỏa sức tìm kiếm qua các trang thương mại điện tử, hoặc trang của các nhà xuất bản, sau đó sách được giao đến tận nơi.
Người đọc sách cũng có thể tiếp cận ngay với những tác phẩm mới, nổi tiếng của thế giới, vì sự liên kết trong lĩnh vực xuất bản ngày càng đa dạng và mạnh mẽ. Không chỉ với sách in, người đọc còn được tiếp cận với nhiều loại hình sách mới, cách đọc sách mới, như sách nói, sách bỏ túi, sách rút gọn; đọc trên các trang mạng điện tử.
Ngày nay, có nhiều ý kiến cho rằng, sách và văn hóa đọc đang “gặp khó”, khi nhiều người không thích đọc sách, thậm chí có người chưa bao giờ thấy cầm một cuốn sách. Đặc biệt sách và đọc sách đang nguy cơ bị mai một bởi sự lấn lướt của các phương tiện hiện đại. Nhiều gia đình người Việt đã không quan tâm hướng dẫn, hình thành thói quen đọc sách cho con em mình. Ngay cả người lớn cũng bị cuốn theo điện thoại di động, theo mạng xã hội.
Tất nhiên, những trăn trở nêu trên không phải không có căn cứ. Khi nhiều độc giả trẻ cho rằng, thời đại công nghệ, Internet phủ kín rồi, mạng xã hội cho ta nắm bắt nhiều thứ chỉ bằng một cú chạm; có thể đọc sách online bất cứ lúc nào thì cần gì phải mua sách in?
|
Nhưng nhìn vào thực tế thì sách vẫn đang là món ăn tinh thần không thể thiếu, và văn hóa đọc vẫn đang lan tỏa. Bằng chứng là những chương trình nói chuyện về sách, lan tỏa văn hóa đọc, giới thiệu sách vẫn luôn thu hút đông đảo người dự.
Tôi rất ấn tượng với các hoạt động nhân Ngày sách và Văn hóa đọc hàng năm ở các trường học, ở đó có rất đông học sinh và thầy giáo, cô giáo tham gia, hết giờ không ai muốn về, mà muốn trò chuyện, giao lưu thêm với các tác giả, khách mời.
Nhà thơ Tạ Văn Sĩ, một người có nhiều đầu sách viết về Kon Tum, từng kể rằng, bản thân anh đã rất xúc động khi được mời dự Ngày hội sách và văn hóa đọc ở một trường THPT, và được rất đông bạn trẻ xin giao lưu, chụp ảnh. Rất nhiều bạn trẻ thuộc một số bài thơ của anh (đã in thành sách).
Vì vậy, cho dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet thì sách vẫn không mất đi giá trị vốn có đối với hành trình phát triển văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của chúng ta.
Thành Hưng