Một ly cà phê đen
Cà phê, với nhiều người ở Kon Tum, không còn là một thứ đồ uống đơn thuần, mà đã trở thành một người bạn. Mỗi lần ngồi bên ly cà phê, trong lặng im, là mỗi lần miên man với những nỗi niềm thầm kín.
|
Sáng nay, như bao buổi sáng, tôi ngồi vào cái bàn gỗ quen thuộc, vẩn vơ nghĩ về vần thơ đọc vội trên facbook khi thức giấc: Cà phê đắng như cuộc đời sâu lắng/Nếm bao nhiêu cũng chẳng thấy đủ đầy/Nên trong từng giọt đắng phút này đây/Gửi một chút thương yêu ngày được sống.
Một ly đen? Chủ quán cười cười nhìn khách. Tôi cũng khẽ cười: Vâng, một ly đen!
Tôi thích thức dậy sớm thật sớm. Khi sương mù còn vướng vít, còn la đà trên mặt đường, khi tiết trời còn se se lạnh, tìm đến một quán cà phê nhỏ trong lòng phố núi. Và gọi một ly cà phê đen.
Cà phê, với nhiều người ở Kon Tum, không còn là một thứ đồ uống đơn thuần, mà đã trở thành một người bạn. Mỗi lần ngồi bên ly cà phê, trong lặng im, là mỗi lần miên man với những nỗi niềm thầm kín.
Mỗi giọt cà phê tí tách rơi là mỗi giọt chạm vào sâu thăm thẳm của những tâm sự cất kín trong lòng; là đằm mình trong hơi thở chậm rãi của thời gian. Và sau vị đắng đót nơi đầu lưỡi là vị ngọt thơm dễ chịu, như cuộc đời vốn vậy.
Cà phê đi vào đời sống của người dân phố núi từ bao giờ, không ai biết, nhưng cà phê có mặt từ những góc khuất đến phố xá sầm uất. Một ngày mới sẽ bắt đầu bằng một ly cà phê. Và một ngày cũng có thể kết thúc bằng một ly cà phê. Chẳng cần biết anh là ai, làm nghề gì, chỉ cần có ly cà phê là có thể gặp gỡ, chuyện trò, thành bạn bè từ sự kết nối của ly cà phê.
Cảm giác như trong quán cà phê, có một phố núi thu nhỏ với những nét rất đặc trưng, khi thì trầm lắng nhẹ nhàng, lúc lại tất bật nhộn nhịp. Ở đó có những câu chuyện rôm rả chẳng dứt, có những phút giây tâm sự tình cảm nhưng cũng có khi là đôi chút trầm ngâm yên lặng.
Người Kon Tum thích ngồi ở những quán cà phê vườn, hoặc quán nhỏ nơi góc phố, đầu hẻm. Đó là những quán nhỏ và xinh, với những cái ghế đẩu con con, với nụ cười hiền lành, thân thiện của chủ và khách.
Họ thưởng thức ly cà phê rất nhấn nhá, nhâm nhi, từng hớp một, chứ hiếm có ai uống nhanh, uống vội. Thậm chí ngay cả uống nhanh, uống vội vẫn lộ ra vẻ từ tốn trong đó. Và lạ một điều, sau mỗi hớp cà phê, người ta sẽ làm một… hớp trà. Nên trên bàn, chẳng bao giờ thiếu một bình trà, hoặc ly trà, để câu chuyện dài thêm.
Rồi, ly cà phê giống như bạn tâm tình nữa chứ. Tôi tự hào mà khoe rằng, ở Kon Tum, người ta có thể uống cà phê lúc nào cũng được. Quán cà phê là chốn hẹn hò, là nơi gặp nhau để bàn bạc, giải quyết công việc.
Hoặc đơn thuần chỉ là tụ tập nhau tán gẫu. Vui, người ta kéo bạn bè ra quán cà phê. Buồn, người ta lặng lẽ tìm một bàn ở kín đáo nào đó, kêu một ly cà phê, ngồi cả ngày.
Rồi, bên ly cà phê, những câu chuyện dường như chẳng bao giờ kết thúc, dẫu có tắt nắng đi rồi. Bởi vì phố Kon Tum nhỏ xíu, gần như ai cũng quen, cũng biết nhau, chưa kể những “tín đồ cà phê” thường “ngồi đồng” ở một quán quen thuộc thì nhẵn mặt nhau rồi. Thế là, thấy bóng người quen quen đi qua, ngoắc vào. Đang chạy trên đường, nghe tiếng gọi, nhìn lại thấy nhỏ bạn đang toe toét cười bên góc quán, ghé vô.
Mỗi người có sở thích uống cà phê khác nhau. Có không ít người thích cà phê ép máy, hay những loại cà phê mới, cách pha mới, được du nhập từ Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Châu Mỹ, đại loại như Mocha với vị thơm béo của kem tươi và vị ngậy của chocolate nóng, Cappuccino với cà phê và sữa nóng, bột cacao.
Nhưng rất nhiều người vẫn thích cà phê truyền thống, pha phin, với đen hay sữa, có đá hoặc không. Còn riêng tôi, vẫn là “tín đồ” của cà phê phin truyền thống. Có lẽ vì với tôi, ly cà phê đen sáng sớm, như chiếc cầu nối những cung bậc cảm xúc cuộc sống. Và tôi thích cảm giác chờ đợi một cách kiên nhẫn những giọt đều đều tí tách rơi xuống.
Khi phin cà phê đã nhỏ xuống những giọt cuối cùng, hãy cho một ít đường, vừa đủ thôi, hơi nhiều thì ngọt, mất vị, hơi ít thì đắng, rồi khuấy đều. Hãy lắng nghe tiếng lanh canh của muỗng chạm vào ly, như âm thanh reo cười rộn rã buổi sớm mai vậy.
Rất đậm đà và có hương vị quyến rũ một cách hoang sơ, hòa quyện hợp lý của vị đắng đậm và ngọt thanh làm bất kỳ ai nhỡ nhấp phải ngụm đầu cũng phải chậm lại giây lát để cảm nhận cho kỹ, cho thấm trước khi đến ngụm thứ hai, thứ ba.
Và hơn thế nữa, ở mỗi giọt cà phê đen lẫn nét sóng sánh nâu đỏ kín đáo ấy, có thể cảm nhận được tinh hoa chắt chiu, tích lũy qua nắng mưa, qua năm tháng; sự đồng điệu về tâm hồn của người đã vun trồng, chăm bón, của người rang cà phê và của người đã pha chế thành công một ly cà phê tuyệt vời, đắng đót mà vẫn ngọt ngào.
Ly cà phê của tôi lặng lẽ tỏa ra mùi thơm phảng phất, rất nhẹ nhưng đầy kích thích. Sự phảng phất ấy như mời gọi hãy thưởng thức, nhưng lại như nhắc nhở đừng vội vàng, mà cứ nhấm nháp, chậm rãi và nhẹ nhàng thôi, để thấy dư vị đắng đót ban đầu nhưng đậm đà về sau.
|
Cứ như vậy, ly cà phê Kon Tum vẫn được người đang sống ở Kon Tum mặc nhiên coi là thứ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Còn người phải xa Kon Tum sẽ nhớ quay quắt, nhớ cồn cào khi lỡ phải uống ly cà phê pha sẵn nhạt nhẽo. Cà phê đâu chỉ có mỗi vị đắng, mà còn có chút ngọt ngào của tình đất, tình người.
Bởi thế, tôi mãi yêu phố núi, yêu vị đắng đót mà tinh túy của ly cà phê đen ở quán nhỏ nơi góc phố. Dù đi đâu xa, tôi vẫn có đủ một khoảng nhớ cho riêng mình.
Thành Hưng