“Cuộc hội ngộ” cảm xúc
Đã hơn 50 năm ngày đất nước thống nhất, thế nhưng, với các cựu chiến binh từng chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng ký ức về thời chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc vẫn in đậm trong ký ức. Hơn 50 năm trở lại, những người cựu chiến binh năm xưa “gặp lại” đồng đội trên tấm bia và nơi họ từng chiến đấu đầy cảm xúc.
Những chiến công oanh liệt
50 năm giải phóng Tây Nguyên (tháng 3/1975- tháng 3/2025), hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2025), tôi có dịp tháp tùng đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh dâng hương, dâng hoa tại các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Sa Thầy như đỉnh 995-Chư Tan Kra, điểm cao 1015, 1049. Tại những nơi này, lời viếng của người dẫn chương trình đã nêu lên những chiến công oanh liệt, sự dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ đã quên mình chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc khiến ai cũng nghẹn ngào.
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước đã qua, tại Sa Thầy, hàng trăm anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh xương máu, tuổi xuân, để lại biết bao đau thương mất mát cho người thân. Chỉ tính riêng Sư đoàn 320 đã có trên 14 ngàn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, trong đó, rất nhiều liệt sĩ hy sinh ngay trên chiến địa Kon Tum, trong đó, có huyện Sa Thầy.
|
Tại chiến địa ở Sa Thầy đã diễn ra nhiều trận đánh giữa ta và địch vô cùng khốc liệt; trong đó, Điểm cao 995-Chư Tan Kra, điểm cao 1015 và 1049 trên đỉnh Sạc Ly là những điển hình cho những chiến công oanh liệt nhưng cũng vô cùng đau thương và bi hùng.
Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, ngày ấy, nghe Tổ quốc gọi, lớp lớp người con từ miền Bắc hậu phương đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, trong số, đó có hàng vạn thanh niên ưu tú của Thủ đô Hà Nội- “Tất cả vì miền Nam thân yêu”.
Sau những ngày hành quân thần tốc, vào đêm 25, rạng ngày 26/3/1968, tại Điểm cao 995- Chư Tan Kra này, đã diễn ra trận đánh vô cùng cam go, ác liệt giữa bộ đội ta và địch. Bộ đội ta đã tấn công, chiếm lĩnh gần như hoàn toàn điểm cao này, tiêu diệt phần lớn sinh lực địch và ép chúng co cụm, nhưng sau đó, địch tăng cường chi viện và phản công. Do chênh lệch về lực lượng và hỏa lực, sáng ngày 26/3 năm ấy, hơn 70% “Chiến sĩ mũ sắt” Hà Nội, đang độ tuổi 18, đôi mươi, tham gia trận đánh đầu tiên trên chiến trường đã không kịp trở về nơi trú quân và hơn 135 chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên dãy núi này. Tinh thần chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ Trung đoàn 209 tại Chư Tan Kra (tháng 3/1968), mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quật cường, quyết tâm sắt đá, quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta.
|
Tương tự, với vị trí chiến lược như Điểm cao 1015 và 1049 do Tiểu đoàn Dù số 2 (thuộc Lữ đoàn Dù II) Quân lực Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ là tuyến phòng thủ rất quan trọng của địch. Vì thế, từ ngày 30/3/1972, Trung đoàn Bộ binh 52 và Tiểu đoàn 1 (thuộc Trung đoàn 48), Tiểu đoàn 19 Đặc công thuộc Sư đoàn 320 A, cùng với quân và dân địa phương đã tấn công để tiêu diệt điểm cao, nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ quan trọng này.
Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, ta đã đánh chiếm sở chỉ huy của địch, làm chủ Điểm cao 1049 trong nhiều giờ, tiêu diệt phần lớn Tiểu đoàn Dù số 2. Sau đó, địch tăng cường chi viện từ các điểm cao lân cận, đồng thời dùng máy bay, phi pháo đánh phá dữ dội, nhiều lần phản kích chiếm lại trận địa. Trận đánh tại cao điểm này diễn ra giằng co và vô cùng cam go, khốc liệt. Đến ngày 21/4/1972, Tiểu đoàn Dù số 2 bị tiêu hao phần lớn sinh lực, thất thủ tháo chạy. Bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn 2 điểm cao quan trọng này.
Chiến thắng tại Điểm cao 1015 và 1049 có ý nghĩa rất to lớn, mở màn cho Chiến dịch Xuân- Hè 1972 trên đất Tây Nguyên, phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô của địch, đánh bại âm mưu ngăn chặn của chúng, góp phần quan trọng, tạo thế phát triển cho toàn chiến dịch và tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng Đăk Tô- Tân Cảnh.
Đại tá Nguyễn Thế Tân- nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 kể: Để đánh chiếm được hai điểm cao Sạc Ly và Delta, người lính phải núp trong những cánh rừng rậm, vào ban đêm mới bò dần lên khu vực có 2 ngọn đồi này. Bò ban đêm phải có la bàn và biết xác định tọa độ một cách thủ công, thô sơ nhất. Hành trang mang trong người không chỉ súng đạn, mà còn lương thực. Bởi khi chiếm được điểm cao, địch sẽ tìm cách đánh trả, mà chúng nhắm tới đầu tiên là chặn đường chi viện của hậu cần.
“Để đánh chiếm được 2 điểm cao trọng điểm nhất này, cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt, ta đã tiêu diệt được hàng trăm quân địch, nhưng chúng ta cũng đã có hơn 230 cán bộ chiến sĩ anh dũng hy sinh tại hai điểm cao này. Thắng lợi trên 2 điểm cao này đã chặn đứt hệ thống phòng ngự của địch cho tuyến Quốc lộ 14 này”- Đại tá Nguyễn Thế Tân kể.
Trong những trận đánh đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của ta đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Máu xương của các anh vùi trong lòng đất, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc. Đó là những đau thương, mất mát lớn lao như trời biển. Tất cả chúng ta, sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nghĩa tình đồng đội
Có chiến thắng nào của người lính mà không phải trả bằng những gian lao và sự hy sinh. Trong hai cuộc kháng chiến, trên mảnh đất Kon Tum nơi đây, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào của chúng ta đã ngã xuống. Máu xương thấm đẫm trong từng tấc đất để cho chúng ta có cuộc sống trong hòa bình hôm nay.
Tôi may mắn được gặp trên 200 cựu chiến binh Đại đoàn Đồng Bằng- Sư đoàn 320 qua các thế hệ, đến từ các tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh- Hà Nội- Hải Phòng- Cao Bằng- Ninh Bình- Bắc Ninh- Nam Định- Thanh Hóa và Yên Bái, là những người đã trực tiếp tham gia các chiến trường ở Tây Nguyên; trong đó, có 109 cựu chiến binh là thương binh, nhiều người đã để lại một phần thân thể trên chiến trường Tây Nguyên năm xưa- nay trở về thắp hương tri ân đồng đội. Họ là những nhân chứng sống làm nên những chiến công oanh liệt của bộ đội ta trên đỉnh cao Chư Tan Kra, Sạc Ly này. Gặp lại những đồng đội cũ từng kề vai sát cánh đã hy sinh, những cựu chiến binh đã xúc động, không cầm được nước mắt.
|
Tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy (là nơi quy tụ, an táng 1.415 hài cốt liệt sĩ; trong đó, hầu hết là các liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Mặt trận Tây Nguyên) và tại những điểm cao 995, 1015, 1049, tôi bắt gặp hình ảnh những người cựu chiến binh đã hơn 50 năm mới có dịp quay lại mảnh đất này nghẹn ngào, nước mắt tuôn trào khi thăm lại chiến trường xưa. Khi người cựu chiến binh thắp hương cho đồng đội, họ được thấy trên tấm bia mộ tên người đồng đội từng sống, chiến đấu với mình đã hy sinh năm xưa. Cảm xúc ấy cứ trào dâng trong họ, bởi niềm mong ước trở lại sau hơn 50 năm giải phóng đã được thực hiện. Họ nhẹ nhàng lau tấm bia, đặt bó hoa tươi và thắp nén hương tưởng nhớ người đồng đội của mình trong xúc động và nghẹn ngào.
Đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, ước nguyện của các cựu chiến binh được thăm lại chiến trường xưa đã thành hiện thực. Trở lại chiến trường xưa, ngay cả vị tướng trong chiến đấu gan dạ, không sợ hy sinh như Thiếu tướng Nguyễn Văn Đác- nguyên Chính ủy Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 cũng không cầm được sự xúc động. Đôi mắt vị tướng già đỏ hoe khi cầm nén nhang thắp cho những đồng đội của mình năm xưa đã ngã xuống ngay tại mảnh đất mà ông đã chiến đấu hơn 50 năm về trước.
Nhìn hình ảnh người chiến sĩ năm xưa gan dạ chiến đấu không sợ hy sinh nay được “gặp lại” đồng đội không thể cầm được nước mắt khiến chúng tôi cảm động. Những hình ảnh, lời nói của người đồng đội vui vẻ, thân tình cứ hiện ra trong tâm trí khiến nước mắt người cựu chiến binh cứ tuôn trào, làm đôi mắt họ đỏ hoe. Những di nguyện của người bạn chiến đấu với gia đình đã được họ thực hiện ngay sau chiến tranh kết thúc, nhưng niềm mong mỏi được tận tay đến thắp nén nhang cho đồng đội tại chiến trường xưa phải mất sau 50 năm mới thực hiện được.
Chia sẻ niềm xúc động đó, cựu chiến binh Vũ Văn Khì (75 tuổi, quê ở Hải Dương, từng là chiến sĩ D18- Sư 320 chiến đấu tại các điểm cao 1049, 1015 ở Sa Thầy) tâm sự: Thú thật, nếu Ban liên lạc Sư đoàn không tổ chức thì chúng tôi không có dịp được trở lại nơi này. Đây là lần đầu tiên tôi trở lại chiến trường xưa. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng tôi cũng cố gắng để đi. Vào đây, được nhìn thấy đồng đội, kỷ niệm của người lính chúng tôi òa về càng làm tôi xúc động, không cầm được nước mắt. Đợt trở về chiến trường lần này, tôi rất vui mừng khi được gặp lại 7 người đồng đội cùng tiểu đội đã từng chiến đấu cùng nhau năm xưa trên mảnh đất này. “Với tôi, ước nguyện trở lại chiến trường xưa để thắp nén nhang cho đồng đội đã hy sinh đã thành hiện thực. Giờ đây, có nhắm mắt xuôi tay tôi cũng yên lòng”- cựu chiến binh Vũ Văn Khì chia sẻ.
Các thế hệ người Việt Nam nói chung, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy, Kon Tum nói riêng- sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của những anh hùng, liệt sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; bày tỏ lòng tri ân những cựu chiến binh đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng, để chúng ta có được một đất nước hoà bình, độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Phúc Nguyên