Khởi nghiệp từ mô hình sản xuất tinh bột nghệ
Xuất phát từ mong muốn có một công việc ổn định để vừa chăm lo gia đình, vừa chủ động về tài chính, chị Nguyễn Thị Bông (tổ dân phố 6, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) đã bắt tay khởi nghiệp với mô hình sản xuất tinh bột nghệ. Bắt đầu bằng những mẻ nghệ làm thủ công trong căn bếp nhỏ, chị từng bước gây dựng cơ sở sản xuất riêng và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
|
Chị Nguyễn Thị Bông (sinh năm 1983), từng làm đầu bếp tại một nhà hàng, rồi tạm gác công việc để toàn tâm chăm sóc con cái. Trong thời gian ở nhà, chị luôn trăn trở tìm kiếm hướng đi để vừa có thu nhập, vừa cân bằng cuộc sống gia đình. Một lần về quê, chị được người thân giới thiệu nghề làm tinh bột nghệ, một sản phẩm có giá trị và được nhiều người tin dùng. Nhận thấy đây là hướng đi tiềm năng, chị quyết định học hỏi và thử nghiệm ngay khi trở lại Kon Tum.
Giai đoạn đầu thử nghiệm, do thiếu kinh nghiệm nên không ít lần chị thất bại, sản phẩm bị hư hỏng do quy trình chưa đúng kỹ thuật. Không nản lòng, chị kiên trì tìm hiểu, điều chỉnh từng công đoạn, dần hoàn thiện chất lượng sản phẩm.
|
Khi sản phẩm được thị trường đón nhận, chị đầu tư thiết bị máy móc để nâng cao năng suất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị mạnh dạn mua sắm bộ thiết bị chuyên dụng gồm: máy xay nghệ, máy vắt ly tâm, tủ sấy công nghiệp và máy nghiền bột nghệ. Năm 2018, chị chính thức thành lập Cơ sở sản xuất tinh bột nghệ nguyên chất Bông Lương.
Thời gian đầu, nguyên liệu chủ yếu được nhập từ tỉnh Quảng Trị, nhưng chi phí vận chuyển cao khiến giá thành bị đội lên. Nhận thấy bất cập, chị quyết định mang giống nghệ từ quê vào, vận động bà con địa phương cùng trồng. Ngoài ra, chị còn tìm mua nghệ tươi từ các xã Pờ Y, Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi), xã Tân Cảnh (huyện Đăk Tô) và thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông), từng bước hình thành chuỗi cung ứng nguyên liệu ổn định. Trung bình mỗi năm, cơ sở của chị thu mua khoảng 40 tấn nghệ tươi, góp phần tạo thêm thu nhập cho nhiều hộ dân.
Khi việc sản xuất tinh bột nghệ ổn định, chị Bông tiếp tục khảo sát thị trường và nhận thấy bột sắn dây cũng được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Chị quyết định mở rộng thêm mặt hàng này. Tuy nhiên, do sắn dây không phổ biến tại địa phương nên chị phải nhập nguyên liệu từ tỉnh Nghệ An. Từ thực tế đó, chị trăn trở việc xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ. Hiện nay, chị đang vận động một số hộ dân tại xã Pờ Y trồng thử nghiệm sắn dây, kỳ vọng trong tương lai sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu.
Không dừng lại ở đó, chị còn sản xuất trà gừng, một sản phẩm được thị trường đón nhận tích cực. Gần đây, chị đang nghiên cứu, tìm hiểu cách chế biến tinh bột củ sen để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện tại, tinh bột nghệ và bột sắn dây là hai sản phẩm chủ lực của cơ sở Bông Lương. Nhờ quy trình sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng, sản phẩm của chị ngày càng được khách hàng tin tưởng và lựa chọn. Bên cạnh việc tiêu thụ trong tỉnh, chị chủ động tận dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận với nhiều khách hàng mới. Nhờ đó, tinh bột nghệ và bột sắn dây mang thương hiệu Bông Lương ngày càng được nhiều người biết đến và đặt mua thường xuyên. Hiện, tinh bột nghệ đỏ có giá bán từ 250.000 - 300.000 đồng/kg; tinh bột nghệ đen từ 450.000 - 500.000 đồng/kg; còn bột sắn dây dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg.
Cơ sở sản xuất của chị hiện có 2 lao động thường xuyên chuyên phụ trách sơ chế, sấy và đóng gói sản phẩm. Khi cao điểm, chị thuê thêm lao động thời vụ để kịp tiến độ đơn hàng. Mô hình sản xuất của chị không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người dân quanh vùng.
Với sự kiên trì và nỗ lực, năm 2024, ý tưởng “Sản xuất tinh bột nghệ, bột sắn dây, trà gừng” của chị Nguyễn Thị Bông được công nhận là ý tưởng khởi nghiệp cấp huyện. Hiện nay, chị đang được Hội LHPN huyện Ngọc Hồi hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ để tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh.
Chị Đỗ Thị Như Ý- Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Plei Kần nhận xét: "Chị Bông là tấm gương phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu. Không chỉ xây dựng được thương hiệu riêng, chị còn tạo thêm thu nhập cho nhiều hộ dân. Mô hình của chị mang tính bền vững, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản".
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp, chị Bông hạnh phúc khi những nỗ lực không ngừng nghỉ đã mang lại kết quả. Từ những mẻ tinh bột nghệ đầu tiên, chị từng bước mở rộng sản xuất, khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Dù chặng đường phía trước còn nhiều thử thách, nhưng chị luôn sẵn sàng tiếp tục đổi mới để vươn xa hơn.
Nêl Êban