Sư đoàn 10 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Sư đoàn 10 được Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Đây là 2 trong 5 mục tiêu trọng yếu của Chiến dịch; cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn đã phối hợp cùng với đơn vị bạn chiến đấu anh dũng và giành được thắng lợi to lớn.
|
Trung tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, năm nay tròn 100 tuổi nhớ lại: Cách đây 50 năm đã từng trực tiếp chỉ huy đơn vị và trực tiếp chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến trường miền Nam. Những ngày đầu tháng 4/1975, Quân đoàn 3 được Quân uỷ Trung ương, Bộ Tư lệnh Chiến dịch điều động các đơn vị của Quân đoàn trên Tây Nguyên xuống, sau khi Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Tiến quân đến vùng đất Sài Gòn – Gia định tại sân bay Tân Sơn Nhất, ở đây như một trại lính khổng lồ.
Việc phòng thủ ngoài lực lượng bảo vệ có từ trước, quân ngụy còn tăng cường thêm lực lượng Lữ đoàn Dù 2 và lính biệt khu Thủ đô. Xung quanh sân bay, chúng dựng lên rất nhiều hàng rào và các lô cốt nhằm bảo vệ bằng được mục tiêu quân sự quan trọng này.
23 giờ đêm ngày 29/4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 3 mà trực tiếp Sư đoàn 10 dùng lực lượng đánh chiếm Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu nguỵ, đó là nhiệm vụ chính thức của Quân đoàn.
Đúng 4 giờ 30 phút ngày 30/4, Thiếu tướng Vũ Lăng, Tư lệnh Quân đoàn 3 ra lệnh tiến công. Lúc này, Sư đoàn 10 được lệnh bắn vào Sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy; thiếu tướng Vũ Lăng và Chính uỷ Quân đoàn Đặng Vũ Hiệp đã có mặt tại Sở chỉ huy Sư đoàn 10 để trực tiếp theo dõi và chỉ đạo trong quá trình chiến đấu. Cả Sài Gòn rung chuyển trong tiếng nổ của các loại pháo tiến công
của quân ta. Lúc quân địch đang hoang mang dao động, 5 giờ 30 phút sáng ngày 30/4, Trung đoàn 24 đánh chiếm được ngã tư Bảy Hiền để tiến vào cổng số 5 Sân bay Tân Sơn Nhất. Tại đây, địch bố trí nhiều hoả lực mạnh bắn phá không cho quân ta phát triển chiến đấu. Để đập tan ổ địch ở cổng số 5 sân bay, chỉ huy Trung đoàn 24 quyết định tăng cường chi viên lực lượng của Đại đội 5, Đại đội 7 (Tiểu
đoàn 5), Đại đội 9 (Tiểu đoàn 6) và toàn bộ Tiểu đoàn 4 đi theo cổng số 4 đánh chiếm Bộ Tư lệnh dù, Bộ Tư lệnh không quân địch và các mục tiêu xung quanh.
Trong khi Trung đoàn 24 đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 10 ra lệnh cho Trung đoàn 28 và Tiểu đoàn 2, Trung đoàn xe tăng 273 (đơn vị trực thuộc Quân đoàn 3) lợi dụng bàn đạp của Trung đoàn 24 nhanh chóng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu nguỵ. Đến 10 giờ sáng ngày 30/4, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 28) cùng Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn xe tăng 273) và các đơn vị Công binh, Trinh sát,
Cao xạ cùng đột phá vào cổng chính. Từ trong Bộ Tổng tham mưu nguỵ, xe tăng và bộ binh tiến ra chặn quân ta ở hưởng cổng chính, kết hợp với mũi phản kích từ phía Nam tới. 1 xe tăng địch vừa xuất hiện đã bị xe tăng 815 do Đại đội phó Đỗ Hồng Kỳ chỉ huy bắn cháy; chiếc xe M 113 đi sau hoảng hốt quay đầu bỏ chạy…
Vượt qua cổng chính, xe tăng 982 do Nguyễn Hữu Thìn và xe tăng 815 do Đại đội phó Đỗ Hồng Kỳ chỉ huy dẫn đầu tiến thẳng vào tổng hành dinh quân nguỵ. Lúc này các chiến sĩ của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B thuộc Quân đoàn 1 cũng đã áp sát ngôi nhà. Được sự yểm trợ của xe tăng, lúc 11 giờ 30 phút tổ cắm cờ của Đại đội 10 (Trung đoàn 28) do Nguyễn Duy Tân và Trần Lựu chỉ huy nhanh chóng leo lên tầng cao nhất của ngôi nhà chính Bộ Tổng tham mưu nguỵ cắm cờ. Lá cờ chiến thắng nửa đó nửa xanh, với ngôi sao vàng năm cánh rực rỡ bắt đầu tung bay trên tổng hành dinh quân nguỵ, báo tin toàn thắng đã về ta.
Đánh giá thành tích của Sư đoàn 10 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh nói: “Sư đoàn 10 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói là đặc biệt xuất sắc”.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành được thắng lợi to lớn, thành phố Sài Gòn – Gia định hoàn toàn giải phóng; cả miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn 10 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Duy Hùng