Sáp nhập là để vươn mình trong kỷ nguyên mới
Tối 21 và ngày 22/4, việc lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã được triển khai tới từng gia đình. Theo ghi nhận, đa số người dân đồng tình với chủ trương sáp nhập tỉnh. Đồng thời tin rằng, sáp nhập tỉnh sẽ tạo thêm động lực để vươn mình trong kỷ nguyên mới.
|
Trước đó, ngày 17/4, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký ban hành Kế hoạch số 1293/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Kon Tum năm 2025.
Đối tượng lấy ý kiến là cử tri đại diện hộ gia đình thường trú tại các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh. Nội dung lấy ý kiến cử tri gồm: Đề án sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Kon Tum năm 2025.
Tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và của UBND các huyện, thành phố; niêm yết tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và được tuyên truyền, phổ biến tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố trong thời gian tổ chức lấy ý kiến cử tri.
Về hình thức lấy ý kiến cử tri, căn cứ tình hình thực tế, đặc điểm dân cư ở thôn, tổ dân phố, UBND xã, tổ lấy ý kiến cử tri xem xét, lựa chọn một hoặc kết hợp cả hai hình thức lấy ý kiến cử tri: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri tại từng thôn, tổ dân phố (địa điểm cụ thể do tổ lấy ý kiến cử tri quyết định); Tổ chức lấy ý kiến cử tri tại từng hộ gia đình.
Thời gian tổ chức lấy ý kiến là từ tối 21/4 và ngày 22/4. UBND cấp xã tổng hợp báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri gửi về UBND cấp huyện trong ngày 22/4/2025. UBND cấp huyện tổng hợp báo về Sở Nội vụ trong sáng 23/4/2025.
Tại phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum, việc lấy ý kiến cử tri được triển khai qua hình thức phát phiếu trực tiếp tại từng hộ gia đình.
Chị Phạm Thị Hòa (thành viên tổ lấy ý kiến cử tri thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh) cho hay, từ tối 21/4, các thành viên trong tổ đã phân công nhau đến từng hộ gia đình trong thôn để phát phiếu lấy ý kiến.
Với sự ủng hộ, đồng thuận của người dân, việc phát phiếu và thu phiếu diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Đến trưa 22/4 đã hoàn thành- chị Hòa thông tin thêm.
|
Ông Lê Văn Kế (cán bộ hưu trí ở phường Trường Chinh) đánh giá cao việc tỉnh tổ chức lấy ý kiến người dân về vấn đề hệ trọng này. Ông nói: Tin rằng đa số người dân cũng như tôi, đều thấy việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua, và bây giờ là sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện là quyết định sáng suốt, hợp lý để đưa đất nước phát triển.
Cũng giống như nhiều cán bộ, công chức, viên chức khác, anh Nguyễn Văn Sơn (công chức thanh tra) cũng có băn khoăn, trăn trở việc sáp nhập tỉnh sẽ có tác động đến công việc, cuộc sống và gia đình. Dù vậy, anh lạc quan cho rằng, những khó khăn ban đầu sẽ qua đi, mọi người sẽ thích ứng nhanh với môi trường làm việc mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, đâu cũng là quê hương, ở đâu cũng được cống hiến.
Anh Sơn chia sẻ: Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước. Hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi sáp nhập thì sẽ có một tỉnh mới với lợi thế về vị trí địa lý; mở rộng không gian phát triển của từng tỉnh cũ, tạo thành cấu trúc phát triển hoàn toàn mới, bổ sung lợi thế cho nhau. Nơi những gì Kon Tum thiếu lại chính là thế mạnh của Quảng Ngãi và ngược lại.
Điều mong muốn của chúng tôi là lãnh đạo hai tỉnh hiện nay cần quan tâm bàn bạc, nghiên cứu để có phương án giải quyết tốt các bài toán về bố trí nơi chốn ăn ở, phương tiện đi-về, con cái học hành cho số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh Kon Tum về trung tâm hành chính tỉnh mới làm việc. Vì khi được quan tâm chăm lo tốt thì mới yên tâm công tác được- anh Sơn bày tỏ.
Sau khi đọc xong tài liệu, anh Nguyễn Hữu Trí (thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh) nhanh chóng đánh dấu vào ô “Đồng ý” và ký tên. Anh cho rằng, việc lấy ý kiến người dân về đề án sáp nhập tỉnh đem lại sự đồng thuận, từ đó củng cố khối đoàn kết, không để bị chia rẽ.
Theo anh Trí, sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện là một bước đi quan trọng, giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và đưa chính quyền đến gần dân hơn. Khi sáp nhập tỉnh chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết, cần lấy ý kiến. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến là để tạo đồng thuận, chứ không phải để chia rẽ, mất đoàn kết.
Vì vậy, người dân cần tỉnh táo, không đưa các thông tin bịa đặt, bình luận theo hướng chê bai, đả kích hoặc kích động phân biệt, kỳ thị địa phương, vùng miền, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, gây hoang mang trong dư luận.
Là một doanh nhân, anh Nguyễn Hữu Vinh nhìn nhận, việc sáp nhập tỉnh sẽ đem lại cơ hội phát triển tốt cho cộng đồng doanh nghiệp vì mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn, nhiều tiềm năng hơn.
Ví dụ như sẽ hình thành chuỗi giá trị liên kết từ vùng nguyên liệu ở Kon Tum (nông sản, dược liệu, gỗ rừng trồng) - đến nhà máy chế biến ở Quảng Ngãi - ra cảng Dung Quất - xuất khẩu, mà không cần qua trung chuyển, giúp giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh.
Hay về du lịch, việc kết nối Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (Kon Tum hiện nay) với đảo Lý Sơn, biển Mỹ Khê, cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi hiện nay) sẽ tạo nên sản phẩm du lịch “rừng - biển - đảo” hấp dẫn, đầy tiềm năng. Người dân bản địa cũng được hưởng lợi từ các dịch vụ liên kết.
Có thể thấy rằng, việc lấy ý kiến nhân dân diễn ra thuận lợi, nghiêm túc, đúng tiến độ. Người dân đồng thuận, ủng hộ cao với các phương án sắp xếp, thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng vào một bước phát triển mới sau sáp nhập.
Hồng Lam