Trọn niềm đam mê với đan lát
Ở tuổi 84, già A Đep (làng Kon Krơk, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) vẫn vẹn nguyên đam mê với nghề đan lát. Ngày nối ngày, già cần mẫn tạo ra những chiếc gùi độc đáo, tinh xảo, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo của người Tơ Đrá (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng).
Ở làng Kon Krơk, già A Đep được biết đến bởi tài đan gùi. Gùi của già không có màu sắc sặc sỡ mà chân chất, mộc mạc như chính con người già vậy. Nhiều người biết đến loại gùi này nhờ kiểu dáng và hoa văn trang trí đơn giản nhưng lại rất tinh xảo, độc đáo. Có lẽ nhờ sự khác biệt ấy mà sản phẩm của già được nhiều người ưa chuộng, tìm mua.
Già A Đep kể, ngày trước, không riêng gì gia đình già, cộng đồng người Tơ Đrá ngày ấy, nhà nào cũng có đàn ông biết đan lát. Đan lát với họ như công việc thường ngày, là một phần của cuộc sống. Những ngày theo cha vượt nhiều triền núi tìm nguyên liệu hay những lần được cha chỉ dạy cách đan, A Đep yêu nghề đan, rồi sớm gắn bó với nghề từ năm 15 tuổi.
|
Không chỉ đan gùi giỏi mà già còn cày bừa, làm rẫy, vào rừng sâu hái thuốc. Già A Đep làm tất cả công việc của một chàng trai sơn cước, mạnh mẽ với đất, dũng mãnh với rừng. Nhưng, lạ thay, thứ già yêu thích nhất vẫn là việc đan gùi.
Tỉ mẩn kiểm tra từng đường nét trên chiếc gùi mới đan, già A Đep cho hay, muốn có một chiếc gùi dẻo dai, bền lâu, có thể phơi mình ngoài nắng mưa thì người thợ phải có con mắt tìm nguyên liệu. Những cây tre, cây mây có bề ngoài sần sùi, bạc màu, nằm sâu trong bụi là những cây già thích hợp để đan gùi. Còn những cây tre, cây mây có màu vỏ xanh mơn mởn, thân thẳng đuột, vươn cao, nằm ở rìa bụi thì đa số là những cây non. Những cây này dễ uốn, màu sắc tươi tắn nhưng nhanh khô, dễ mục, không phù hợp để đan lát vật dụng.
Sau chọn nguyên liệu là công đoạn vót tre, chuốt nan để đan gùi. Gùi của người Tơ Đrá có nhiều loại, gùi nhỏ, gùi to tùy vào mục đích. Có loại gùi được đan nan khít, dùng để đựng lúa, đựng gạo, bắp; loại gùi nan thưa dùng để đựng nông sản, đựng củi. Đan loại gùi nào cũng đòi hỏi kỹ năng chẻ và vót nan. Nan cần được vót không quá dày cũng không quá mỏng, dao dùng chuốt nan không được quá sắc hoặc quá cùn thì mới cho ra sợi nan đều, nhẵn, dẻo dai.
Sau khi vót đủ các số nan, già A Đep lựa chọn những sợi nan phù hợp để nhuộm màu. Già vẫn dùng màu tự nhiên để nhuộm. Các màu chủ lực như đen, đỏ, xanh đều được tạo ra từ lá, trái, vỏ một số loại cây rừng nên giữ được độ bền theo thời gian.
|
Giờ đây, khi tuổi cao, sức yếu không thể làm các công việc nặng nhọc, đan lát đã trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình già A Đep. Trung bình mỗi tháng, già đan khoảng 7 - 10 chiếc gùi theo đặt hàng của khách. Mỗi chiếc gùi tùy theo kích thước, kiểu cách có giá bán từ 300 - 600 nghìn đồng.
Để giữ lấy cái nghề mà bản thân đã dành cả cuộc đời sống với nó, già A Đep luôn tận tình chỉ dạy cho những người muốn học nghề. Già cũng tâm sự rằng, việc đan gùi không chỉ tạo ra thu nhập mà còn để tập tính cần mẫn, tìm nguồn an vui và đặc biệt góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Ông A Lũy - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Réo cho biết: “Ở làng Kon Krơk, già A Đep là một trong những người đang nỗ lực bảo tồn và phát huy nghề làm gùi truyền thống của dân tộc. Những chiếc gùi già làm ra rất độc đáo, tinh xảo nên được nhiều người yêu thích, ủng hộ. Xã thường xuyên vận động, tuyên truyền những người biết đan lát tiếp tục phát huy, truyền dạy cho thế hệ trẻ để nghề đan lát được giữ gìn và phát triển hơn nữa”.
Thu Hiền