Phát triển phong trào thể thao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quy hoạch khu vực sân bãi để phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT cho người dân; đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia chơi các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) đã xây dựng khu vực tập luyện thể thao rộng hơn 2ha nằm bên cạnh trụ sở xã. Tại đây, các thầy cô giáo và thanh thiếu nhi ở các làng gần đó thường xuyên đến chơi môn bóng chuyền và bóng đá, vào buổi sáng sớm và buổi chiều mỗi ngày.
Anh A Sơn (25 tuổi, xã Đăk Môn) cho hay: Mỗi ngày sau khi làm rẫy về, chúng tôi đều đến đây để đá bóng. Chơi môn thể thao này, mình rất thích vì được rèn luyện sức khỏe bản thân, hạn chế việc tụ tập bạn bè để uống rượu, vừa tốn tiền vừa có hại cho sức khỏe.
Có dịp đi công tác ở một số xã vùng đồng bào dân tộc thiếu số như Đăk Dục, Đăk Nông (Ngọc Hồi); Đăk Trăm, Pô Kô (Đăk Tô); Ngọc Réo, Đăk Ui (Đăk Hà); Đăk Tờ Lùng, Đăk Kôi (Kon Rẫy); Rờ Kơi, Ya Ly (Sa Thầy)...; chúng tôi nhận thấy nhiều thôn, làng ở các xã này đều có sân bãi phục vụ người dân tập luyện TDTT.
Trò chuyện với chúng tôi, Xiêng Lăng Ka (học sinh lớp 9 Trường THCS xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) cho biết, chiều nào, em cùng các bạn cũng rủ nhau ra sân bãi để đá bóng. “Mỗi khi xã hoặc trường tổ chức giải bóng đá, lớp chúng em đều tham gia và đạt nhiều giải thưởng cao...” – Ka cho hay.
|
Ông Nguyễn Xuân Truyền – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Ngành rất chú trọng phát triển phong trào thể thao quần chúng. Hệ thống các giải thể thao truyền thống của địa phương được hình thành và duy trì đều đặn hàng năm; trong đó, ngành chú trọng phát triển các môn thể thao hiện đại có nhiều người tham gia chơi như bóng đá, bóng chuyền ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, ngành còn quan tâm phát triển các môn thể thao dân tộc như đua thuyền độc mộc, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Số giải thể thao cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh được tổ chức ngày một nhiều, bình quân hàng năm, các xã tổ chức từ 3-5 giải; cấp huyện tổ chức từ 8 - 10 giải và từ 20 - 30 giải thể thao do các ngành cấp tỉnh tổ chức.
Đáng chú ý, qua 8 kỳ tham gia Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, đoàn vận động viên tỉnh Kon Tum luôn giữ vững thành tích toàn đoàn trong tốp 4 so với 32 tỉnh thành phía Nam.
Mặt khác, các môn TDTT quần chúng trong các đối tượng dân cư và trường học phát triển phong phú; nhiều môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được khôi phục. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” luôn gắn kết với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Khỏe để lập thân và giữ nước”, “Xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... và đã đạt nhiều kết quả.
Theo ông Nguyễn Xuân Truyền, số lượng các môn thể thao đã tăng dần theo từng năm, từ 4 môn thể thao ban đầu (năm 1991), đến nay, toàn tỉnh đã có 24 môn thể thao (tính cả môn thể thao dân tộc), tăng 20 môn so với năm đầu tách tỉnh. Mặt khác, ngành đã đưa một số giải thể thao như bóng đá, bóng chuyền thanh niên DTTS cấp tỉnh tổ chức tại các huyện Đắk Hà, Đắk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy... nhằm kích thích phát triển phong trào thể thao tại các địa phương.
Quang Định