Kon Rẫy: Nỗ lực khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong những năm qua, huyện Kon Rẫy đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các xã, thị trấn khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng nghệ thuật văn hóa dân gian như: đàn hát dân ca, hát ru, hát kể sử thi, phục dựng lễ cưới truyền thống, lễ hội mừng nhà rông của dân tộc Ba Na, Xơ Đăng; vận động các nghệ nhân truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ…
Từ rất lâu rồi, ông Đinh Plát ở thôn 4, xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy) không chỉ nổi tiếng với tài chỉnh chiêng giỏi mà còn chịu khó truyền dạy nghệ thuật chỉnh chiêng cho nhiều thanh niên trong làng.
Chia sẻ về việc làm của mình, ông Đinh Plát nói: Ở làng, không còn nhiều người biết chỉnh chiêng nên mình phải có trách nhiệm truyền dạy lại cho bọn trẻ chứ. Nếu không sau này người già như mình chết đi thì lấy ai chỉnh chiêng để bà con dân làng đánh cồng chiêng cho hay được.
|
Cùng với ông Đinh Plát, bà Y Ga ở làng Kon Sờ Lạc, thôn 12, xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn luôn miệt mài với công việc truyền dạy hát dân ca cho con cháu trong làng.
Bà Y Ga chia sẻ nỗi lo: Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển và có rất nhiều cách giải trí, nên lớp trẻ không quan tâm nhiều về văn hóa truyền thống nữa. Vì vậy, tôi phải cố gắng truyền lại những làn điệu dân ca, hát ru, hát giao duyên của dân tộc mình cho con cháu, để qua đó giúp thế hệ trẻ thêm yêu quê hương, yêu bản sắc văn hóa của dân tộc hơn.
Chia sẻ về nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trên địa bàn, bà Đinh Thị Hồng Thu - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết: Trong những năm qua, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các xã, thị trấn khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng nghệ thuật văn hóa dân gian như đàn hát dân ca, hát ru, hát kể sử thi, phục dựng lễ cưới truyền thống, lễ hội mừng nhà rông của dân tộc Ba Na và Xơ Đăng; vận động các nghệ nhân truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ…
Trung bình mỗi năm, trên địa bàn huyện tổ chức được 8 lượt hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp huyện và cấp cơ sở. Trên cơ sở đó, huyện đã chọn các xã có đội cồng chiêng, múa xoang hay nhất tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số do tỉnh tổ chức.
Thông qua hội thi, hội diễn, các nghệ nhân, vận động viên được giao lưu đã giới thiệu, trình diễn những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc mình, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Bên cạnh đó, các nghề thủ công truyền thống của huyện như: đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần truyền thống… cũng được chính quyền các cấp tổ chức khôi phục và truyền dạy cho lớp người trẻ; nhiều di tích văn hóa lịch sử được đầu tư kinh phí trùng tu và tôn tạo; nhiều nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, nhà rông tại các thôn làng cũng đã được đầu tư xây mới và sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân có nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục - thể thao, vui chơi giải trí..., góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở các thôn làng còn phải kể đến vai trò của già làng, trưởng thôn, những người có uy tín trong việc truyền dạy cồng chiêng, múa xoang...
Trong năm 2016, trên địa bàn huyện có 3 nghệ nhân được Nhà nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực truyền dạy và bảo tồn văn hóa cồng chiêng, gồm: A Lít (ở thôn 2, xã Đăk Pne), A Nhất (ở thôn 4, xã Tân Lập), A Hliêk (ở thôn 5, xã Tân Lập). Hiện nay, UBND huyện đang tổng hợp hồ sơ của 28 nghệ nhân trình Hội đồng Thi đua các cấp để công nhận là nghệ nhân ưu tú.
Tính đến nay, toàn huyện Kon Rẫy còn lưu giữ 140 bộ cồng chiêng; 43 đội cồng chiêng với trên 500 nghệ nhân, trong đó có 2 đội cồng chiêng thanh thiếu niên độ tuổi từ 12-16 tuổi của làng Kon Tú và Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có làng Kon Brắp Du là làng văn hóa du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống và 3 di tích lịch sử đã được Nhà nước công nhận gồm Di tích lịch sử chiến thắng Kon Braih, Căn cứ H16, Di tích Phân xưởng luyện gang Quân khu 5.
|
Bà Đinh Thị Hồng Thu cho biết, tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Kon Rẫy tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó lồng ghép tuyên truyền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng để công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị…
Ngoài ra, huyện cũng sẽ tiếp tục xây dựng và phát huy các làng nghề truyền thống, nhằm tạo sản phẩm địa phương phục vụ nhu cầu của khách du lịch; huy động các thành phần kinh tế, các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư bảo tồn các giá trị di sản văn hóa dân tộc, trong đó chủ yếu là hỗ trợ xây dựng các mô hình làng nghề truyền thống, phục dựng các lễ hội; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống như: liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, hội thi tạc tượng, hội thi văn hóa dân gian gắn với các sự kiện lịch sử của huyện, của tỉnh và cả nước nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn…
Bài, ảnh: Vĩnh Hà