Kon Rẫy - Điểm sáng trong bảo tồn nhà rông truyền thống
Trong khi ở các địa phương khác, nhà rông dần bị bê tông hóa, tôn hóa thì huyện Kon Rẫy lại là điểm sáng trong công tác xây dựng, phục hồi, bảo tồn, giữ gìn và phát huy nhà rông truyền thống.
Huyện Kon Rẫy có 56 thôn, trong đó có 41 thôn đồng bào DTTS. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 nhà dài (công năng sử dụng như nhà rông) tại 2 xã Đăk Ruồng và Đăk Tờ Re, 1 nhà rông có mái lợp tôn (thôn Kon Plo, xã Đăk Kôi), còn tất cả các thôn làng còn lại đều làm nhà rông theo kiến trúc truyền thống với nguyên vật liệu hoàn toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá.
|
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi về xã Đăk Tờ Re và được biết, tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng bà con người Ba Na, Xê Đăng (nhánh Tơ Đrá) vẫn cố gắng bỏ ra nhiều công sức để xây dựng, bảo tồn nhà rông truyền thống.
Sau mấy cơn bão xảy ra liên tiếp vào cuối năm 2014, nhà rông làng Kon Dơ Xing (thôn 8) bị tốc mái, hư hỏng khá nặng. Để có chỗ cho bà con họp hành, tổ chức các lễ hội và các sự kiện trọng đại của cộng đồng, già làng, thôn trưởng họp dân, bàn giải pháp xây dựng nhà rông mới.
Già làng Kon Dơ Xing - ông A Winh cho biết: Để làm nhà rông mới, chúng tôi phân công đàn ông đi lên rừng chặt cây, tre, lồ ô, nứa; đàn bà đi cắt tranh, lá cọ. Bây giờ nguyên liệu tự nhiên khan hiếm nên góp nhặt mãi gần một năm mới đủ vật liệu làm nhà rông. Chọn được ngày tốt, bà con trong làng mỗi người mỗi việc, chung tay góp sức làm trong 2 tháng mới xong nhà rông mới. Nhà rông hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2015, tốn khoảng 7.000 - 8.000 ngày công lao động.
|
Ông A Nguy - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho hay: Do ngân sách eo hẹp nên chính quyền xã chỉ hỗ trợ cho thôn Kon Dơ Xing 2,5 triệu đồng để mua đinh, dây thép, kẽm, nước uống cho bà con khi làm nhà rông. Những làng khác cũng thế, khi bà con làm mới hoặc sửa chữa nhà rông bị hư hỏng, xã cũng chỉ hỗ trợ được cho mỗi thôn từ 2-5 triệu đồng/nhà rông. Xã có 12 thôn, trong đó có 10 thôn đồng bào DTTS. Trong 10 thôn này, 7 thôn có nhà rông truyền thống và 3 thôn xây dựng nhà dài (mái lợp ngói). Công sức làm nhà rông chủ yếu là do bà con trong làng tự nguyện, bởi người dân đã ý thức được việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Còn ở xã Đăk Tơ Lung có 8 thôn đồng bào dân tộc Xê Đăng (nhánh Tơ Đrá) với 594 hộ, 2.327 nhân khẩu. Hiện tại, mỗi làng ở đây đều có nhà rông và được xây dựng theo nguyên mẫu truyền thống. Tất cả nguyên vật liệu làm nhà rông đều bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá.
Ông Nguyễn Trọng Phấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: Chính quyền phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân cố gắng giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng, các lễ hội, phong tục, tập quán; xã còn quan tâm hỗ trợ bà con xây dựng và sửa chữa các nhà rông theo kiến trúc truyền thống với định mức xây mới 70 triệu đồng/nhà, sửa chữa 20 triệu đồng/nhà, từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhà rông Kon Vi Vang (xã Đăk Tơ Lung) được bà con xây dựng, sử dụng đã hàng chục năm nay. Hàng năm, sau mỗi đợt mưa bão, nhà rông bị hư hỏng, xuống cấp. Tuy bà con đã sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn không đảm bảo cho các hoạt động của cộng đồng. Hơn nữa, nhà rông được xây dựng tại khu đất khá chật chội, trong khi đó dân cư ngày càng tăng, cần phải tìm một địa điểm rộng rãi hơn để làm nhà rông mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao ngày càng cao cho người dân trong làng.
Trò chuyện với chúng tôi, thôn trưởng Kon Vi Vang - ông A Ngõa cho biết: Để làm nhà rông mới, thôn đã họp dân, chọn địa điểm, thống nhất đề nghị xã hỗ trợ kinh phí, người dân bỏ ngày công khai thác nguyên vật liệu để làm. Sau khi UBND xã chấp nhận, ngay từ đầu năm 2016, thôn phân công thanh niên lên rừng chặt tre, nứa, phụ nữ cắt tranh, lá cọ. Sẵn có một số cây gỗ vớt được trên sông sau các đợt mưa lũ, chuẩn bị đầy đủ vật liệu sau hơn 5 tháng tìm kiếm, ngày 10/8 khởi công làm nhà rông mới, đến ngày 21/9/2016 hoàn thành và đưa vào sử dụng.
|
“Có được nhà rông mới to đẹp như hôm nay, bà con trong làng mừng lắm, không tiếc công sức của mình đã bỏ ra với gần 8.000 ngày công lao động; trong đó UBND xã hỗ trợ 70 triệu đồng để bà con mua thêm gạo, mắm, nước uống, đinh, dây kẽm... trong quá trình làm nhà rông” - A Ngõa cho biết thêm.
Vậy đâu là “bí quyết” để huyện Kon Rẫy thực hiện tốt công tác bảo tồn nhà rông truyền thống? Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Lạc – Phó Bí thư Huyện ủy cho biết: Huyện đã quan tâm chỉ đạo các xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các nghị quyết về bảo tồn và phát triển văn hóa, đặc biệt là Chỉ thị 21/CT-UB (ngày 25/11/1999) của UBND tỉnh về việc duy trì và khôi phục nhà rông truyền thống vùng đồng bào các DTTS. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân đã nhận thức được công tác bảo tồn nhà rông truyền thống là việc làm thường xuyên của họ, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, lễ hội, thể thao cho cộng đồng dân cư.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên