Bảo tồn và phát triển nhà rông vùng đồng bào DTTS: Thực trạng và những vấn đề đặt ra
Đối với đồng bào DTTS, nhà rông có một vị trí quan trọng trong cuộc sống. Nhà rông là nơi để người dân tụ họp, bàn các việc hệ trọng của làng; là nơi tổ chức các lễ hội, địa điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao của cộng đồng. Việc xây dựng nhà rông ở tỉnh Kon Tum lâu nay được thực hiện như thế nào; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của nhà rông được thực hiện ra sao? Để trả lời những câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thị Trung - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Công tác xây dựng nhà rông trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 445 nhà rông truyền thống của các làng vùng đồng bào các DTTS, chưa tính các công trình có kết cấu như nhà rông, được xây dựng làm cảnh quan hoặc nhà sinh hoạt văn hóa tại trung tâm huyện, xã như nhà rông trung tâm các huyện Sa Thầy, huyện Đăk Tô, huyện Tu Mơ Rông, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum)... có kết cấu cột, sàn bằng bê tông cốt thép.
Trong số nhà rông hiện có, có khoảng 77,4% nhà rông xây dựng bằng vật liệu gỗ, tranh, tre, nứa, lá theo đúng nguyên mẫu (344/445 nhà rông); 22,6% nhà rông xây dựng bằng các vật liệu bê tông, sắt, thép. Theo thống kê sơ bộ, số nhà rông làng xây dựng bằng vật liệu hiện đại trên địa bàn tỉnh là 101/445 nhà rông; trong đó chiếm đa số có kết cấu sàn, vách bằng gỗ nhưng lợp tôn.
|
Trong số 582 làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, còn 137 làng chưa có nhà rông truyền thống. Tuy nhiên, việc thiếu vắng nhà rông tại một số làng này là do đã có 89 nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng từ nguồn kinh phí của các dự án giảm nghèo, chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông.
Theo đánh giá của đồng chí, địa phương nào quan tâm làm tốt công tác huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, khôi phục nhà rông truyền thống?
Từ năm 2010 đến nay, số nhà rông xây mới tăng chậm so với giai đoạn 2002-2008. Bình quân mỗi năm, các làng vùng đồng bào DTTS xây dựng mới khoảng 35 nhà. Một số địa phương có chính sách hỗ trợ mang tính khuyến khích, động viên ý thức phát triển và bảo tồn nhà rông truyền thống. Tỷ lệ nhà rông lớn nhất so với số làng đồng bào DTTS là các huyện Đăk Hà, Đăk Tô; đặc biệt là Kon Rẫy với 100% số làng có nhà rông, thậm chí có làng có tới 2 nhà rông. Một số nơi như huyện Sa Thầy, do nguồn nguyên liệu tự nhiên như tranh, tre, nứa, lá khan hiếm, bà con phải vận động đóng góp và xin tài trợ các đơn vị đứng chân trên địa bàn xã, nguồn của huyện khoảng 30-40 triệu đồng để mua tôn lợp cho nhà rông.
Qua 18 năm (1999-2017) thực hiện Chỉ thị 21 của UBND tỉnh về việc duy trì và khôi phục nhà rông truyền thống vùng đồng bào DTTS, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?
Do ngân sách tỉnh còn khó khăn nên việc đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho nhân dân trong quá trình xây dựng nhà rông rất ít, phần lớn là do dân tự vận động đóng góp công, của tạo dựng nên. Mỗi nhà rông được quy ra tiền mặt từ công lao động, trị giá nguyên vật liệu cùng với tiền nước uống, làm lễ khánh thành do nhân dân đóng góp, các khoản hỗ trợ từ các đơn vị và chính quyền, bình quân mỗi nhà rông có tổng trị giá từ 300-500 triệu đồng. Cá biệt, một số nơi do không đủ gỗ đúng tiêu chuẩn làm cột, kèo, phải đi mua ở các doanh nghiệp kinh doanh gỗ hợp pháp thì trị giá vượt lên trên 600 triệu đồng/nhà rông.
Hơn nữa, nguyên vật liệu tự nhiên ngày càng thưa thớt, khan hiếm dần, có nơi không đủ để làm. Khó khăn nhất là gỗ để làm cột, mỗi nhà rông tối thiểu có 8 trụ gỗ thuộc nhóm 1 chịu được ẩm ướt, mối dưới lòng đất, đó là gỗ cà chít. Tại những vùng không có rừng nguyên sinh, cỏ tranh hầu như bị tuyệt diệt. Có đến 92% số nhà rông ở huyện Sa Thầy phải lợp mái bằng tôn vì không còn cỏ tranh để thay mái.
|
Thưa đồng chí, để khôi phục và phát triển nhà rông truyền thống (đảm bảo mỗi làng có 1 nhà rông) nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào DTTS, trong thời gian tới, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch có giải pháp hay kiến nghị, đề xuất gì đối với các cấp, ngành?
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch kiến nghị Trung ương tạo cơ chế, chính sách, huy động ngân sách nhà nước ở mức tương đối để hỗ trợ đáp ứng đủ nhu cầu cho việc xây dựng mới và chi phí cải tạo sửa chữa nhà rông xuống cấp trên địa bàn tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khai thác gỗ để sử dụng làm nhà rông vì hiện nay có nhiều huyện không còn một nơi nào có thể tìm được cây gỗ đủ kích thước để làm nhà rông. Bên cạnh đó, sử dụng kinh phí trong "Đề án cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014-2020" ưu tiên cho việc cải tạo, sửa chữa nhà rông xuống cấp, đặc biệt là xây dựng nhà rông theo nguyên mẫu của đồng bào DTTS, thay thế nhà sinh hoạt cộng đồng đã xuống cấp tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông; đồng thời hỗ trợ bà con xây dựng nhà rông mới tại một số làng chưa có nhà rông, tiến tới đạt tỉ lệ 100% làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có nhà rông vào năm 2020.
Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục hỗ trợ để sửa chữa một số nhà rông xuống cấp tại các vùng khó khăn bằng kinh phí các dự án của Trung ương dành cho tỉnh, vận động sự ủng hộ của các nguồn xã hội hóa hợp pháp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng duy trì nhà rông truyền thống; chủ động phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách ưu tiên cho việc phát triển nhà rông truyền thống như kinh phí hỗ trợ, khai thác nguyên vật liệu từ thiên nhiên để duy trì nét văn hóa truyền thống của nhà rông làng...
Xin cảm ơn đồng chí!
Cao Cường (thực hiện)