Huyện Đăk Hà quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc
Không chỉ đi đầu xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Kon Tum, huyện Đăk Hà còn là điểm sáng tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quan tâm triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của huyện vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp thiết thực tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này.
Tháng 10 năm nay, Kon Jong là một trong hai làng đồng bào Xơ Đăng của xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) tổ chức bế giảng lớp truyền dạy cồng chiêng - xoang cho thanh thiếu niên. Chương trình biểu diễn báo cáo kết quả học tập của hơn 30 học viên, hầu hết là học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở địa phương thu hút đông bà con đến xem, ghi nhận.
Nghệ nhân ưu tú A Nian - một trong hai nghệ nhân ở làng Kon SơTiu được mời đến trực tiếp chỉ dạy, hướng dẫn các em đánh cồng chiêng và múa xoang cho hay: Trong thời gian 3 tháng, thứ 7, Chủ nhật nào chúng tôi cũng đến lớp, cố gắng chỉ dạy cho các cháu. Muốn các cháu đến lớp đông đủ, vận động bằng cái miệng thôi chưa đủ, phải cho các cháu thấy vui và hứng thú nữa mới được.
Em A Tuấn ở làng Kon Jong, học sinh Trường Phổ thông bán trú THCS xã Ngọc Réo tham gia lớp học phấn khởi: Ông bà nhiệt tình lắm, luôn chỉ dạy cho chúng con kỹ lưỡng, giải thích dễ hiểu và thường xuyên cho tụi con được thực hành đánh chiêng. Hiện tại, thành thạo nhất là bài chiêng Mừng lúa mới, Mừng nhà Rông mới.
Ông Nguyễn Đình Mười - Chủ tịch UBND xã Ngọc Réo cho biết: Lĩnh vực văn hóa nói chung và bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng được Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, UBND xã Ngọc Réo phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã mở 7 lớp cồng chiêng cho thanh thiếu niên. 6/7 thôn, làng của các đã gây dựng và duy trì hoạt động của đội cồng chiêng - xoang. Đội cồng chiêng - xoang thiếu nhi làng Kon Sơ Tiu, Đăk Phía trở thành điểm sáng, gặt hái nhiều thành công khi tham gia các hội diễn, hội thi, sự kiện văn hóa do các cấp, ngành tổ chức.
|
Huyện Đăk Hà có 11 xã, thị trấn với hơn 72 ngàn dân, trong đó 54% là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc được HĐND huyện khóa IV thông qua và UBND huyện có kế hoạch chỉ đạo tiến hành là giải pháp tích cực nhằm tiếp tục phát huy kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Ông A Kây - Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Hà cho biết: Thực hiện Nghị quyết của HĐND và Kế hoạch của UBND huyện Đăk Hà về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn, từ đầu năm 2018 đến nay, ngành Văn hóa Thông tin huyện đã phối hợp với các địa phương mở 12 lớp truyền dạy văn hóa dân tộc và nghề truyền thống. Trong đó, ngoài 7 lớp dạy cồng chiêng - xoang tại các xã Ngọc Réo, Đăk Mar, Đăk Long, Đăk Psi, Đăk Ui; còn có các lớp chế tác nhạc cụ bằng tre nứa, chỉnh chiêng, dạy đan lát, dệt thổ cẩm tại xã Đăk Long, Đăk Mar và thị trấn Đăk Hà. Thời gian qua, huyện cũng đã trích ngân sách địa phương mua sắm, trao tặng 6 bộ cồng chiêng cho 6 thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, mỗi bộ trị giá 40 triệu đồng.
“Kết quả thực hiện Nghị quyết số 11 của HĐND huyện Đăk Hà khóa IV đáng ghi nhận nhất là công tác bảo tồn văn hóa dân tộc được quan tâm chú ý và tạo chuyển biến tích cực tại tất cả các xã, thị trấn. Thanh thiếu niên, nhất là học sinh tiểu học, trung học cơ sở rất yêu thích, hăng say tập luyện, biểu diễn cồng chiêng - xoang. Các lớp chế tác nhạc cụ dân tộc được tổ chức cũng thu hút khá đông thiếu niên tham gia.”- ông A Kây ghi nhận.
Tính chung từ năm 2015 đến nay, huyện Đăk Hà đã mở 28 lớp dạy cồng chiêng - xoang cho thanh thiếu niên, mỗi lớp phổ biến 20 - 30 học viên. 42/60 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số lưu giữ được cồng chiêng và thành lập đội cồng chiêng - xoang. Huyện phấn đấu đến năm 2020, 90% số thôn, làng có đội cồng chiêng thanh thiếu niên, cùng chung tay gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Thanh Như