Hun đúc đam mê văn hóa truyền thống cho học sinh
Những điệu nhảy, điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển hòa quyện cùng tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang được những học sinh đồng bào dân tộc Xơ Đăng từ Mầm non, Tiểu học đến Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông biểu diễn như những nghệ nhân thực thụ. Kết quả đó là sự kiên trì của những nghệ nhân truyền dạy và sự quyết tâm của các trường học trong việc hun đúc niềm đam mê văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
Trao đổi với phóng viên, thầy Lê Văn Hoàng- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn có 12/24 đơn vị trường học từ bậc Mầm non đến THCS tổ chức dạy cồng chiêng cho học sinh. Các trường học chủ động mời nghệ nhân, già làng về truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho các em. Đối với trẻ mầm non các em được làm quen với động tác múa xoang đơn giản, những em lớn hơn thì được chỉ dạy bài bản và có thể đánh nhiều bài cồng chiêng khác nhau.
“Thời gian đầu các em chưa thật sự đam mê, nhưng dần dần yêu thích và nhiệt tình tham gia biểu diễn trong những buổi chào cờ, hoạt động ngoại khóa. Đơn vị cũng khuyến khích nhà trường, gia đình trang bị trang phục truyền thống cho giáo viên, học sinh để lưu giữ nét đẹp này”- ông Hoàng nói.
|
Để lưu giữ văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng, thời gian qua, Trường THCS Bán trú DTTS Tu Mơ Rông mời nghệ nhân về giảng dạy cho học sinh. Đây là một trong những trường học đầu tiên của huyện chủ động mời nghệ nhân đến dạy văn hóa truyền thống cho học sinh. Trường THCS Bán trú DTTS Tu Mơ Rông bắt đầu mời nghệ nhân A Phênh (thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà) giảng dạy cho các học sinh từ năm học 2021-2022 cho học sinh lớp 8 và lớp 9 trong trường. Cho đến nay, nhà trường đã mở được 3 lớp với gần 150 học sinh được học cồng chiêng, múa xoang.
Thầy Trần Mạnh Thùy- Hiệu trưởng Trường THCS Bán trú DTTS Tu Mơ Rông cho hay, những năm qua nhà trường rất quan tâm đến việc lưu giữ nét văn hóa cồng chiêng của người Xơ Đăng trên địa bàn. Do đó đơn vị đã mời nghệ nhân về giảng dạy cho các em. Từ những học sinh biết đánh cồng chiêng, nhà trường sẽ nhờ các em hướng dẫn cho bạn khác. Qua đó, lan tỏa nét đẹp truyền thống để văn hóa cồng chiêng mãi được lưu truyền trong thế hệ trẻ.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mời nghệ nhân A Phênh truyền dạy đánh cồng chiêng, múa xoang cho các em lớp 6 và lớp 7 để luôn duy trì lúc nào cũng có một đội cồng chiêng, xoang của nhà trường”- thầy Thùy cho hay.
Tương tự, nhằm truyền ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng tại xã, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-THCS Măng Ri cũng đã mời những nghệ nhân về truyền dạy cồng chiêng cho học sinh trong trường. Nhờ đó, đến nay, đã có hàng chục học sinh trong trường biết đánh cồng chiêng và nhà trường cũng đã thành lập được đội cồng chiêng xoang học sinh.
|
Em A Quang (lớp 9A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-THCS Măng Ri) là một trong những học sinh biết đánh cồng chiêng cũng nhờ những nghệ nhân truyền dạy ở trường. Đến nay, A Quang cũng có hơn 2 năm đánh cồng chiêng. Hiện, A Quang đã thuộc được một số bài chiêng cổ mà các nghệ nhân truyền dạy.
Chia sẻ với phóng viên, A Quang cho biết: Khi mới bắt đầu học em thấy khá khó vì không cảm được nhịp chiêng. Sau nhiều lần tập nhưng vẫn không thể đánh được cồng chiêng nên nhiều khi nản lòng, muốn từ bỏ. Nhưng được sự động viên, chỉ bảo nhiệt tình của các nghệ nhân, già làng, thầy cô giáo, em đã dần quen và thấy yêu thích giai điệu mộc mạc, gần gũi này.
“Gia đình em không ai biết đánh cồng chiêng nên khi em làm quen rất khó khăn vì không có người kèm cặp. May mắn nhà trường tạo điều kiện, nghệ nhân tận tình hướng dẫn nên em cũng quen với nhịp cồng, tiếng chiêng. Trong những buổi lễ hay hoạt động ngoại khóa, thầy cô luôn tạo điều kiện để chúng em được thể hiện giai điệu cồng chiêng, các bạn nữ thì múa xoang. Càng học em càng bị thu hút và muốn nỗ lực để đánh được nhiều bài chiêng. Em rất vui, tự hào khi bản thân có thể lưu giữ nét đẹp truyền thống của cha ông. Sau này em sẽ dạy lại cho em trai để phát huy nét đẹp của dân tộc”- A Quang bộc bạch.
Theo thầy Lê Văn Hoàng, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường từ bậc Mầm non đến THCS truyền dạy cồng chiêng, múa xoang và nhiều nét đẹp truyền thống cho học sinh. Từ đó, tạo điều kiện để các em trải nghiệm, mang lại hứng thú cho học sinh khi đến trường. Đồng thời, Phòng cũng sẽ huy động các nguồn lực trang bị cồng chiêng cho trường học nhằm lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng để lớp trẻ hiểu hơn về cội nguồn của dân tộc. Bên cạnh đó thường xuyên tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa cồng chiêng gắn với việc truyền bá, giới thiệu nét đẹp truyền thống đến du khách gần xa.
Phúc Nguyên