“Độc đáo” bánh quê
Với niềm đam mê, yêu thích làm bánh dân gian truyền thống, chị Phạm Thị Tuyết Vân (35 tuổi) ở phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum đã khởi nghiệp thành công với nghề làm bánh quê mang thương hiệu “Bánh quê dì Vân”.
Hiện tại, các sản phẩm “Bánh quê dì Vân” đã được phân phối rộng rãi tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Với 4 công lao động (chị Vân và 3 lao động thuê), trung bình mỗi ngày, cơ sở bánh quê của chị Vân cung ứng ra thị trường gần 300 bánh da lợn, hơn 1.000 bánh bò các loại, mang lại thu nhập khoảng 5 triệu đồng mỗi ngày (chưa trừ các chi phí).
Chị Vân tâm sự: Trong những lần đi dạo hội chợ thương mại và xem các lễ hội bánh dân gian trên mạng xã hội, tôi nhận thấy ẩm thực có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, những chiếc bánh cổ truyền của dân tộc dường như đang bị lãng quên. Với mong muốn mang hương vị độc đáo của bánh quê đến cho tất cả mọi người, tôi nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp từ việc tạo ra sản phẩm bánh quê cung ứng cho thị trường.
|
Nghĩ là làm, chị Phạm Thị Tuyết Vân bắt tay vào triển khai ý tưởng của mình chính bằng sự chuẩn bị bài bản từ khâu học hỏi kỹ thuật làm bánh, sắm trang thiết bị cần thiết. Từ tháng 7/2024, chị tham gia lớp học nghề làm bánh quê và sắm trang thiết bị, đồ dùng để bắt đầu công việc kinh doanh, thực hiện ước mơ gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam.
“Sản phẩm bánh quê khá đa dạng, bao gồm bánh da lợn, bánh bò hấp rễ tre, bánh bò nướng rễ tre, bánh bò thốt nốt, bánh bò kẹp dừa, bánh chuối hấp. Các sản phẩm bánh quê không sử dụng các chất bảo quản; màu bánh được tạo từ các loại rau, củ, quả như thanh long, lá cẩm, hoa đậu biếc nên an toàn và tốt cho sức khoẻ của người sử dụng. Tôi rất vui mừng vì sản phẩm “Bánh quê dì Vân” được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, ưa thích sử dụng ngay từ những ngày đầu kinh doanh”- chị Vân bộc bạch.
Tới thăm cửa hàng của chị Vân nằm trên đường Lê Hồng Phong (thành phố Kon Tum), chúng tôi cảm nhận được sự tâm huyết và vất vả của những người làm bánh quê.
Theo chị Vân, ngoài đam mê, người làm bánh quê phải rất chịu khó bởi công việc đòi hỏi nhiều thời gian, phải thức khuya, dậy sớm để đảm bảo đúng quy trình làm bánh, kịp thời cung ứng sản phẩm ra thị trường mỗi ngày.
Như với “bánh bò rễ tre hấp”, việc làm bánh trải qua nhiều công đoạn. Thông thường vào 20h tối, chị Vân dùng bột gạo lọc trộn đều với bột năng, nước dừa, cơm rượu (đã lên men trước đó 2 ngày) theo tỷ lệ thích hợp rồi đưa đi ủ trong vòng 4 tiếng. Sau đó, chị Vân mang hỗn hợp đã ủ đảo trộn với nước đường phèn và ủ thêm 3 tiếng nữa. Thời điểm 3h-5h sáng mỗi ngày, chị Vân cùng các nhân viên lọc hỗn hợp bột qua rây, đưa bột vào khuôn và tiến hành hấp bánh trong lò. Đến sáng sớm, chị Vân đóng bánh vào hộp để nhân viên đưa đi phân phối sản phẩm đến các tiểu thương trên địa bàn toàn tỉnh.
|
Công đoạn để làm ra các loại bánh quê khác cũng mất nhiều thời gian và công sức. Theo quy trình làm bánh da lợn, người làm bánh phải chăm chút, quan sát và điều chỉnh tỷ lệ cẩn thận từng khâu. Đối với lớp da lợn, người làm bánh tiến hành rửa sạch lá dứa, xay mịn và vắt lấy nước. Nước lá dứa tiếp tục được hoà trộn với nước cốt dừa, bột năng, đường theo tỷ lệ phù hợp. Quy trình làm lớp đậu xanh gồm các công đoạn như nấu chín hạt đậu xanh đã cà vỏ; tiếp đó, xay nhuyễn đậu xanh và đảo trộn với nước cốt dừa, đường, muối. Các lớp bánh được hấp chín trong khuôn, xếp đan xen với nhau để tạo thành bánh da lợn 5 lớp.
Theo các khách hàng cho biết, “Bánh quê dì Vân” có hình dáng đẹp, đa dạng màu sắc như trắng, xanh, tím, hồng, vàng. Các loại bánh được chứa đựng trong các hộp được thiết kế bắt mắt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điểm riêng biệt, khác lạ của “Bánh quê dì Vân” chính là nước cốt dừa để dùng chung với bánh. Hương vị nước cốt dừa có độ mặn, độ ngọt, độ béo, hương thơm hoàn hảo, giúp nâng tầm tất cả các loại bánh quê.
Trong thời gian đến, chị Phạm Thị Tuyết Vân ấp ủ dự định mở rộng quy mô phát triển thêm các cửa hàng bán lẻ để có thể cung ứng tốt hơn nữa nhu cầu của khách hàng trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng doanh thu từ sản phẩm “Bánh quê dì Vân”.
Tấn Lộc