Cà kê với phố
Gã muốn cà kê một chút, muốn kể lại một chút câu chuyện của mình với thành phố bên sông mà mình yêu quý, gắn bó nhiều năm qua, dù rằng có thể đó là một câu chuyện rời rạc, chắp vá và lan man.
Nhưng gã tin rằng, người đọc cũng thông cảm mà bỏ qua cho. Vì đây vốn không phải một bài viết thông thường, theo khuôn mẫu thông thường, mà là bài viết “văn nghệ”, nên mang theo cảm xúc cá nhân.
Với Kon Tum, gã là dân nhập cư- như hàng trăm, hàng ngàn người từ nơi khác tìm đến và gắn bó với thành phố trẻ bên sông này. Nhưng dù là thế thì phố núi đã cùng gã đi qua những thăng trầm trong lứa tuổi đẹp nhất của một đời người- tuổi hoa niên.
Vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi gã luôn tự hào gọi thành phố Kon Tum là “phố của tôi”.
Gã vẫn nhớ buổi chiều đầu tiên đặt chân đến Kon Tum. Trong lúc chờ người thân đến đón, gã thả bộ trên cầu Đăk Bla thì có một bất ngờ thú vị: Trời đang trong xanh, bỗng mưa tới ngon lành. Và cô gái bán quán nước đã sẵn sàng cho gã mượn chiếc ô của mình.
|
Tháng Tám, dòng Đăk Bla đỏ một màu phù sa. Sau này, gã mới hiểu rằng, với đất Kon Tum, với người dân Kon Tum, dòng Đăk Bla là niềm tự hào, là biểu hiện của tình yêu lớn lao mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho vùng đất nhiều nắng gió này.
Đã bao đời này, dòng Đăk Bla hiền hòa vỗ về, tưới tắm cho những bãi bồi quanh năm tươi tốt; là nguồn nước và cũng là nguồn sống của hàng chục ngàn hộ dân sinh sống hai bên bờ.
Ngày ấy, bờ Bắc của sông là phố, tuy còn khá khiêm tốn, nhưng cũng đã có những gì mà một thị xã nên có. Nhất là những ngôi nhà và những con đường mềm mại, dịu dàng, không xô bồ náo nhiệt nhưng cũng không quá lỗi thời, lạc nhịp.
Còn bên bờ Nam là làng, phủ kín màu xanh của vườn tược, đơn sơ mà thanh bình lắm. Những khu vườn ấy mang trong mình câu chuyện dài về sự lo xa của người xưa.
Này nhé, khi trồng cây trong vườn, dân làng không bao giờ độc canh, bởi quan niệm mùa nào thức nấy, mùa nối tiếp mùa, trái nối tiếp trái, lúc nào trong vườn cũng có thể thu hái phục vụ nhu cầu tối thiểu của đời sống.
Mấy ngày nay chuyển Thu, trời hay mưa, nhưng không ngăn được những chuyến rong ruổi của gã. Chạy xe lòng vòng mà ký ức chậm rãi trở về như những thước phim quay chậm.
Đi trên đường Hồ Chí Minh dẫn vào thành phố hôm nay rộng thênh thang, uốn lượn qua những sườn núi bạt ngàn màu xanh lại nhớ đến chuyến xe của hơn 20 năm trước nhọc nhằn bò trên đường 14 ngập trong bụi trắng, quanh co theo sườn núi. Khách trên xe lắc qua lắc lại, xương cốt “răng rắc” theo từng vòng quay của bánh xe.
|
Từ một thị xã “xép”, đô thị Kon Tum “lên phố” từ năm 2009, và 15 năm sau cuối năm 2023, thành phố Kon Tum thành đô thị loại II, dần mang dáng dấp của một đô thị năng động, hiện đại. Người đông hơn, phố xá chật chội hơn. Không gian phố đổi thay nhiều; những ngôi nhà chật hẹp, thấp lè tè đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi.
Ngay cả những bãi bắp nếp ven sông, bên chân cầu Đăk Bla, cũng đã biến mất. Thay vào đó là một khu đô thị mới, với những ngôi nhà đẹp đẽ sẽ đứng soi bóng bên dòng sông.
Âu cũng là bước phát triển tất yếu của một đô thị trẻ. Giống như con đường Bạch Đằng lúp xúp cây cỏ, ngập ngụa bùn đất năm xưa đã được trải nhựa phẳng phiu, trở thành điểm thư giãn có tiếng với nhà hàng, khách sạn, quán cà phê. Không thể giữ tấm áo quá cũ cho một cơ thể cường tráng hơn.
Gã đã từng lo rồi đây, sẽ có sự xung đột văn hóa- như cách nói của các nhà nghiên cứu- giữa một bên là phố chợ, sầm uất quán xá, với một bên là những nông dân không rời bỏ ruộng đồng.
Nhưng khi nhìn những đụn rơm cao lút đầu, con bò cột bên gốc dừa, và những khu vườn tạp với đủ thứ cây trái vẫn còn thì lại thấy yên lòng. Dù sức ép đô thị hóa ngày càng đè nặng, dù thay đổi chóng mặt, nhưng làng vẫn tồn tại, vẫn giữ được bản sắc văn hóa.
Những Kon Rờ Bàng, Plây Tơ Nha, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn… vẫn rất gần. Chỉ cần quặt vào bất cứ một con đường nhỏ nào đó là ta đã hòa mình vào đời sống của người dân hiền hòa, chất phác.
Rồi những Phương Quý, Phương Hòa, Vinh Quang, Tân Hương, Đoàn Kết… với các khu vườn xanh mát. Chúng không được quy hoạch bài bản, mà chật chội, pha tạp, ngẫu hứng, như ai đó vô tình cầm một nắm hạt nhiều loại, rồi vung ra khắp khu vườn.
Thoáng cái mà đã hơn 20 năm. Mỗi ngày qua đi là một ngày thấm ngọt những câu chuyện về đời người, hồn đất, sâu sắc, trầm lắng.
Gã yêu những mái nhà xanh đỏ nhấp nhô không quy luật, những lằng nhằng dây điện trên phố; những quán cà phê vỉa hè thoáng mát và khách có thể “tự do” xách ghế đến ngồi bất cứ gốc cây nào mình muốn.
Yêu những con đường đất quanh co tỏa dần ra núi; thấp thoáng những ngôi làng nhỏ ẩn hiện dưới tán lá xanh tươi, nổi bật những mái nhà rông cao vút ở vùng ven.
Càng yêu quý hơn con người nơi đây. Dù gốc gác, quê quán từ nhiều nơi tụ về, nhưng hẳn là do chịu tác động của mạch nguồn thiên nhiên, của đất trời bao la, phóng khoáng, mà ai cũng thân thiên, gần gũi và bao dung.
Sự thân thiện thể hiện qua những nụ cười của các thiếu nữ đang gùi nước về buôn hoặc các em nhỏ vẫy tay chào khách tận mãi cuối con đường làng. Nơi đây bao thăng trầm của lịch sử đã xảy ra, đã đi qua nhưng còn đọng lại mãi mãi là lòng hiếu khách như một bản năng ngàn đời còn mãi.
Sẽ còn bao nhiêu lần “hơn 20 năm nữa”? Gã không trả lời được câu hỏi ấy. Chỉ biết rằng, tình cảm của gã dành cho phố núi luôn hồn hậu và chân thành.
THÀNH HƯNG