Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống
Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống các DTTS được tỉnh quan tâm triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, giúp phát triển hiệu quả du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Từ xa xưa, sinh sống trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với sức khỏe, sự thông minh, tinh thần lao động cần cù, chịu khó, cư dân các DTTS đã sáng tạo ra nhiều nghề thủ công truyền thống đặc sắc. Các sản phẩm được làm ra từ đôi tay khéo léo, cách làm thô sơ nhưng đầy tinh xảo, bền đẹp đã trở thành những công cụ hiệu quả trong lao động sản xuất, sinh hoạt và trao đổi mua bán của bà con các DTTS.
Theo thống kê, cộng đồng 7 DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh có khoảng 9 nghề truyền thống phổ biến là: Dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc và làm nỏ.
Trong đó, tiêu biểu như nghề làm rượu cần đã xuất hiện từ rất lâu đời, trở thành phong tục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu của bà con. Nguyên liệu để làm rượu cần là lương thực có sẵn trong cuộc sống mang đặc trưng từ ruộng rẫy như gạo, gào, củ mì, kê, hạt bắp, bo bo. Mỗi nguyên liệu khác nhau mang lại hương vị rượu cần khác nhau. Muốn vị cay nồng thì sử dụng hạt gào, muốn vị ngọt thì dùng nếp than, nếu muốn vị vừa nồng vừa ngọt thì sử dụng hạt gào pha lẫn nếp than. Đây là loại rượu duy nhất không uống bằng ly, bằng chén mà uống bằng một dụng cụ đặc biệt gọi là cần, khi uống không phân biệt già trẻ, trai gái, ai cũng có thể vít cần uống.
Ngày nay, dù có đa dạng các loại đồ uống, song rượu cần vẫn là một thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội của làng và đãi khách. Điều quan trọng hơn cả, nét văn hóa rượu cần chứa đựng tính cố kết cộng đồng, tình yêu, sự chia sẻ, là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của đồng bào các DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum nói riêng và các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung.
Nghề làm gốm cũng là một trong những nghề thủ công truyền thống đặc sắc trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu cuộc sống tự cung, tự cấp từ xa xưa. Nếu như đan lát, săn bắt là việc của đàn ông; thì hái lượm, dệt vải, làm gốm là việc của người phụ nữ. Chính vì thế toàn bộ các khâu trong quá trình làm gốm đều do người phụ nữ đảm nhiệm.
|
Làm gốm là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo và tỉ mỉ của người thợ. Người thợ gốm tạo hình cho sản phẩm bằng đôi tay, kinh nghiệm và những tri thức dân gian cộng với sự trợ giúp của những dụng cụ thô sơ như: vòng tre, hòn đá cuội, miếng vải mịn để tạo ra những vật dụng cần thiết trong cuộc sống như: nồi đất, ghè, bát, bình, ly đất nung.
Tương tự, nghề đan lát cũng chứa nhiều giá trị độc đáo riêng, là di sản văn hóa quý báu được hình thành, phát triển và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nghề này do người đàn ông đảm nhận, thường làm vào những tháng nhàn rỗi trong năm. Khi mùa màng đã thu hoạch xong, đàn ông con trai thường tập trung lại để đan lát; người lớn, người đan khéo tay truyền đạt kinh nghiệm cho người trẻ.
Nguyên liệu được sử dụng trong nghề đan lát truyền thống là những vật liệu có sẵn trong tự nhiên, dễ kiếm và dễ khai thác như nứa, lồ ô, giang, xăm lũ, dây mây, song mây. Sản phẩm đan lát thường là các vật dụng trong gia đình như gùi, rổ, rá, nong, nia, nón, lồng nhốt gà. Sản phẩm của nghề đan lát không chỉ là những vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày mà còn được coi là chuẩn mực để đánh giá giá trị của người đàn ông. Xưa kia, đàn ông khi trưởng thành mà không biết gì về đan lát thì rất khó khăn trong việc chọn bạn đời của mình.
|
Trong lao động sản xuất trồng trọt còn giúp cộng đồng các DTTS phát triển mạnh nghề rèn. Nghề này tồn tại như một nghề phụ trong kinh tế gia đình, mang tính tự cung tự cấp. Trong một năm, bà con DTTS thường mở lò 3 lần: Trước khi phát rẫy (tháng 1 - 2); trước khi gieo trỉa, làm cỏ (tháng 7 - 8) và trước mùa thu hoạch (tháng 10 - 11). Đó chính là 3 thời điểm cần rèn, sửa sang công cụ phục vụ nông nghiệp, gắn liền với 3 giai đoạn quan trọng của một chu kỳ canh tác rẫy.
Trước đây, lúc cao điểm vào mùa sản xuất mỗi làng thường có 30 - 40 lò rèn cùng hoạt động. Cùng với lò rèn và bộ dụng cụ nghề khá đơn giản như: búa, kìm, chặt sắt, ốp kẹp, đe đá, đá mài, máng tôi; người thợ rèn làm ra các công cụ sản xuất, săn bắt, vũ khí tự vệ và chiến đấu như rìu, rựa, cuốc, dao, giáo, mác. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong gia đình, các sản phẩm rèn cũng được bà con trao đổi để lấy những vật dụng khác.
|
Tiêu biểu trong các nghề thủ công truyền thống dành cho phụ nữ DTTS còn có nghề dệt thổ cẩm. Từ xa xưa, bà con đã biết đưa cây bông vào trồng trên đất rẫy để lấy nguyên liệu dệt thay thế cho sợi vỏ cây rừng. Hàng năm, vào đầu tháng 4 sẽ tiến hành trồng bông trên rẫy, đến tháng 11 thì thu hoạch. Bông sau khi thu hoạch đem phơi nắng cho bông khô, trắng, không bị đen, mốc. Bông đã khô, tiến hành loại những hạt bông lép, bông sâu, rồi đưa vào dụng cụ cán cho vỡ hạt. Khi bông đã được cán lọc hết hạt, họ dùng dụng cụ bật bông đánh cho tơi, khi bông đã tơi đều thì tiến hành cuộn bông vào một thoi nhỏ dài khoảng 20cm để tạo những chỉ bông sau đó đưa chỉ bông vào sa kéo sợi để se sợi. Lúc này sợi bông dùng cho việc dệt vải bước đầu hoàn thành. Sợi từ thoi cuộn được đưa ra cuốn vào những dụng cụ cuốn sợi để chuẩn bị nhuộm màu. Để tạo màu cho sợi, họ thường dùng các loại củ, lá, quả của cây rừng (lá cây chàm, củ nghệ, hạt ca ri).
Sản phẩm dệt thổ cẩm thường là áo, khố, váy, tấm dồ tùy loại trang phục mà người thợ dệt có cách tạo hoa văn khác nhau. Sản phẩm họ dệt ra không chỉ phục vụ cho bản thân, cho gia đình, mà còn là của hồi môn của mẹ tặng con gái trước khi về nhà chồng, là một phần hồn trong lễ hội của mỗi cộng đồng người DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum.
Nghề thủ công truyền thống là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng của cư dân các DTTS trên địa bàn tỉnh, hiện được nhà nước tôn vinh và vinh danh là loại hình Di sản văn hóa phi vật thể, chứa đựng nhiều giá trị tri thức dân gian quý báu, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Để gìn giữ và phát huy các giá trị của nghề thủ công truyền thống, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp như: bảo tồn, khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, mở lớp truyền dạy nghề, phục dựng, quay phim, xuất bản sách để giúp nghề được phục dựng và duy trì hiệu quả.
Hiện nay, toàn tỉnh duy trì hoạt động hiệu quả 10 tổ liên kết và 8 tổ hợp tác phát triển, sản xuất các sản phẩm nghề thủ công truyền thống; có gần 13,9 nghìn người biết làm nghề truyền thống. Bên cạnh đó, các sản phẩm thủ công truyền thống còn được hỗ trợ phát triển OCOP, cấp giấy chứng nhận, đăng ký nhãn hiệu, giới thiệu, quảng bá rộng rãi tại các hội chợ, sự kiện văn hóa – chính trị trong và ngoài tỉnh.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định trong công tác gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống, tuy nhiên, với những kết quả đạt được đã cho thấy ý thức, niềm tự hào, sự trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS, các cấp chính quyền, địa phương ngày một nâng cao. Qua đó sẽ là tiền đề giúp công tác bảo tồn và phục dựng các giá trị của nghề thủ công truyền thống tiếp tục gặt hái thêm nhiều kết quả trong thời gian tới.
Hoàng Thanh