“Người ở núi”
Là tên “đứa con” tinh thần của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Minh Đức sau bao năm “thai nghén”, “Người ở núi” chứa đựng, mở ra không gian văn hóa đặc trưng riêng có của đất và người Tây Nguyên nói chung và của Kon Tum nói riêng.
Gian trưng bày nằm khiêm nhường bên dòng Đăk Bla thơ mộng và gần cầu treo Kon K’lor, làm cho các bức ảnh về văn hóa, con người cùng các vật dụng lao động, sinh hoạt thường ngày của đồng bào các DTTS ở Kon Tum mang tên “Người ở núi” lại càng trở nên bí ấn và sống động hơn. “Lạc” vào không gian này, ta như nghe văng vẳng bên tai đâu đây tiếng cồng chiêng giục giã như xa, như gần trong gió.
Gian trưng bày mới được NSNA Minh Đức cho ra đời vào tháng 6/2024. Tâm huyết trong suốt 34 năm cầm máy gửi trọn vào không gian này, với trên 200 bức ảnh trong tổng số 500 bức ảnh anh tâm đắc nhất, cùng hàng trăm vật dụng lao động, sinh hoạt của đồng bào DTTS ở Kon Tum được anh sưu tầm trong suốt chừng đó thời gian về với bà con tại các thôn, làng.
Các bức ảnh lột tả vẻ đẹp của người đồng bào DTTS và nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc ở Tây Nguyên. Đa số các tác phẩm, nhất là tác phẩm “để đời” mang về cho anh những giải thưởng được sáng tác tại tỉnh như tác phẩm “Vòng xoang ngày hội” đạt Huy chương vàng tại Triển lãm Ảnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên là một ví dụ.
Anh nói rằng, mở gian hàng này với mong muốn mang đến một không gian văn hóa Tây Nguyên “gói gọn” trong lòng phố núi Kon Tum, để du khách trong và người nước khi đến đây biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về vẻ đẹp của đất và người Kon Tum và rồi từ đó lan tỏa, tôn vinh và “mang” vẻ đẹp ấy đi khắp năm châu, bốn biển.
|
Đắm chìm trong không gian gian trưng bày, anh say sưa kể rành mạch từng câu chuyện gắn với mỗi bức ảnh được treo trên tường. Chỉ tay lên bức ảnh hai người phụ nữ dân tộc Brâu ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi đang hút thuốc bằng tẩu, anh nói: Mỗi bức ảnh ẩn sau đó là một câu chuyện về tình đất, tình người. Trong “hằng hà sa số” chân dung các nhân vật đã khắc họa, đây là hình ảnh tôi ấn tượng nhất, bởi bức ảnh đã lưu lại được một vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ Brâu.
Hai người phụ nữ đó là bà Nàng Nâng (82 tuổi) và bà Nàng Nang (79 tuổi). Là chị em ruột và là con gái của trưởng làng. Anh chụp bức ảnh này vào năm 2009. Bức ảnh ghi lại cảnh hai bà đang hút thuốc bằng tẩu - nét văn hóa của đồng bào Brâu. Trên gương mặt hai bà in đậm dấu ấn thời gian, làn da rám nắng hằn vết chân chim, đặc biệt là hình xăm 1 chiếc sừng trâu trên trán và hoa văn trên mặt, tai đeo chiếc khuyên to tròn. Hai bà nay đã về thế giới bên kia.
“Ngược thời gian (năm 1990), lúc đó tôi mới 19 tuổi và bắt đầu thực hiện đam mê của mình. Để “lấy ngắn nuôi dài”, tôi đã mở một tiệm chụp hình, từ đó có kinh phí để được sống với niềm đam mê lang thang khắp các thôn làng ghi lại vẻ đẹp của con người, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào Tây Nguyên, để những nét đẹp được sống mãi, trường tồn với thời gian” – NSNA Minh Đức tâm sự.
|
Để có được những bức ảnh phản ánh chân thực hơi thở cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên, những chuyến đi về với bà con thường dài ngày, cùng ăn, cùng làm, cùng trò chuyện với bà con, để hiểu được nỗi niềm, trăn trở và cảm thụ được vẻ đẹp, từ đó anh khắc họa vào ảnh.
Trong suốt 34 năm làm nghề, anh chỉ sáng tác ảnh về văn hóa Tây Nguyên. Qua lăng kính của người nhiếp ảnh tài hoa, cảnh sinh hoạt đời thường, phong tục, tập quán, lễ hội của đồng bào Tây Nguyên, đặc biệt là chân dung các em nhỏ với ánh mắt to tròn, trong veo hay gương mặt người già in hằn dấu vết thời gian đã được anh khắc họa chân thực, tự nhiên và nổi bật lên bản sắc riêng.
Cùng với công việc “thư ký thời đại”, anh còn sưu tầm, lưu giữ nhiều vật dụng sinh hoạt (cồng chiêng, gùi, bình gốm, nồi đất, đơm, đó…) trong mấy chục năm lang thang khắp các thôn làng và xem như báu vật.
Trong các chuyến về làng, anh đều mua một vài sản phẩm về giới thiệu cho bạn bè gần xa hoặc đăng lên mạng xã hội để nhiều người biết các sản phẩm thủ công do chính các nghệ nhân làm, mong muốn giúp các nghệ nhân có thêm thu nhập để sống được bằng nghề, giữ được đam mê với nghề.
“Trong chuyến về với bà con gần đây nhất, tôi gặp nghệ nhân Y Ber ở thôn Kon Xơ Mluh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy. Bà đang giữ loại hình di sản gốm truyền thống. Với sự tài hoa, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, bà đã tạo ra những sản phẩm bằng gốm phục vụ sinh hoạt và trao đổi. Tôi đã mang vài sản phẩm về trưng bày, nhiều khách hàng đã rất thích thú khi tới xem”- anh trao đổi.
“Người ở núi” không chỉ là nơi lưu giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên, mà còn là điểm đến của rất nhiều du khách khi cần một món quà mang đậm nét “văn hóa Kon Tum”.
DƯƠNG NƯƠNG