Tự hào giữ nét đẹp phụ nữ Hà Lăng
Được khen trẻ hơn so với tuổi 68 của mình, bà Y Chêl cười tươi, hóm hỉnh đùa rằng đó là nhờ ngày trước cái chân đã siêng đi rẫy, cái vai chăm địu con, vác củi. Cái chân cái tay còn hay đưa theo điệu chiêu, khung cửi, và cái miệng thì thường ngân nga những khúc ca, điệu nhạc của “người Hà Lăng mình”.
Sinh ra và lớn lên ở làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy), cách biên giới không xa, cô bé Y Chêl ngày ấy đã phải trải qua những năm tháng cơ cực, buồn tủi. Mẹ chẳng may qua đời sau nhiều ngày đau ốm dai dẳng khi Y Chêl mới 7-8 tuổi, nhưng kỷ niệm về người phụ nữ gần gũi nhất luôn giỏi giang, tháo vát không bao giờ phai mờ trong tâm trí Y Chêl. Nhớ những hôm chân trần theo mẹ vào rừng kiếm củi, tỉa lúa, xuống khe hái rau, đào măng... Thích nhất là những khi mẹ rảnh rỗi, lặng lẽ ngồi bên khung cửi, nhẩn nha dệt vải. Trong nếp nhà sàn gỗ mái tranh đã cũ, con bé lúc chăm chú nhìn theo tay mẹ, khi lại phụ giúp kéo sợi thành cuộn.
Vốn siêng năng lại khéo léo nên mẹ Y Chêl rất giỏi làm ra những tấm thổ cẩm đẹp, được người làng yêu thích. Mẹ mất, cha đi bước nữa, Chêl chuyển đến sống với nhà ngoại. May mắn vì bên cạnh bà ngoại luôn gần gũi, thương yêu, Chêl còn có dì út Y Run, lớn hơn vài tuổi. Dì út cũng khéo léo, giỏi giang không kém gì mẹ, nên nhờ đó mà Y Chêl nhanh chóng học hỏi để làm quen với khung cửi cũng như những nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc mình. Vốn sáng dạ, tính lại sôi nổi, Y Chêl “nhìn đến đâu, biết đến đấy”, “học đến đâu, làm được đến đấy”.
|
Mới 14 - 15 tuổi, Y Chêl chẳng những siêng năng việc rẫy việc nhà, mà còn thành thạo dệt vải, múa xoang và làm quen cả với dân ca. Xoang của người Hà Lăng chính là điệu Chiêu tuy giản dị, đơn sơ nhưng vô cùng độc đáo. Dân ca chủ yếu gồm những khúc hát ru, hát giao duyên về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa. Riêng thổ cẩm thì với Y Chêl, chính là sự gắn bó đặc biệt và lâu bền nhất.
Đã qua gần 60 mùa rẫy, bà Y Chêl không nhớ hết đã từng để lại bao nhiêu tấm dệt, từ cái lớn để làm tấm đắp, tấm choàng, tấm rộng để may váy, may áo đến tấm dài để làm khố, làm khăn... Chỉ biết rằng, đôi tay từ lúc còn là cô gái hay cười đến giờ, bà đã thuần thục lắm cùng từng khâu bật bông, se sợi, nhuộm chỉ thủ công, đến dệt vải bình thường và cả nét hoa văn truyền thống.
Càng nói về thổ cẩm, bà càng như say, như mê. Bắt đầu từ những điều cơ bản nhất, bà bảo: Cũng như các dân tộc khác, để dệt vải, người Hà Lăng xưa không thể thiếu cây bông gòn (kpai). Sợi bông trắng ngà tự nhiên, song “biến” thành màu đen nhờ nấu lên cùng bùn non trộn với vỏ và lá cây bằng lăng (đoong truôn) giã nhuyễn. Tương tự, để được màu vàng thì dùng củ nghệ (ơ mít), muốn có màu đỏ thì lấy quả nhum phu... Đáng chú ý, để sợi đượm màu và không bị khô, xơ, chị em không chỉ nhúng sợi vào các loại (thân, lá, củ, quả) cây rừng giã nát và ngâm qua đêm; mà sau đó phải vớt mớ sợi này gói vào lá chuối rồi hơ trên hơi lửa than ấm.
|
Thổ cẩm của người Hà Lăng không chỉ được dùng làm trang phục, mà luôn gắn kết với điệu múa chiêu độc đáo, tấm thổ cẩm được choàng lên vai xuôi theo hai cánh tay như cánh chim cánh bướm dập dờn, quyến rũ. Bà Y Chêl tự hào vì từ hồi còn trẻ đến giờ vẫn thường chăm chút cho từng tấm dệt, điệu chiêu. Vóc dáng rắn rỏi, đậm người, nhưng nét đẹp của người phụ nữ Hà Lăng qua hình ảnh của Y Chêl vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển.
Bà Y Chêl cũng rất vui và tự hào vì không chỉ gương mẫu làm tốt công việc của mình, mà còn chung tay cùng các nghệ nhân cao niên, giàu kinh nghiệm trong làng nhiệt tình hướng dẫn, chỉ dạy cho lớp con cháu trong cộng đồng dệt vải, múa chiêu, dân ca dân vũ. Chồng đã mất, song bốn con của bà (1 gái, 3 trai) đều tự tin tiếp bước cha mẹ trong hoạt động này. Riêng con gái đầu (38 tuổi, đã học đến bậc Trung học phổ thông), sau thời gian bị tai nạn cũng đang dần hồi phục, để có thể trở lại với nét đẹp của dân tộc mà những người phụ nữ như mẹ mình luôn dốc hết nhiệt tâm theo đuổi.
Theo ghi nhận của chị Y Chít - Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi, bà Y Chêl luôn nhiệt tình, hăng hái trong sinh hoạt văn hóa - văn nghệ tại địa phương. Mỗi khi được chọn vào đoàn nghệ nhân dân gian tham gia lễ hội, sự kiện do các cấp, ngành tổ chức, bà vinh dự giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc đến mọi người, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
THANH NHƯ