OCOP và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Những năm qua, OCOP trở thành một trong những chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các địa phương.
Ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình OCOP, tỉnh ta đã xác định đây là giải pháp quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, các cấp, ngành đã tích cực hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các địa phương và các chủ thể lựa chọn sản phẩm đặc trưng, triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn, đăng ký tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP, đặc trưng vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm... Từ đó, thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hộ sản xuất - kinh doanh tham gia, mang lại kết quả tích cực.
Đến nay, toàn tỉnh có toàn tỉnh có 242 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao còn hiệu lực. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng về chủng loại và hầu hết là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng của các địa phương. Những địa phương có số lượng sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn nhiều là thành phố Kon Tum với 71 sản phẩm, huyện Kon Plông với 64 sản phẩm, huyện Tu Mơ Rông với 40 sản phẩm, huyện Đăk Hà với 34 sản phẩm.
|
Việc triển khai chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua chương trình đã góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa để xây dựng, hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Tạo động lực, giúp các cá nhân, hộ sản xuất, hợp tác xã phát huy tính sáng tạo trong quá trình sản xuất, làm bệ đỡ cho các sản phẩm vươn xa hơn thị trường truyền thống lâu nay. Khi tham gia chương trình, các sản phẩm đều phải được sản xuất quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, từ đó, cho ra sản phẩm với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, an toàn thực phẩm để đáp ứng được thị trường tiêu thụ. Vì thế, sau khi được công nhận và gắn sao OCOP, các sản phẩm thuận lợi tiêu thụ ở thị trường tỉnh ta, trong nước và còn có cơ hội xuất khẩu như các sản phẩm từ Yến của Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum, cà phê rang xay DakMark của Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng góp phần nâng cao giá trị các loại hàng hóa nông sản, dịch vụ ở nông thôn.
Việc sản xuất sản phẩm OCOP cũng làm thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang quy mô lớn, theo hướng hàng hóa, có kế hoạch, xây dựng được liên kết chuỗi giá trị khép kín để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng, sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Trên thực tế đã có nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã hình thành như chuỗi sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, 4C; chuỗi sản xuất Chè sạch vùng Đông Trường Sơn, chuỗi sản xuất dược liệu. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người dân, tạo sức bật cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ngoài ra, mỗi sản phẩm OCOP còn đóng vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện của từng vùng, địa phương như các sản phẩm rượu, nước ép trái sim rừng Măng Đen mang hương sắc núi rừng Kon Plông, các sản phẩm cà phê Đăk Hà cho thấy nét đặc trưng, sự khác biệt của vùng đất “thủ phủ” cà phê này. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh của các địa phương, thu hút người dân, du khách đến tìm hiểu, khám phá.
|
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình MTTQ xây dựng nông thôn mới tỉnh, bên cạnh những kết quả nổi bật, việc thực hiện chương trình OCOP thời gian qua còn có một số hạn chế. Đó là số lượng sản phẩm OCOP tăng qua các năm, nhưng chưa thực sự bền vững; nhiều chủ thể OCOP vẫn thiếu sự chủ động khi tham gia vào chương trình; chưa chú trọng đến việc chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã, bao bì, tem, nhãn, mác sản phẩm để nâng sao OCOP, quy mô sản xuất nhỏ nên sản phẩm vẫn thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thật sự quan tâm, coi đây là một trong những điểm nhấn trong phát triển kinh tế nông thôn; chưa chú trọng rà soát sản phẩm tiềm năng, thế mạnh, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cơ sở tham gia chương trình OCOP.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ chủ thể tiếp tục tham gia Chương trình OCOP để có thêm các sản phẩm mới, nhiệm vụ trọng tâm được các ngành chức năng, địa phương đặt ra là phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường liên kết bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu.Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Nâng cao cộng đồng trong việc tham gia phát triển sản phẩm OCOP; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; đẩy mạnh kết nối cung - cầu, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP để mở rộng tiêu thụ.
Dẫu vẫn còn những khó khăn, hạn chế, nhưng có thể thấy chương trình OCOP được triển khai trên toàn tỉnh đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương.
Thiên Hương