Phát triển kinh tế lâm nghiệp
Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu huy động tối đa nguồn lực phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp; đến năm 2025, ngành này đóng góp khoảng 7%vào tổng giá trị GRDP của tỉnh.
Với độ che phủ lớn, rừng là nguồn tài nguyên sinh thái quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Dù vậy, thực tế phát triển lâm nghiệp cũng bộc lộ một số tồn tại cần có giải pháp khắc phục. Trong đó có thể thấy, một thời gian dài, kinh tế lâm nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào khai thác lâm sản tự nhiên, dẫn đến tăng trưởng thấp và chưa bền vững, lợi nhuận ít, sức cạnh tranh yếu; tài nguyên rừng chưa được khai thác hợp lý, thậm chí lãng phí.
Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tuy phát triển nhanh nhưng vẫn mang tính tự phát, chưa vững chắc; khả năng cạnh tranh thấp, sản xuất gia công là chính, thiếu công nghiệp phù trợ.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong quản lý, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp.
Việc thực thi có hiệu quả các chính sách về lâm nghiệp, bảo vệ rừng cũng đã đem lại sự chuyển biến tích cực trong nhận thức xã hội. Rừng đang được cải thiện cả về chất và lượng; doanh thu ngành lâm nghiệp đã có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế.
Cộng đồng đã và đang ngày càng được hưởng lợi từ ngành lâm nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính, nhất là nguồn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, và tạo thêm việc làm. Từ đó tác động mạnh mẽ đến giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào DTTS.
|
Khi Nghị quyết 06-NQ/TU được ban hành đã đem lại xung lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Mục tiêu của Nghị quyết 06 đến năm 2025 không chỉ là bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có mà phải trồng mới 15.000ha rừng tập trung và 3 triệu cây phân tán; khoanh nuôi phục hồi rừng được ít nhất 7.300 ha; nâng độ che phủ rừng lên 64%.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh cơ bản hiện đại, đủ năng lực về công nghệ tham gia hội nhập thị trường trong nước và quốc tế. Đóng góp của ngành lâm nghiệp vào tổng giá trị GRDP của tỉnh đạt khoảng 7%.
Đến năm 2030, công nghiệp chế biến gỗ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn; đóng góp của ngành lâm nghiệp vào tổng giá trị GRDP của tỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 10%.
Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết số 06-NQ/TU đã chứng minh được tính đúng đắn và tầm nhìn về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Kết luận số 2130-KL/TU ngày 2/12/2024 của Tỉnh ủy đánh giá, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác phát triển lâm nghiệp bền vững được nâng lên.
Cơ cấu ngành lâm nghiệp từng bước chuyển dịch từ khai thác lâm sản tự nhiên sang trồng rừng và dịch vụ lâm nghiệp, gắn với sinh kế của người dân. Sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng khá, tỷ trọng đóng góp vào tổng giá trị sản phẩm của tỉnh ngày càng tăng.
Tình trạng chồng lấn, lấn chiếm đất lâm nghiệp được quan tâm giải quyết. Hiện trạng rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp được rà soát, tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Sau 3 năm, toàn tỉnh đã trồng được gần 17.900ha rừng (riêng năm 2024, đã trồng mới 3.212ha rừng, đạt 107,07% kế hoạch), hoàn thành sớm hơn 1 năm và vượt gần 3.000ha so với mục tiêu đề ra; trồng hơn 3,6 triệu cây phân tán, đạt hơn 121% mục tiêu nghị quyết, góp phần nâng độ che phủ rừng (tính đến ngày 31/12 /2023) đạt 63,69 %.
Bên cạnh đó, thời gian qua, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện giao rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn quản lý, bảo vệ.
Đến nay, toàn tỉnh đã giao 74.868,163ha cho 4.051 hộ gia đình và 166 cộng đồng. Riêng trong năm 2024, có 138.869,97ha rừng được giao cho 8 tổ chức, 312 cộng đồng, 123 nhóm hộ và 22 hộ gia đình quản lý, bảo vệ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp, đây là bước chuyển biến căn bản trong lĩnh vực lâm nghiệp, làm cho rừng và đất lâm nghiệp có chủ quản lý thực sự. Từ đó, rừng được bảo vệ hiệu quả hơn, góp phần nâng cao đời sống của người dân sống gần rừng.
Tuy nhiên, Kết luận số 2130-KL/TU của Tỉnh ủy cũng chỉ rõ, tăng trưởng của ngành lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; vai trò của ngành lâm nghiệp đối với việc giảm nghèo bền vững còn hạn chế. Cơ cấu quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp chưa hợp lý. Sản lượng gỗ khai thác rừng trồng chưa đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư công nghiệp chế biến và sử dụng của nhân dân.
|
Để phát triển lâm nghiệp bền vững theo mục tiêu đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình thực thi chính sách về lâm nghiệp cần đảm bảo cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đa dụng của rừng.
Trong đó, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, các chủ rừng và nhân dân cần nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm trong phát triển lâm nghiệp bền vững. Trọng tâm là bảo đảm độ che phủ rừng đạt 64% trở lên; rừng tự nhiên được bảo vệ tốt và tập trung nâng cao chất lượng rừng.
Tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty TNHH MTV lâm nghiệp; đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh để phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp, nhất là thu hút các mô hình nông - lâm kết hợp, trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng, đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái để nâng cao giá trị rừng.
Đặc biệt, cần lấy mục tiêu tạo thu nhập của người dân làm cơ sở để xây dựng chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn.
Thành Hưng