Nhận rõ giá trị nâng tầm cho sâm Ngọc Linh
Hội thảo “Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn” do huyện Tu Mơ Rông tổ chức đã khép lại. Những luận chứng tại hội thảo đã khẳng định giá trị, nâng tầm cho sâm Ngọc Linh. Đồng bào Xơ Đăng vui mừng khi giá trị sâm Ngọc Linh được khẳng định, giúp họ yên tâm phát triển.
Nhiều luận chứng khẳng định giá trị sâm Ngọc Linh
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã có báo cáo, công bố những công trình nghiên cứu khá đầy đủ về sâm Việt Nam- sâm Ngọc Linh. Theo GSTS Nguyễn Minh Đức- Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) phát hiện phân bố tự nhiên vào năm 1973 tại Ngọc Linh (Việt Nam) ở độ cao 1.800m là một minh chứng độc đáo. Năm 1985, cây sâm này được Viện Thực vật Kumanov (Liên Xô cũ) đề nghị gọi tên loài sâm mới là Sâm Việt Nam.
Từ những năm 80 thế kỷ 20 đến nay, các nghiên cứu công bố quốc tế về sâm Ngọc Linh đều dùng tên Sâm Việt Nam. Và giới khoa học quốc tế hiểu và công nhận Sâm Việt Nam, tức Sâm Ngọc Linh, không phải cây sâm nào khác. Trong các dược điển của Việt nam đều đã đưa vào chuyên luận Sâm Việt Nam (thân rễ và rễ) cùng với tên đồng nghĩa Sâm Ngọc Linh.
Xuất phát từ các cơ sở lịch sử, khoa học và thực tế báo cáo này nhằm khẳng định vị thế và thương hiệu sản phẩm quốc gia Sâm Việt Nam – Sâm Ngọc Linh. Cây sâm quý đã được công nhận sản phẩm quốc gia (bổ sung) tại QĐ 787/QĐ-TTg ngày 7/6/2017 dưới tên Sâm Việt Nam (tức sâm Ngọc Linh).
|
Gần đây trong một số hội thảo khoa học, có ý kiến cho rằng theo một số trang web sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu là đồng danh tên khoa học với Sâm Việt Nam, PGS Phan Kế Long (người phát hiện Sâm Lai Châu) và các chuyên gia đã xác nhận: cơ sở khoa học “P.vietnamensis var.vietnamensis,P.v.var.fuscidiscus và P.vietnamensis var.langbianensis là các taxon độc lập.
Việc sắp xếp sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu là đồng danh chỉ là quan điểm cá nhân, chưa có những bằng chứng khoa học nào. Trong khi đó, trang web của các tổ chức nghiên cứu uy tín vẫn chấp nhận 3 thứ trên là các taxa độc lập. Do các taxa độc lập nhau nên chắc chắn sẽ có sự khác nhau về hoạt chất và giá trị, do đó, không thể đồng nhất chúng trong hoạt động thương mại.
Tính độc đáo của Sâm Việt Nam – Sâm Ngọc Linh, bởi đây là cây sâm đặc hữu, bản địa của vùng Ngọc Linh (Việt Nam), chưa phát hiện ở nơi khác; có thành phần saponin đặc sắc, phong phú so với các loài sâm khác. Ngoài các saponin PPD, PPT,oleanan tìm thấy trong nhân sâm, tam thất, sâm Mỹ, còn chứa rất nhiều saponin nhóm ocotillol. Hàm lượng saponin rất cao (12-20 %), so với các loài sâm khác (chỉ từ 4-7%), đặc biệt các ocotillol saponin gồm MR2 có thể chiếm đến 50% hàm lượng.
Hơn 50 năm từ khi phát hiện, với sự cộng tác của các nhà khoa học nước ngoài, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu Sâm Việt Nam – Sâm Ngọc Linh một cách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực thực vật, di truyền, nông nghiệp, hóa học, tác dụng sinh học, kiểm nghiệm, bào chế.
Trong khi đó, với sâm Lai Châu (Tam thất hoang) được phát hiện trùng với ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và hiện vẫn chưa được công nhận là loài đặc hữu, bản địa Việt Nam và chưa được công nhận là sản phẩm quốc gia. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học đối với loại sâm này còn rất hạn chế. Đây là sự khác biệt về mặt nghiên cứu khoa học.
Về thực tiễn, theo GSTS Nguyễn Minh Đức, mỗi đất nước chỉ chọn một cây sâm gắn liền với tên nước với niềm tự hào dân tộc, với tiêu chí nguồn gốc xuất xứ và tính đặc hữu bản địa. Theo các nhà khoa học, như ở Hàn Quốc là Sâm Triều Tiên, Nhân sâm; ở Trung Quốc là Nhân sâm Tam Thất; ở Nhật Bản là Sâm Nhật; ở Hoa Kỳ là Sâm Mỹ, chỉ chọn 1 cây sâm gắn với quốc hiệu.
Việc chính thức được công nhận là sản phẩm quốc gia tại QĐ 787/QĐ-TTg ngày 07/6/2017, là cơ sở để thực hiện các chiến dịch xây dựng hình ảnh, vị thế, quảng bá thương hiệu sản phẩm quốc gia cho Sâm Ngọc Linh-Sâm Việt Nam.
Giúp đồng bào Xơ Đăng yên tâm phát triển
Tại hội thảo, các nhà không khoa học không chỉ báo cáo những nghiên cứu về giá trị đích thực của sâm Ngọc Linh và còn có các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương hiệu cho sâm Ngọc Linh.
Trong khuôn khổ hội thảo, Nhóm nghiên cứu Sâm Việt Nam của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum nghiên cứu về sự phát triển hoạt chất trên cây sâm Ngọc Linh qua các chu kỳ phát triển hàng năm.
|
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận (Hiệu trưởng trường Đại học Tây Đô) làm đại diện đã ký kết hợp tác và hỗ trợ thành lập Viện nghiên cứu Sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh của Công ty Cổ phần Vingin và Nhóm nghiên cứu cũng ký kết với UBND huyện Tu Mơ Rông nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác.
Đánh giá về tầm quan trọng các nội dung ký kết tại hội thảo, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, sâm Ngọc Linh đã được các nhà nghiên cứu khoa học khẳng định về giá trị, chất lượng. Việc ký kết hợp tác nghiên cứu hàm lượng hoạt chất của sâm Ngọc Linh qua các giai đoạn sẽ giúp phân biệt rõ hàm lượng saponin có trong cây sâm qua các năm phát triển, qua đó, sẽ tiếp tục khẳng định, nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh.
Việc ký ghi nhớ nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác sẽ giúp địa phương có cơ sở để quản lý, truy xuất nguồn gốc các loại sâm, góp phần hiệu quả trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi nạn trục lợi từ sâm Ngọc Linh. Đây cũng là điều mà đồng bào Xơ Đăng và người tiêu dùng rất quan tâm và kỳ vọng.
Phúc Nguyên