Nâng cao nhận thức và năng lực phòng, chống thiên tai
Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương. Vì vậy, nâng cao nhận thức, năng lực phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm thực hiện, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trên cơ sở kế hoạch Phòng, chống thiên tai tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, hàng năm, các ngành, địa phương, đơn vị từ cấp tỉnh đến cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai cụ thể, chi tiết phù hợp với tình hình thực tế từng nơi, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai.
Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu luôn được UBND tỉnh quan tâm, các ngành, địa phương chú trọng triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ về các loại hình thiên tai, biện pháp, kỹ năng, kinh nghiệm phòng tránh, ứng phó với thiên tai thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú; cụ thể như qua cuộc họp dân của các thôn, làng, trên đài phát thanh, loa cầm tay, băng rôn, khẩu hiệu với nhiều ngôn ngữ, phương tiện truyền thông phù hợp với từng vùng, từng đối tượng, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS. Đồng thời, tăng thời lượng đưa tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai của các cấp, các ngành đến cộng đồng dân cư…
|
Đồng thời, để nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, xử lý, đối phó kịp thời với các tình huống thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các đợt tập huấn, diễn tập thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai cấp huyện, cấp xã. Riêng năm 2023, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho 3.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, dự bị động viên, dân quân tự vệ lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ này. Huyện Kon Plông tổ chức diễn tập di dời dân thôn Kon Năng (xã Măng Cành) ra khỏi nơi động đất đến nơi an toàn với gần 300 người tham gia.
Bên cạnh đó, tỉnh và các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và quản lý, vận hành hiệu quả công trình phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo chuyên dùng, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 110 trạm đo mưa tự động lắp đặt tại các xã, phường, thị trấn và các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên toàn tỉnh phục vụ công tác thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai.
Trong năm 2023, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành có liên quan điều tra, đánh giá, lập điều chỉnh Phương án chỉnh trị sông Đăk Bla đoạn qua thành phố Kon Tum; xây dựng những công trình có quy mô nhỏ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời, tích cực hướng dẫn, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai.
Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tất cả 102 xã, phường, thị trấn đều đã thành lập được Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã với trên 5.200 người tham gia. Các lực lượng chính là dân quân tự vệ, thanh niên xung kích, Hội chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, cán bộ thôn làng, tổ dân phố và người dân tham gia. Thành phố Kon Tum và 9 huyện trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn tiêu chí về đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai.
|
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, những năm qua, công tác phòng, ứng phó với thiên tai trên địa bàn có những chuyển biến rất lớn, từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa và phòng ngừa từ xa. Tuy nhiên, trên thực tế, thiên tai luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường, cực đoan, tác động tiêu cực tới đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.
Chẳng hạn như năm 2022, mưa bão, lũ lụt đã làm hư hỏng 157 nhà dân, thiệt hại 569,5 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác, ước tổng thiệt hại lên tới 319,233 tỷ đồng. Năm 2023, do ảnh hưởng của mưa bão và những đợt lũ quét, sạt lở, ngập lụt đã làm 4 người chết;152 nhà ở, 295,37 ha đất sản xuất, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị thiệt hại… với tổng giá trị là 127,42 tỷ đồng.
Vì vậy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vi, địa phương và các tầng lớp nhân dân, chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả với thiên tai là giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, môi trường, góp phần xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Thùy Hương