Liên kết để phát triển bền vững - Kì IV: Để liên kết mang tính bền vững
Thực tế cho thấy, tại tỉnh ta, việc liên kết sản xuất vùng đồng bào DTTS còn thiếu và yếu; giá trị mang lại chưa tương xứng tiềm năng. Đây cũng là rào cản khiến một số chuỗi liên kết chưa hiệu quả. Vì thế, cần có những giải pháp mang tính bền vững, đặc biệt là cần sự nỗ lực ở cả phía người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và chính quyền địa phương.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, việc liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tuy đã phát triển nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, chưa đủ lớn; một số chuỗi liên kết không hiệu quả. Đơn cử như tại huyện Đăk Tô, một trong những chuỗi liên kết trước đây như chuối, dược liệu bị thất bại, do thời gian thực hiện chuỗi liên kết đúng dịp dịch Covid-19 nên doanh nghiệp gặp khó khăn; do thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân liên kết chưa chặt chẽ nên một số người dân vì lợi trước mắt, thấy giá cả thời điểm thu hoạch cao hơn giá cam kết, thỏa thuận nên đã tự ý phá vỡ thỏa thuận, hợp tác.
Theo ông Tưởng Văn Khanh- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô, ngoài nguyên nhân nói trên thì hiện nay, tham gia chuỗi liên kết mới chỉ mang tính thỏa thuận, khuyến khích giữa các bên, trong đó, có sự giám sát, đồng hành của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một điều vô cùng quan trọng là thiếu những chế tài xử lý, xử phạt khi một trong các bên phá vỡ hợp đồng.
|
Tại huyện Tu Mơ Rông, huyện có tiềm năng phát triển dược liệu. Để trồng dược liệu có hiệu quả, cần nhiều tổ liên kết cộng đồng tham gia chuỗi sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã để cùng tận dụng thế mạnh của mỗi bên. Tuy nhiên, trên địa bàn, hiện chỉ có trên 50 tổ liên kết cộng đồng, chưa nhiều so với quy mô 28.000 dân của huyện. Trong khi đó, quy mô liên kết chưa lớn; chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh về kỹ thuật, vốn để làm đầu tàu liên kết, dẫn dắt dân cùng tham gia chuỗi sản xuất.
Ông Hoàng Văn Tuấn- Trưởng Ban kiểm soát Hợp tác xã Thảo dược cộng đồng Ngọc Yêu (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, hơn 1 năm nay, Hợp tác xã chuyển hướng tái cơ cấu theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu để có sản phẩm quanh năm. Theo đó, đơn vị đã liên kết trồng măng với 26 hộ đồng bào DTTS của xã với diện tích 20ha. Trong việc liên kết này, vấn đề khó khăn là đời sống người dân còn nghèo nên bà con chỉ góp đất, công lao động, xe cộ; còn lại vốn đa phần do hợp tác xã đóng góp.
“Ngặt nỗi, Hợp tác xã cũng khó khăn về vốn. Do đó, đơn vị phải vay mượn tiền của người thân và đi thu mua nông sản, thảo dược trong dân để lấy kinh phí duy trì cho việc liên kết trồng măng nói trên. Cũng vì khó khăn này nên hợp tác xã mới liên kết trồng 20ha măng, dự định chờ 2 năm sau, măng cho thu hoạch, mang lại nguồn thu, thì hợp tác xã mới tính chuyện mở rộng thêm diện tích liên kết”- ông Tuấn nói.
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, bà con đồng bào DTTS khi liên kết sản xuất nông nghiệp đang gặp một số khó khăn như địa bàn có địa hình đồi dốc, gây tốn kém đầu tư hạ tầng, nước tưới; nguồn vốn hỗ trợ đồng bào còn hạn chế. Ngoài ra, bà con còn có tâm lý lo ngại mất đất khi tham gia liên kết, dẫn đến lỡ cơ hội liên kết với doanh nghiệp lớn.
“Để nâng cao đời sống đồng bào Xơ Đăng, trong thời gian tới, huyện sẽ thúc đẩy, vận động xây dựng, hình thành thêm nhiều tổ liên kết để tham gia chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng; cho dân vay vốn ưu đãi để liên kết sản xuất; kêu gọi doanh nghiệp lớn, có tiềm lực lớn vào sản xuất”- ông Mạnh nói.
|
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, khó khăn trong việc liên kết sản xuất nông nghiệp của người dân đồng bào DTTS hiện nay là tỷ lệ các hộ dân người DTTS tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp còn ít. Mối liên kết giữa các hộ dân DTTS, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn lỏng lẻo; sản phẩm nông sản chưa tiêu thụ được nhiều.
Nguyên nhân là do quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhỏ lẻ, phân tán, không tập trung, sản phẩm không thường xuyên. Hoạt động của các hợp tác xã, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn thụ động, còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, chưa có chiến lược rõ ràng, định hướng cụ thể. Giá cả nông sản biến động liên tục nên các doanh nghiệp thu mua chưa mạnh dạn áp dụng chính sách bảo hiểm giá. Vấn đề nữa là các chuỗi liên kết sản xuất mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng. Hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng liên kết. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao, các bên dễ vi phạm hợp đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Hoài Tâm, để đồng bào DTTS có thể tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, cần triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả các hợp phần hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; vận dụng linh hoạt, có hiệu quả để hỗ trợ tối đa các hộ đồng bào DTTS tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ đồng bào DTTS thay đổi ngay và nhanh nếp nghĩ, cách làm, thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh và của Trung ương.
Phúc Nguyên