Kon Plông: Niềm vui từ cây dược liệu
Với mật độ rừng che phủ khá cao và khí hậu thuận lợi cho việc phát triển các loài cây dược liệu, trong những năm gần đây, thực hiện Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, UBND huyện Kon Plông đã vận động nhân dân cùng các doanh nghiệp tư nhân đứng chân trên địa bàn tập trung phát triển cây dược liệu để từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững cho người dân, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Nhìn từ cây đương quy
Chúng tôi đến Kon Plông trong một ngày cuối năm khi người dân nơi đây đang chuẩn bị cho cái Tết Kỷ Hợi 2019 sắp đến. Mặc dù mưa lất phất và cái giá lạnh đầu mùa, nhưng người dân vẫn hăng say ra vườn chăm sóc cây dược liệu.
Ông A Thô 43 tuổi, trú tại thôn Đăk Ne, xã Măng Cành của huyện cho biết: Được sự hỗ trợ của Nhà nước về giống cây trồng và phân bón, đồng thời cán bộ nông nghiệp huyện thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, nên trong năm qua, tôi đã trồng được 700m2 cây đương quy ở trong vườn. Sau gần một năm chăm bón, tôi thu hoạch được 2 tạ củ đương quy, với giá bán 40 ngàn đồng/kg như hiện nay, thu về 8 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng mì, trồng bắp... như mấy năm trước đây.
|
Đang thu hoạch cây đương quy trồng bên vườn nhà, chị Y Rá 32 tuổi, trú tại thôn Măng Mô, xã Măng Cành vui mừng cho biết: Gia đình tôi mới trồng được 300m2 cây đương quy thôi, nhưng đã được Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn ký hợp đồng thu mua sản phẩm rồi, nên tôi rất phấn khởi. Phấn đấu trong năm tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng cây đương quy thêm nữa, khoảng 1 sào là sẽ thoát nghèo bền vững.
Đến thôn Kon Vơng Kia 2, xã Đăk Long, chúng tôi được chị Y Duân 40 tuổi kể: Nhờ Nhà nước hỗ trợ giống và phân bón, nên trong năm qua, tôi trồng xen cây đương quy trong vườn cà phê với diện tích khoảng 1 sào. Vừa rồi, tôi thu được 1 tạ củ tươi đương quy, bán được 4 triệu đồng. Hiện nay, vườn nhà có khoảng 1ha cây cà phê chè mới trồng năm một, nên trong năm tới tôi tận dụng quỹ đất này để trồng xen, nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Nguyễn Văn Công - cán bộ Địa chính và Nông nghiệp xã Đăk Long cho biết: Toàn xã hiện nay đã trồng được 55,7ha cây dược liệu, trong đó chủ yếu là cây đương quy. Do khí hậu, thổ nhưỡng ở đây phù hợp, nên đến nay các loại cây dược liệu trồng trên địa bàn phát triển tốt. Điều quan trọng là nhờ trên địa bàn đã có doanh nghiệp tư nhân hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nên người dân rất phấn khởi mở rộng diện tích trồng cây đương quy.
Cùng đi tham quan với chúng tôi có anh Nguyễn Viết Tiến - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn- đơn vị thu mua củ đương quy cho biết: Hiện nay, Hợp tác xã đã có nhà máy chế biến cao đương quy, bình quân mỗi tuần chế biến được 1 tấn củ đương quy tươi và thu về khoảng 80kg cao đương quy. Hiện nay, nhà máy không đủ nguyên liệu củ đương quy để chế biến nên phải nhập thêm ở các huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Nam. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến cao đương quy, cần phải có vùng nguyên liệu ổn định tại địa phương, vì thế, Hợp tác xã đã ký hợp đồng với bà con nông dân về các khâu từ hỗ trợ giống, phân bón và đầu ra sản phẩm để bà con yên tâm phát triển vùng nguyên liệu đương quy.
Hướng tương lai rộng mở
Dự án phát triển cây dược liệu trên địa bàn đã được UBND huyện Kon Plông phê duyệt với mục đích quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên, trong đó chú trọng bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế; đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình ở vùng có điều kiện phát triển dược liệu và tăng dần tỷ trọng đóng góp của ngành dược liệu trong tổng sản phẩm của huyện. Đến nay, toàn huyện đã trồng được 52,7ha cây dược liệu; trong đó 8,7ha đảng sâm, 8ha sa nhân, 12ha đương quy, 14ha nghệ đỏ, 2ha sả đen, 8ha đinh lăng.
|
Huyện phấn đấu đến năm 2020, sẽ phát triển trên 110ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường, trong đó có ít nhất 50ha đảng sâm và đương quy. Theo đó, hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất các loại giống dược liệu, thu hút đầu tư ít nhất 1 cơ sở sản xuất và chế biến dược liệu theo chuỗi liên kết phục vụ nhu cầu trong, ngoài tỉnh và định hướng xuất khẩu.
Đến năm 2030, toàn huyện sẽ nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 2.581ha, trong đó tập trung phát triển các loại dược liệu chính như: đảng sâm, ngũ vị tử, sa nhân tím, lan kim tuyến, đương quy, nấm dược liệu và các loại dược liệu khác, đồng thời hình thành ít nhất 3 cơ sở sản xuất giống dược liệu. Mỗi năm, ngành dược liệu đóng góp khoảng 30% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp huyện.
Đặc biệt, huyện chú trọng đến việc đầu tư và phát triển các vùng dược liệu tập trung. Trong đó, triển khai khoanh vùng sản xuất từng loài cây dược liệu phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng gắn với dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn. Trước mắt, huyện tập trung phát triển một số loại cây dược liệu có giá trị, tiềm năng lợi thế và phù hợp điều kiện khí hậu của từng tiểu vùng.
Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển dược liệu trên địa bàn huyện, ông Đặng Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Huyện sẽ tổ chức lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn giảm nghèo miền Trung, nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và của các cấp, các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp của huyện. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích huy động các thành phần kinh tế đầu tư vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản và vận động nhân dân vay vốn ưu đãi lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện để đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất…
Bài và ảnh: Văn Phúc