Đăk Glei chú trọng phát triển dược liệu gắn với tiêu thụ và chế biến
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, độ che phủ rừng cao, khí hậu mát mẻ nên Đăk Glei rất thích hợp để phát triển các loại dược liệu. Nhận thấy đây là hướng đi giúp bà con các xã trên địa bàn phát triển kinh tế gia đình bền vững, huyện đã chú trọng phát triển dược liệu, trong đó tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08 –NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn huyện.
Để bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, đảng sâm (sâm dây) và các dược liệu khác gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị và thương hiệu trên địa bàn, huyện đã xác định vùng phát triển dược liệu tại các xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp và một số xã Đăk Choong, Đăk Plô, Đăk Man có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, đảng sâm... Huyện cũng tiến hành xây dựng Đề án bảo tồn, hỗ trợ phát triển sâm Ngọc Linh tại 3 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án hỗ trợ phát triển cây đảng sâm tại các xã phía Bắc giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 và phát triển cây dược liệu ở nơi có điều kiện khí hậu phù hợp.
Cùng với việc xác định cụ thể các vùng có khí hậu phù hợp để phát triển dược liệu, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống... để bà con đẩy mạnh phát triển dược liệu. Tính đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 300,453ha, trong đó, sâm Ngọc Linh 8,613ha, đảng sâm 283,64ha, các loại dược liệu khác 8,2ha. Huyện cũng đã vận động bà con thành lập các tổ hợp tác trồng các loại dược liệu và đến nay đã thành lập được 63 tổ hợp tác/1.938 thành viên tham gia hoạt động phát triển dược liệu, trong đó có 49 tổ hợp tác trồng sâm Ngọc Linh, 14 tổ hợp tác trồng đảng sâm.
Đặc biệt, huyện đã chú trọng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Từ năm 2018, đã có 2 mô hình liên kết trồng đảng sâm có tổng kinh phí thực hiện 994 triệu (nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách nhà nước).
|
Theo bà Đinh Thị Y Ngọc - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Glei, việc thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, tránh tình trạng được mùa, mất giá. Đặc biệt, khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ dược liệu, bà con được hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, nguồn vốn nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên.
Nhằm nâng cao hiệu quả phát triển dược liệu, từ nguồn nguyên liệu tự nhiên cộng nguồn nguyên liệu bà con trồng, huyện Đăk Glei đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu từ khâu sản xuất, chế biến tạo ra sản phẩm có chất lượng cạnh tranh, giá trị gia tăng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thu hút được 1 Nhà máy nước giải khát sâm dây Ngọc Linh, Trà túi lọc sâm dây Ngọc linh tại thôn Đăk Nớ, xã Đăk Pék với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Nước giải khát Ngọc Linh là chủ đầu tư. Đặc biệt, 2 sản phẩm trà túi lọc sâm dây Ngọc linh và nước sâm dây Ngọc Linh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận.
Cùng với đó, hoạt động chế biến sản phẩm dược liệu sau thu hoạch trên địa bàn đã được các tổ hợp tác, doanh nghiệp, người dân quan tâm, tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng. Đến thời điểm hiện nay, đã có 3 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác, 10 cơ sở hộ gia đình thực hiện sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm dược liệu được quan tâm, chú trọng. Hiện có hơn 30 sản phẩm được chế biến từ dược liệu (như sâm dây khô, mứt sâm dây, bột sâm dây…) đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm dược liệu này đã được huyện đưa tham gia các Hội nghị xúc tiến thương mại ở các tỉnh, thành phố; tham gia trưng bày tại các siêu thị, cửa hàng mini tại thành phố Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Kon Tum...
Mặc dù vẫn còn những khó khăn như nguồn vốn hạn chế, vùng nguyên liệu khan hiếm, giá cả chưa ổn định, mối liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ chưa chặt chẽ...nhưng với những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy sự nỗ lực rất lớn của huyện Đăk Glei trong việc phát triển, chế biến, tiêu thụ các loại dược liệu. Nhờ dược liệu cuộc sống của người dân ở các vùng phát triển dược liệu như xã Mường Hoong, Ngọc Linh... đã thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định.
Phúc Nguyên