Triển khai các biện pháp phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2025
Ngày 10/1, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc Triển khai các biện pháp phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2025.
|
Chỉ thị nêu rõ: Để đảm bảo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển chăn nuôi, thủy sản được giao tại Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 2/12/2024 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2025 và Nghị quyết số 89/NQ-HĐND, ngày 9/12/2024 của HĐND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025 và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở vật nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ vào những lợi thế sẵn có của từng địa phương, tập trung chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác phát triển chăn nuôi, triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu chăn nuôi trong năm 2025. Triển khai thực hiện tốt giải pháp phát triển chăn nuôi, phát triển nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Ưu tiên bố trí kinh phí từ các nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ con giống (trâu, bò) cho người dân để phát triển chăn nuôi, tăng tổng đàn vật nuôi.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và khuyến khích người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh để phát triển chăn nuôi và kiểm soát được dịch bệnh và bố trí quỹ đất để trồng các giống cỏ có năng suất, chất lượng cao nhằm đáp ứng đủ thức ăn xanh cho gia súc. Khẩn trương triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn; thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét trong vụ Đông Xuân năm 2025-2026, đặc biệt chú trọng các địa phương vùng cao, nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét (các huyện: Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei). Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn huyện, thành phố (kể cả tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới vào địa bàn tỉnh). Kiên quyết đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị chức năng trong việc đôn đốc, kiểm tra, triển khai các biện pháp phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.
Phúc Nguyên