Sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu thị trường
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh theo hướng đa dạng, bền vững, tư duy sản xuất từng bước được thay đổi theo hướng kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ.
Huyện Đăk Hà là “thủ phủ” cà phê của tỉnh ta với tổng diện tích cây cà phê vào khoảng 15.000ha. Để nâng cao chất lượng, giá trị hạt cà phê, từng bước đưa cà phê Đăk Hà “vươn ra biển lớn”, thời gian qua, huyện Đăk Hà tập trung chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ dân phát triển sản xuất đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Trong đó, địa phương chú trọng xây dựng các cánh đồng lớn, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cao trong sản xuất như 4C, UTZ, VietGAP, đầu tư thiết bị chế biến hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, sản phẩm cà phê của huyện Đăk Hà đã xuất khẩu trực tiếp sang các nước như: Đức, Pháp, Mehico, Bỉ, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha và Mỹ với khoảng 500 tấn cà phê nhân/năm; các sản phẩm từ cà phê bột tiêu thụ trong nước khoảng 335 tấn/năm.
Cùng với cà phê, huyện Đăk Hà xây dựng 9 cánh đồng lớn trồng lúa, 1 cánh đồng lớn trồng rau, hoa, có liên kết trong tổ chức sản xuất, áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn. Nhờ đó, các sản phẩm tạo ra đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng đánh giá cao, có thị trường tiêu thụ ổn định.
|
Tại thành phố Kon Tum, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng thị trường, đến nay, địa phương đã quy hoạch các vùng trồng cây chủ lực, xây dựng cánh đồng quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Hiện tại, tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, có liên kết chuỗi giá trị của thành phố Kon Tum đạt 16,24%; đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn như vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cà phê vối chất lượng… Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao của thành phố Kon Tum trong năm 2024 ước đạt trên 533 tỷ đồng.
Thúc đẩy quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, sát nhu cầu thị trường cũng là hướng đi của ngành Nông nghiệp tỉnh ta.
Bà Y Hằng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển các loại cây trồng mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế như cà phê, cao su, mắc ca, cây ăn quả, dược liệu…Đồng thời, chủ động nghiên cứu, dự báo nhu cầu tiêu dùng của thị trường để định hướng các địa phương tổ chức thực hiện cho phù hợp; tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân triển khai sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu chất lượng đạt chuẩn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hơn 27.277ha cây trồng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, trong đó, diện tích cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng được chứng nhận đạt 2.506,6ha. Các mặt hàng nông sản áp dụng theo các tiêu chuẩn chất lượng như Global GAP, hữu cơ, VietGAP, UTZ (Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững), Thương mại công bằng.
|
Toàn tỉnh đã thiết lập vùng trồng cấp mã số và hoàn thành thủ tục đề nghị cấp mã số đối với 39 vùng trồng, diện tích sản xuất là hơn 650ha để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Bên cạnh đó, đã hình thành được một vùng sản xuất tập trung cho ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao như vùng trồng sầu riêng tại các huyện Ia H’Drai, Đăk Hà, Kon Rẫy với quy mô 850ha, vùng rau củ quả xứ lạnh tại huyện Kon Plông với quy mô hơn 400ha, vùng trồng cây ăn trái tại thành phố Kon Tum với quy mô trên 300ha, các vùng sản xuất rau àn toàn tại thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà với quy mô trên 50ha.
Việc tổ chức sản xuất gắn với phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng đạt chuẩn, tập trung, quy mô lớn góp phần nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản của tỉnh ta, qua đó giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Năm 2024, tổng giá trị tăng thêm của ngành Nông nghiệp (giá hiện hành) là 8.443 tỷ đồng, đạt 117,27% kế hoạch; tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, chú trọng hơn đến nông nghiệp hàng hóa, sản xuất theo định hướng và nhu cầu của thị trường - bà Y Hằng cho biết thêm.
Phát triển sản xuất theo tín hiệu thị trường, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp hiện đại. Đây là những yếu tố giúp ngành Nông nghiệp tăng trưởng bền vững, bởi thị trường luôn là khâu quyết định giá trị của mỗi sản phẩm.
Thiên Hương