Quá trình hình thành và phát triển đường phố ở Kon Tum
Thành phố Kon Tum là một trong những đô thị cổ được thành lập sớm ở Bắc Tây Nguyên. Ở đó, hệ thống đường phố ra đời và tồn tại cho đến nay đã trải qua 95 năm lịch sử. Bài viết này xin ghi lại quá trình hình thành và phát triển đường phố ở Kon Tum qua từng thời kỳ lịch sử.
Theo dòng lịch sử, ngày 3/12/1929, Quyền Khâm sứ Trung kỳ Jabouille ký ban hành Nghị định thành lập thị xã Kon Tum. Ban đầu trung tâm của đô thị gồm có các làng người Kinh ở Trung Lương, Tân Hương, Phương Nghĩa, Lương Khế và các làng Ba Na ở Plei Ro - Hai, Plei Donong, Kontum Kơpâng và Kontum Mơnâm. Theo Quy chế của đô thị Kon Tum, về mặt đường sá và công trình kiến trúc được chia thành hai khu: Đông và Tây, được ngăn cách bởi đại lộ Henri Maitre, đô thị có một đường viền đa giác với chiều dài 7.932m nằm trên trục sông Đăk Bla ở phía Bắc. Từ đó, hệ thống đường phố trên địa bàn thị xã Kon Tum bắt đầu được hình thành.
Chiếu theo Bản đồ thị xã Kon Tum, tỷ lệ 2000, ghi ngày 20/11/1930, các tuyến đường trên địa bàn thị xã Kon Tum được đặt chủ yếu nằm trong khu vực dân cư của các làng Tân Hương, Lương Khế và Trung Lương. Có trên 10 tuyến đường được đặt tên theo các địa danh, dân tộc, sự kiện và nhân vật lịch sử. Trong đó, một số tuyến đường lớn mang các tên như: Rue Henri Maitre, Rue Jules Guénot, Rue de La Marne, Rue des Écoles và các tuyến đường nhỏ như Rue de Dak To, Rue de Sé dang, Rue de Bah Nar, Rue de Verdun, Rue de Huê. Các tuyến đường này tồn tại cho đến năm 1954.
|
Trong giai đoạn từ năm 1955-1975, đô thị Kon Tum ngày càng được mở rộng về phía Bắc, hệ thống tên đường cũng có nhiều thay đổi và phát triển theo. Năm 1955 là bước ngoặt lớn cho việc thay thế toàn bộ các tên đường phố do Pháp đặt trước đây và thay vào đó bằng tên của các danh nhân, nhân vật lịch sử, cụ thể như: Đường Rue Henri Maitre được đổi thành Phan Thanh Giảng, đường Rue Jules Guénot đổi thành Nguyễn Huệ, đường Rue de La Marne đổi thành Lê Thánh Tôn, đường Quảng Nam đổi thành đường Phan Đình Phùng, đường Sédang đổi thành đường Nguyễn Thái Học, đường Rue des Écoles đổi thành đường Trịnh Minh Thế.
Tính đến năm 1972, hệ thống các tuyến đường trên địa bàn thị xã Kon Tum đã có 41 tên đường được đặt nằm trong các khu Tân Hương, Lương Khế, Phương Nghĩa, Võ Lâm, Trung Lương.
Sau ngày đất nước thống nhất (1975), thị xã Kon Tum thành lập một số đơn vị hành chính cấp phường như phường Quyết Thắng, phường Thắng Lợi và đồng thời các tuyến đường tiếp tục được củng cố và phát triển. Từ năm 1976 - 1997, hệ thống tên đường phố ở thị xã Kon Tum một số tên đường thay đổi như: Đường Phan Thanh Giản đổi thành đường Trần Phú, đường Lê Thánh Tôn đổi thành đường Trần Hưng Đạo, đường Lê Văn Duyệt đổi thành đường Hoàng Văn Thụ, đường Trịnh Minh Thế đổi thành đường Lê Hồng Phong, đường Phủ Mohn đổi thành đường Kpă Klơng, đường Triệu Ẩu đổi thành đường Bà Triệu, đường Cha Do đổi thành Nguyễn Văn Trỗi, còn lại được giữ nguyên. Tính đến năm 1997, tổng số đường phố trên địa bàn thị xã Kon Tum có 57 tên đường.
|
Từ năm 1997 - 2008, UBND thị xã Kon Tum đã tổ chức 3 đợt xây dựng Đề án đặt, đổi tên đường phố trình HĐND tỉnh thông qua các kỳ họp. Trong đó, đợt 1 vào ngày 27/12/1997, có 50 tuyến đường được đặt mới, đặt lại 15 tên đường không phù hợp và thay 2 tên đường trùng lắp. Đợt 2 vào ngày 27/3/2007, có 30 tên đường được đặt tên; đồng thời đặt 2 công trình công cộng là Quảng trường 16/3 và Công viên 2/9.
Ngày 10/4/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/NĐ-CP, thành lập thành phố Kon Tum, gồm có 10 phường và 11 xã. Trên cơ sở quy hoạch đô thị, từ năm 2012-2018, UBND thành phố tiếp tục xây dựng Đề án đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn. Qua các kỳ họp, HĐND tỉnh thống nhất và ban hành Nghị quyết số 24/2012, Nghị quyết số 13/2014, Nghị quyết 32/2015, Nghị quyết 52/2018 với tổng số 95 tên đường được đặt mới trên địa bàn thành phố.
Như vậy, tính đến năm 2024, thành phố Kon Tum có trên 250 tuyến đường được đặt, đổi tên. Có thể nói, việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Kon Tum đã góp phần quan trọng vào công tác quản lý về mặt đô thị, hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Phạm Bình Vương