Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên không gian mạng, bởi các em chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng nhận diện và phòng tránh rủi ro gặp phải khi giao tiếp trên môi trường mạng.
Theo báo cáo của Bộ Công an, đến tháng 3/2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm 24,5% dân số cả nước. Trong đó, có khoảng 2/3 trẻ em đang tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối Internet; tỉ lệ này tăng lên 82% trẻ em trong độ tuổi 12-13 tuổi và 93% trẻ em từ 14-15 tuổi.
Trẻ em đang là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ từ môi trường mạng, cả về khía cạnh tích cực và tiêu cực. Qua thực tiễn công tác, các đơn vị chức năng đã chỉ ra một số nguy cơ sau:
Tiếp cận thông tin xấu, độc: Trẻ em dễ dàng tiếp cận với các nguồn thông tin giả, tin chưa được kiểm chứng, tin sai sự thật trên không gian mạng, kể cả các nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm, ma tuý. Từ đó, trẻ em có nguy cơ bị tác động, gây lệch lạc về nhận thức, suy đồi đạo đức, sống buông thả, vi phạm pháp luật.
|
Bị bắt nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục trên mạng: Theo khảo sát của Cục An toàn thông tin, tại Việt Nam, 51% người dùng mạng, bao gồm 48% người trưởng thành và 54% thanh thiếu niên, cho biết họ từng có liên quan đến một "vụ bắt nạt". 21% từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối. Thường những trẻ từ 10-14 tuổi sẽ bị bắt nạt qua mạng nhiều nhất.
Bị xâm phạm quyền riêng tư, sử dụng trái phép thông tin cá nhân vào mục đích vi phạm pháp luật: Việc chia sẻ, đăng tải một cách vô tư hình ảnh của trẻ em, trong đó có nhiều thông tin “nhạy cảm” như tên, tuổi, địa chỉ nơi ở, lớp học, số điện thoại có thể bị các đối tượng xấu khai thác, sử dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật.
Bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, xâm hại tình dục qua mạng hoặc bị ép tham gia các hoạt động phi pháp: Đối tượng xấu sử dụng trẻ em vào các mục đích khiêu dâm qua mạng như dụ dỗ, ép buộc trẻ em tự quay, chụp lại cảnh khiêu dâm của bản thân; sử dụng các hình ảnh nhạy cảm của trẻ em để uy hiếp, cưỡng đoạt tài sản; lừa bán trẻ em cho các khu lao động bất hợp pháp.
Bị xúi giục, dẫn dắt thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật: Lợi dụng tâm lý mong muốn được chú ý, được thể hiện bản thân, các đối tượng xấu tiến hành dụ dỗ, xúi giục, thúc đẩy trẻ em thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật mà bản thân các em không ý thức được đầy đủ tính chất vi phạm, hậu quả xấu có thể xảy ra.
|
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 830/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em và ngăn chặn kịp thời các mối nguy hại đối với trẻ em trên môi trường mạng.
Tại tỉnh ta, các cơ quan Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông đã ký kết quy chế phối hợp trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.
Công an tỉnh đã chủ động tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật trong bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường mạng, các nguy cơ và thủ đoạn tội phạm từ môi trường mạng và kỹ năng nhận diện, phòng tránh, xử lý, tập trung trực tiếp vào các đối tượng là học sinh, phụ huynh, giáo viên các cơ sở giáo dục. Theo thống kê năm 2024, các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh đã tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cơ sở giáo dục 14 buổi, thu hút 8.053 học sinh, giáo viên các cơ sở giáo dục tham gia; đăng tải 7.621 bài viết, bản tin An ninh mạng trên các trang mạng xã hội.
Trong bối cảnh môi trường mạng ngày càng trở nên phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu và cần đến sự chung tay của toàn xã hội.
Các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội và doanh nghiệp cần phối hợp thực hiện có hiệu quả pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin, Quyết định 830 của Thủ tướng Chính phủ; chú trọng triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; ban hành cơ chế vận động, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, ứng dụng quản lý, giám sát trẻ em sử dụng Internet và có chính sách tôn vinh, khen thưởng các thành viên, cá nhân có đóng góp nổi bật cho công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Mỗi gia đình, nhà trường và xã hội cần thường xuyên trang bị kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em trên môi trường mạng, giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
TÂM AN