Nông dân vươn mình
Bạn thấy gì từ hình ảnh một nông dân đang vận hành hệ thống tưới nước tự động qua Smart phone thay vì cầm vòi phun cho từng luống rau, hay livestream bán nông sản ngay tại vườn qua các ứng dụng mạng xã hội?
Ông Tư Hoành từng là người luôn “nói không” với máy móc, công nghệ. Lý do là “tại sao lại phải bỏ ra một núi tiền cho cái gọi là công nghệ, trong khi vẫn có thể tự mình tưới được. Khi kéo vòi tưới nước còn có thể nhổ cỏ, bắt sâu”.
Nhưng rồi ông nhận thấy, việc kéo vòi tưới từng luống rau và “nhổ cỏ bắt sâu” khiến việc sản xuất, kinh doanh của gia đình ông tụt hậu so với các gia đình khác. “Ít nhất là vất vả hơn, tốn sức người hơn”- ông nói.
Sau khi học hỏi từ chính… hàng xóm, ông nói con trai đầu tư hệ thống tưới tự động. Cũng không quá tốn kém như ông nghĩ. Từ đó, con cái đi làm vẫn có thể yên tâm để ông già ở nhà chăm sóc gần 1ha rau.
Bởi chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ông có thể vận hành tưới nước thường, tưới nước có pha phân bón, đảm bảo đúng thời gian, đủ độ ẩm, dinh dưỡng cho rau củ.
Việc bán rau của gia đình ông cũng thay đổi rất rõ. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hành, có thể bán các loại rau củ “của nhà làm ra” bằng việc đăng lên trang facebook, zalo, thay vì phải đem ra chợ hoặc bỏ mối cho mấy quán ăn. Mà người mua cũng ở tận đẩu tận đâu chứ không chỉ ở xã, huyện.
|
Không chỉ vậy, bà Hành còn quay clip đăng trên mạng xã hội về quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch rau củ, rồi livestream bán hàng ngay tại vườn. "3, 2, 1, xin chào cả nhà! Hôm nay tôi chuẩn bị thu lứa rau mới. Quý khách hàng xem, đây là vườn rau mà tôi chuẩn bị thu hái tươi ngon”.
Bạn thấy gì từ hình ảnh một nông dân đang vận hành hệ thống tưới nước tự động qua Smart phone thay vì cầm vòi phun cho từng luống rau, hay livestream bán nông sản ngay tại vườn qua các ứng dụng mạng xã hội?
Với tôi, đó chính là minh chứng rõ ràng nhất về sự vươn mình của nông dân ta ngày nay.
Có rất nhiều câu chuyện cho thấy, nông dân ngày nay không chỉ sản xuất bằng kinh nghiệm, bằng sức lực, mà còn nhanh nhạy trong nắm bắt xu thế mới, trong tính toán, thay đổi để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
Trong những chuyến công tác, tôi đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của xu hướng “công nghệ hóa sản xuất nông nghiệp” ở khu vực nông thôn. Ngày càng có nhiều, rất nhiều nông dân có thu nhập cao mà không hề phải “chân lấm tay bùn” trên ruộng đất của mình.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền các cấp, nông dân toàn tỉnh luôn phát huy tinh thần yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, luôn khát vọng vươn lên. Tích cực tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, những năm gần đây, với sự thúc đẩy mạnh mẽ của tỉnh, việc ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp trở nên sôi động. Hàng loạt chính sách được triển khai hiệu quả, từ đó khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để hỗ trợ nông dân được rà soát, hoàn thiện.
Chính nông dân cũng chủ động, hồ hởi tiếp nhận đối với các chính sách mà Đảng, Nhà nước đang triển khai. Vì họ hiểu rất rõ rằng, những chính sách ấy đang làm thay đổi cuộc sống của họ.
Họ chủ động học hỏi, thay đổi cách nghĩ cách làm, nắm bắt khoa học công nghệ, thích ứng với cơ chế thị trường, tích cực tham gia thực hiện chuyển đổi số mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
|
Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi lan tỏa mạnh mẽ, xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân điển hình. Riêng năm 2024, toàn tỉnh có 12.187 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; 1 nông dân được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024”.
Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân, do nông dân thành lập và vận hành, từng bước hoạt động hiệu quả. Bởi họ hiểu rằng, nếu sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, sẽ không khắc phục được những khó khăn về vốn, về tư liệu sản xuất đất, về thị trường; hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để khắc phục những hạn chế trên.
Chính họ đã cho thấy khát vọng vươn lên. Và chính họ cũng chứng minh, muốn làm nông giỏi phải học hỏi không ngừng. Và khi làm nông giỏi cũng giàu được.
Điều đó cũng khẳng định một thực tế: Nông dân ngày nay đã đủ tự tin, đủ bản lĩnh để thể hiện vai trò chủ thể của mình và sẵn sàng vươn mình.
Tất nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một bộ phận nông dân vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó có tình trạng tự ti, an phận, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa chịu khó vươn lên thoát nghèo.
Vì vậy, để “chắp cánh” cho sự vươn mình của nông dân, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân tổ chức liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác.
Triển khai hiệu quả các giải pháp về tập trung, tích tụ đất đai để hình thành cánh đồng lớn phục vụ sản xuất cơ giới. Khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ nông dân; hỗ trợ khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp do tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu.
Có các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về sản xuất thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Thành Hưng